Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền giáo dục trong cộng đồng dân cư, có sự phối hợp chặt chẽ để quản lý tốt và hiệu quả hơn các cơ sở sản xuất kinh doanh, có thuê lao động trẻ em, như: Có trách nhiệm liên hệ với cơ sở có uy tín, tạo điều kiện cho các em được học nghề, sau đó có việc làm phù hợp với sức khỏe của mình...
Vụ việc hai cơ sở may tại quận Tân Phú (TP Hồ Chí Minh) bóc lột sức lao động trẻ em (với mức thù lao khoảng... 2.000 đồng/1 giờ) được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý mấy ngày qua đã tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng vi phạm Luật Lao động, Nghị định 91/2011/NĐ-CP… về xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em…
Thực ra tình trạng này đã diễn ra từ lâu, dai dẳng. Theo số liệu mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đưa ra, hiện cả nước có khoảng 26.000 trẻ em đang phải làm việc nặng nhọc, bươn chải để kiếm sống (nhiều người cho rằng con số này có thể cao hơn). Đa số các em đều thuộc diện gia đình đói nghèo, từ nông thôn ra và làm việc không phù hợp với độ tuổi, chủ yếu trong các ngành: Dịch vụ ăn uống, làng nghề, khu vui chơi giải trí, khai thác đá, cơ sở may… với mức tiền công rẻ mạt và phải làm việc quá giờ quy định.
Không ít em phải lao động trong môi trường độc hại, không được trả lương xứng đáng, không được chăm sóc khám sức khỏe, không được đi học, vui chơi giải trí như bạn bè cùng trang lứa… Do phải tham gia lao động kiếm sống từ sớm, các em đối mặt với những rủi ro bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động, bị lạm dụng sức lao động, thậm chí nhiều em bị ngược đãi, đánh đập… Đặc biệt, ngày càng xuất hiện nhiều hình thức sử dụng lao động trẻ em trá hình, nhiều cách bóc lột sức lao động trẻ em tinh vi; mặc dù trong các em có người tự nguyện lao động vì hoàn cảnh gia đình nhưng cũng có không ít bị lừa gạt, lôi kéo. Nhiều trường hợp còn có sự “thỏa thuận” giữa chủ cơ sở và gia đình các em.
Có thể thấy, việc bóc lột sức lao động trẻ em đã đến mức độ báo động, đòi hỏi sự phối hợp, quan tâm giải quyết của toàn xã hội. Trong vụ việc tại hai cơ sở may ở quận Tân Phú (TP Hồ Chí Minh) nói trên, có câu hỏi được đặt ra là: Tại sao hai cơ sở này hoạt động đã lâu nhưng chính quyền địa phương không biết hoặc biết rõ mà vẫn để tồn tại? Và, ngoài hai địa điểm này, liệu còn bao nhiêu cơ sở nữa chưa bị phát hiện, xử lý.
Theo khoản 3, Điều 10, Nghị định số 91/2011/NĐ-CP ngày 17/10/2011 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thì “Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi tập hợp, chứa chấp trẻ em lang thang để bán vé số, sách, báo, tranh, ảnh, bán hàng rong hoặc các hoạt động khác nhằm mục đích trục lợi”.
Với những đối tượng vi phạm nghị định này, ngoài hình thức phạt tiền như trên, tùy từng mức độ, nếu cần, phải xử lý hình sự để làm gương cho những người khác. Ngoài ra, khi xây dựng thành văn bản pháp luật, các cơ quan chức năng cũng như người dân cần kiến nghị, đưa thêm vào những điều khoản về độ tuổi lao động trẻ em, tăng mức phạt với các đối tượng bóc lột sức lao động trẻ em; quyền của lao động giúp việc gia đình hoặc hợp đồng sẽ quy định thế nào, tài sản của người chủ nếu bị xâm hại sẽ xử lý ra sao...
Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền giáo dục trong cộng đồng dân cư, có sự phối hợp chặt chẽ để quản lý tốt và hiệu quả hơn các cơ sở sản xuất kinh doanh, có thuê lao động trẻ em, như: Có trách nhiệm liên hệ với cơ sở có uy tín, tạo điều kiện cho các em được học nghề, sau đó có việc làm phù hợp với sức khỏe của mình... Cần tăng cường phát hiện, có các biện pháp ngăn chặn, xử lý thích hợp với những cá nhân, tổ chức có hành vi dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc, khống chế, lợi dụng trẻ em đi lang thang… để trục lợi. Và ngay từ mỗi gia đình, cần tìm hiểu kỹ về những cơ sở thuê các em, tạo mối quan hệ, sợi dây liên kết với chính quyền sở tại để luôn nắm được thông tin, giúp các em tránh được những hình thức bóc lột sức lao động. Nhưng trên hết, mỗi người trong xã hội phải yêu thương và bảo vệ trẻ em thì hoạt động ngăn chặn bóc lột lao động trẻ em mới hiệu quả hơn./.
(Phúc Thắng/QĐND)