Thứ Bảy, 23/11/2024
Khoa học
Chủ Nhật, 4/4/2021 9:27'(GMT+7)

Dự báo đúng xu hướng biến đổi cơ cấu xã hội để xây dựng chính sách và quản lý phù hợp

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

1. Cơ cấu xã hội (cấu trúc xã hội) là một khái niệm của nhiều lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; là thuật ngữ đang được sử dụng phổ biến hiện nay. Tuy còn có một vài điểm khác nhau song về cơ bản, khi bàn về cơ cấu xã hội, các nhà khoa học đều chỉ ra rằng đó là cách thức tổ chức của hệ thống xã hội; các thành tố cấu thành hệ thống xã hội và tính chất, mức độ quan hệ giữa các thành tố đó trong hệ thống xã hội là “hai mặt” của cơ cấu xã hội.

Về cơ cấu xã hội, học thuyết Mác - Lênin chỉ rõ rằng, sản xuất kinh tế và cơ cấu xã hội là nền tảng kinh tế, xã hội của các thời đại; sản xuất kinh tế quyết định cơ cấu xã hội. Quá trình sản xuất kéo theo sự biến động của cơ cấu xã hội, sản xuất phát triển mạnh thì cơ cấu xã hội biến đổi mạnh, biến đổi về kinh tế dẫn đến biến đổi cơ cấu xã hội. Cơ cấu xã hội luôn trong trạng thái vận động, biến đổi không ngừng, đó là một quy luật xã hội.

Ở nước ta, thực hành nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế trong xu thế toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm cho cơ cấu xã hội biến động mạnh. Biến đổi cơ cấu xã hội ở nước ta hiện nay trên các bình diện: biến đổi số lượng của các thành tố cơ cấu xã hội; biến đổi vị thế của từng thành tố cơ cấu xã hội và biến đổi tính chất quan hệ giữa các thành tố cơ cấu xã hội xã hội.

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ IX đã khẳng định: “Trong thời kỳ quá độ, có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, giai cấp, tầng lớp xã hội khác nhau, nhưng cơ cấu, tính chất, vị trí của các giai cấp trong xã hội ta đã thay đổi nhiều cùng với những biến đổi về kinh tế, xã hội”(1).

Biến đổi cơ cấu xã hội ở nước ta hiện nay đã và đang đặt ra vấn đề rất quan trọng và cấp thiết là phải phân tích nắm bắt để xác định các quan điểm, chủ trương, chính sách, phương thức quản lý xã hội phù hợp, bảo đảm cho đất nước phát triển theo định hướng XHCN. V.I.Lênin từng nhấn mạnh: “Kết cấu của xã hội và chính quyền có nhiều biến đổi, nếu không tìm hiểu các biến đổi này thì không thể tiến một bước trong bất kỳ lĩnh vực hoạt động xã hội nào. Vấn đề tiền đồ phụ thuộc vào sự tìm hiểu biến đổi này”(2).

2. Xã hội là một hệ thống đa cơ cấu, chứa đựng trong đó nhiều cơ cấu xã hội (phân hệ cơ cấu xã hội). Các cơ cấu xã hội cơ bản: giai tầng xã hội, dân cư, lao động, dân số, dân tộc, tôn giáo. Cơ cấu giai tầng xã hội được xem xét theo tiêu chí giai tầng xã hội. Cơ cấu xã hội dân cư được xem xét sự phân bổ dân cư theo địa bàn cư trú với hai tiêu chí chủ yếu: đô thị, nông thôn. Cơ cấu xã hội lao động được xem xét dưới góc độ phân công lao động xã hội, ngành nghề. Cơ cấu xã hội dân số là cơ cấu giới tính, lứa tuổi, học vấn,… Cơ cấu xã hội dân tộc được xem xét theo tiêu chí các dân tộc. Cơ cấu xã hội tôn giáo được xem xét theo tiêu chí các tôn giáo. Trong mỗi cơ cấu xã hội cơ bản chứa đựng nhiều thành tố xã hội, ví như cơ cấu giai tầng xã hội bao gồm các giai tầng xã hội: công nhân, nông dân, trí thức,…

Thực hành phân tích cơ cấu xã hội phải nhận rõ trạng thái tĩnhtrạng thái động, nghĩa là vừa phải chỉ ra thực trạng, vừa chỉ ra xu hướng vận động biến đổi của cơ cấu xã hội. Theo đó, trước hết, phân tích cơ cấu xã hội phải làm rõ thực trạng từng cơ cấu xã hội cơ bản, với chỉ báo ban đầu là số lượng. Ví dụ như phân tích cơ cấu giai tầng xã hội phải chỉ ra: hiện tại có bao nhiêu giai tầng xã hội? Số lượng của từng giai tầng xã hội? Tiếp theo là dự báo xu hướng biến động về số lượng của các cơ cấu xã hội cơ bản trong 5 năm, 10 năm tới - trong 5 năm, 10 năm tới sẽ có các giai tầng xã hội nào? Số lượng của từng gia tầng xã hội tăng lên hay giảm đi?.

Các yếu tố cấu thành hệ thống xã hội và mức độ, tính chất quan hệ giữa các yếu tố đó trong hệ thống xã hội là “hai mặt” của cơ cấu xã hội. Phân tích cơ cấu xã hội không chỉ dừng lại ở việc “kiểm đếm số lượng”, mà vấn đề quan trọng hơn là phân tích làm rõ vị thế xã hội, mức độ, tính chất quan hệ giữa các thành tố của cơ cấu xã hội. Ví dụ, phân tích cơ cấu giai tầng xã hội phải chỉ ra được: vị thế xã hội của giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức,… và mức độ, tính chất quan hệ giữa các giai tầng xã hội hiện tại như thế nào? 5 năm, 10 năm tới mức độ, tính chất quan hệ giữa các giai tầng xã hội sẽ như thế nào?

Phân tích vị thế xã hội, mức độ, tính chất quan hệ trong các cơ cấu xã hội cơ bản về thực chất là xác định mức độ đồng thuận xã hội, chỉ ra các mâu thuẫn xã hội, nguy cơ xung đột xã hội. Đó là mục tiêu của phân tích thực trạng và dự báo xu hướng biến đổi của cơ cấu xã hội. Bởi lẽ, có chỉ ra được mâu thuẫn xã hội, mức độ đồng thuận xã hội thì mới có cơ sở khoa học thực tiễn cho việc ban hành chính sách, thực hành phương thức quản lý xã hội phù hợp để bảo đảm cho phát triển xã hội bền vững, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Đáp ứng yêu cầu của quản lý xã hội là tính chất, mục đích của phân tích cơ cấu xã hội.

Đánh giá thực trạng và dự báo xu hướng biến đổi cơ cấu xã hội để hiểu phương diện xã hội của một hệ thống xã hội, tìm ra được các vấn đề xã hội cần phát huy hoặc giải tỏa để bảo đảm tính thống nhất, tính trật tự, tính tổ chức và tính chỉnh thể của hệ thống xã hội. Phân tích cơ cấu xã hội với mục đích cung cấp cơ sở khoa học thực tiễn cho việc ban hành chính sách xã hội, thực hành giải pháp ổn định và phát triển xã hội bền vững, ban hành và thực thi các chính sách nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các nhóm, thành tố xã hội, xây dựng xã hội đồng thuận.

3. Trong những năm qua, kết quả nghiên cứu về xã hội nói chung, về cơ cấu xã hội nói riêng đã góp phần quan trọng trong việc cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Kết quả nghiên cứu về cơ cấu xã hội đã cung cấp cơ sở khoa học thực tiễn cho việc hoạch định chủ trương, chính sách nhằm xây dựng và phát huy các thành tố của cơ cấu xã hội cho phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong các kỳ đại hội, Đảng luôn xác định nội dung xây dựng các giai tầng xã hội, kết cấu dân cư, các chủ trương chính sách về lao động và việc làm, về dân số, dân tộc, tôn giáo,… dựa trên kết quả nghiên cứu về giai tầng xã hội, cơ cấu dân cư, cơ cấu lao động, cơ cấu dân số, về dân tộc, tôn giáo,… Đảng nhận rõ tầm quan trọng của việc xây dựng cơ cấu xã hội của quá trình phát triển đất nước theo định hướng XHCN. Đại hội lần thứ XII, Đảng đã chỉ rõ: Thực hành các giải pháp, chính sách và quản lý để “…bảo đảm cơ cấu giai tầng xã hội, dân cư, ngành nghề hợp lý”; “… thực hiện các chính sách phù hợp với các giai tầng xã hội”(3). Đại hội lần thứ XIII, Đảng xác định trên cơ sở dự báo đúng xu hướng biến đổi cơ cấu xã hội ở nước ta trong những năm tới để xây dựng các chính sách xã hội và quản lý phát triển xã hội phù hợp.

Trong những năm vừa qua, nghiên cứu về cơ cấu xã hội được triển khai liên tục, thu được nhiều kết quả, góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuy vậy, các nghiên cứu về cơ cấu xã hội chưa đánh giá và dự báo chính xác những diễn biến, thay đổi cơ cấu xã hội,… để từ đó có chủ trương phù hợp(4). Vì thế, vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay là cần đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản, hệ thống, hiệu quả về cơ cấu xã hội, đánh giá đúng thực trạng và dự báo đúng xu hướng biến đổi cơ cấu xã hội ở nước ta trong những năm tới theo nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Đánh giá đúng thực trạng, dự báo đúng xu hướng biến đổi cơ cấu xã hội giữ vị trí, vai trò rất quan trọng; cung cấp cơ sở khoa học thực tiễn cho Đảng đề ra đường lối, chủ trương xây dựng và củng cố nền tảng xã hội trong quá trình phát triển đất nước theo định hướng XHCN. Học thuyết Mác - Lênin đã nhận định, cơ cấu kinh tế và cơ cấu xã hội làm thành nền tảng của các chế độ xã hội(5).

Quá trình phát triển đất nước theo định hướng XHCN là quá trình thiết lập cơ cấu kinh tế - xã hội chủ nghĩa và cơ cấu xã hội XHCN. Bảo đảm cơ cấu giai tầng xã hội, dân cư, ngành nghề hợp lý trong từng giai đoạn của quá trình phát triển đất nước là vấn đề quan trọng trong việc giữ vững định hướng XHCN.

4. Trong các văn kiện đại hội Đảng, các chương trình, kế hoạch ở các địa phương, trước phần đánh giá thực trạng, xác định phương hướng lãnh đạo, quản lý đều có mục “đặc điểm tình hình ở địa phương”, với kết cấu khá rõ: tình hình kinh tế, tình hình xã hội,….

Trong phần đánh giá “tình hình xã hội”, các văn kiện đều đã tiệm cận nội dung về cơ cấu xã hội, phản ánh ở những bình diện, mức độ khác nhau của cơ cấu xã hội, thông qua đó mà đánh giá tình hình, đặc điểm xã hội ở địa phương, rút ra những thuận lợi, khó khăn. Như vậy có thể thấy rằng, việc mô tả, phân tích cơ cấu xã hội không chỉ ở cấp quốc gia mà đã được thực hành ở các địa phương trong nhiều năm vừa qua. Đặc điểm về cơ cấu xã hội đã là một cơ sở khoa học thực tiễn của hoạt động lãnh đạo, quản lý xã hội ở các địa phương. Thực trạng cơ cấu xã hội đã là tiền đề để mỗi cấp xác định mục tiêu, phương hướng, nội dung, phương thức lãnh đạo, quản lý xã hội.

Tiếp cận cơ cấu xã hội trong đánh giá tình hình, đặc điểm xã hội ở địa phương là cách thức tiếp cận khoa học, cần được nâng cấp khoa học. Đánh giá về tình hình, đặc điểm xã hội nên được đánh giá trên tất cả các cơ cấu xã hội cơ bản: giai tầng xã hội, dân cư, lao động, dân số, dân tộc, tôn giáo và các thành tố của nó. Song tùy vào tính chất, mức độ của văn bản mà đánh giá các cơ cấu xã hội ở mức độ đậm nhạt, nông sâu khác nhau, với mục tiêu làm rõ, sâu, đậm đặc điểm về xã hội, mà những đặc điểm xã hội này chi phối mạnh đến những quyết định về chủ trương, biện pháp lãnh đạo, quản lý xã hội ở địa phương trong từng thời đoạn, cho từng lĩnh vực.

Đánh giá tình hình, đặc điểm xã hội ở địa phương theo phương thức tiếp cận cơ cấu xã hội cần làm rõ: số lượng của các thành tố cơ cấu xã hội cơ bản; vị thế xã hội của từng thành tố cơ cấu xã hội; mức độ, tính chất quan hệ giữa các thành tố của cơ cấu xã hội; chỉ ra thực trạng và dự báo xu hướng. Mức độ làm rõ các nội dung này có thể sâu, đậm khác nhau nhưng vấn đề cốt lõi là xác định tính chất đồng thuận xã hội, chỉ ra các mâu thuẫn xã hội, nguy cơ xung đột xã hội. Trong các văn bản hiện hành thường sử dụng mục “thuận lợi, khó khăn” sau khi mô tả đặc điểm xã hội. Vấn đề đặt ra là, những thuận lợi, khó khăn nên cần tiệm cận đến việc chỉ ra cho được các mâu thuẫn xã hội, những nút thắt cần tháo gỡ.

Tư duy về cơ cấu xã hội trong lãnh đạo, quản lý xã hội luôn đòi hỏi cán bộ lãnh đạo, quản lý phải trả lời các câu hỏi: Ở địa phương hiện nay có các nhóm, thành tố xã hội nào và thời gian tới sẽ hình thành nhóm, thành tố xã hội nào (theo tiêu chí các cơ cấu xã hội cơ bản: giai tầng xã hội, dân cư, lao động, dân số, dân tộc, tôn giáo)? Vị trí, vị thế, vai trò của các nhóm, thành tố xã hội trong phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh ở địa phương? Mức độ, tính chất quan hệ giữa các nhóm, thành tố xã hội và sự tác động của nó đến giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương? Mâu thuẫn, xung đột xã hội giữa các nhóm, thành tố xã hội đã và có thể xảy ra? Cách thức lãnh đạo, quản lý để phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng nhóm, thành tố xã hội cho phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững trật tự, ổn định và phát triển xã hội, đoàn kết và đồng thuận xã hội ở địa phương? Trả lời đầy đủ các câu hỏi đó cũng có nghĩa là đã quán triệt, thực hiện quan điểm của Đại hội Đảng lần thứ XIII: dự báo đúng xu hướng biến đổi cơ cấu xã hội để xây dựng chính sách và quản lý xã hội phù hợp./.

PGS. TS.PHẠM XUÂN HẢO

____________________________

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2001, tr.85.

(2) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, M, 1980, t.20, tr.221.

(3) (4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2016, tr.135, 157.

(5) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1995, t.21, tr.11.

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất