Thứ Bảy, 23/11/2024
Khoa học
Thứ Sáu, 26/2/2021 15:55'(GMT+7)

Kinh nghiệm phát triển kinh tế số ở một số quốc gia và giá trị tham khảo với Việt Nam

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

KINH NGHIỆM CỦA MỘT SỐ QUỐC GIA

Cộng hòa Liên bang Đức

Cộng hòa Liên bang Đức (Đức) triển khai phát triển nền kinh tế số bằng chiến lược tổng thể, bài bản ở cả cấp độ quốc gia, ngành và doanh nghiệp. Đức đã thành lập Phòng Công nghiệp 4.0 ở Bộ Kinh tế và Năng lượng, chịu trách nhiệm tham mưu và tổ chức triển khai chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong toàn quốc; thiết lập các tổ công tác đặc trách như: tổ về xây dựng tiêu chuẩn, tổ về đào tạo - việc làm, tổ về an ninh mạng, tổ về xây dựng mô hình, v.v. để quản lý, điều hành từng lĩnh vực cụ thể. Đức với thế mạnh trong các ngành sản xuất công nghiệp nặng nên khi đưa ra chiến lược phát triển kinh tế số tập trung vào việc ứng dụng kỹ thuật số vào các ngành công nghiệp mới như: robot thế hệ mới, phương tiện thông minh (xe tự lái, tàu điện tự lái, tàu ngầm tự lái, máy bay tự lái…), vật liệu thông minh, năng lượng thông minh. Để chuẩn bị nguồn nhân lực cho nền kinh tế số, Đức tập trung vào việc chuyển đổi mô hình đào tạo nhân lực theo hướng đề cao tính linh hoạt, tính mở, tính tự chủ của các cơ sở đào tạo dựa trên đối thoại giữa nhà trường với doanh nghiệp nhằm thích ứng với sự thay đổi của cơ cấu ngành nghề trong nên kinh tế số và tập trung đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật các kỹ năng số cho người lao động thông qua nhiều hình thức khác nhau.

Một kinh nghiệm cũng đáng lưu ý của Đức đó là phát triển hệ thống sản xuất thông minh, nhà máy thông minh bằng cách sử dụng IoT và công nghệ sản xuất tự động. Trong hệ thống sản xuất thông minh của Đức, các nhà máy thông minh, các hàng hóa, dịch vụ bên trong, bên ngoài nhà máy, các khâu của quá trình sản xuất như  các chuỗi giá trị sản phẩm, thiết kế cơ sở sản xuất, sản xuất, bảo trì... được tiêu chuẩn hóa và liên kết với nhau. Với sự liên kết này, cả khu vực sản xuất của Đức sẽ hoạt động như một nhà máy thông minh lớn.

Nhật Bản

Chương trình phát triển kinh tế số của Nhật Bản nằm trong chương trình tổng thể về xã hội 5.0. Theo đó, Nhật Bản đưa ra nhiều chiến lược, chính sách, biện pháp như: 1) Chiến lược đầu tư nhằm tăng năng suất của nền kinh tế Nhật Bản trong bối cảnh phát triển kinh tế số, tập trung vào các nội dung: tái cơ cấu các ngành kinh tế và việc làm để thích ứng với kinh tế số, cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đảm bảo hạ tầng an ninh thông tin để tăng cường an ninh mạng; thúc đẩy việc sử dụng công nghệ thông tin trong các ngành, lĩnh vực kinh tế. 2) Xây dựng, thực hiện mục tiêu trở thành quốc gia công nghệ thông tin tiên tiến nhất thế giới. Xác định công nghệ thông tin là trụ cột của chiến lược tăng trưởng, là giải pháp giúp Nhật Bản vượt qua tình trạng trì trệ và thúc đẩy phục hồi kinh tế. 3) Xây dựng Chiến lược về an ninh mạng, tập trung vào ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ, phát triển nguồn nhân lực để tăng cường khả năng phát hiện, chống lại các cuộc tấn công mạng ở Nhật Bản.

Đất nước Nhật Bản với tốc độ phát triển thần kỳ

Đất nước Nhật Bản với tốc độ phát triển thần kỳ

Hàn Quốc

Trong nội dung, chính sách phát triển kinh tế, Hàn Quốc xác định nguồn lực, động lực, ngành sản xuất chính, chủ yếu cho phát triển kinh tế thời gian tới là những ngành kinh tế số gắn với cách mạng công nghiệp 4.0, coi đây là những ngành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế.

Chính phủ Hàn Quốc hiện nay chú trọng, đề cao và chủ động, khẩn trương phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là cách mạng công nghiệp 4.0 và kinh tế số, coi đây là nhiệm hết sức quan trọng, là nhiệm vụ hàng đầu của chính quyền  hiện nay.

Để phát triển kinh tế số, tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ Hàn Quốc nâng cao vị thế và quyền hạn của Cơ quan đổi mới khoa học và công nghệ (STI), tăng đầu tư ngân sách cho nghiên cứu và phát triển; thành lập Ủy ban cách mạng công nghiệp lần thứ tư trực thuộc Tổng thống để lập kế hoạch cho các ngành công nghiệp trong tương lai, đáp ứng yêu cầu tình hình mới của Hàn Quốc.

Chính phủ Hàn Quốc cũng xây dựng, triển khai các đề án phát triển khoa học và công nghệ, đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0.

Hàn Quốc xác định phát triển kinh tế số phải là sự phát triển tổng hợp, liên ngành của các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế, đặc biệt là ngành, lĩnh vực công nghiệp, khoa học và công nghệ, nghiên cứu và phát triển và thông tin truyền thông. Định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế thực hiện việc chuyển đổi số theo các nhóm: nhóm thương mại hóa sớm, nhóm công nghệ nguồn, nhóm do Nhà nước trực tiếp đầu tư, nhóm do Nhà nước hợp tác với doanh nghiệp, nhà nghiên cứu...

Để phát triển kinh tế số, Hàn Quốc thực hiện chính sách hỗ trợ cho một số dự án trên lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ số; giảm nhẹ gánh nặng khi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thất bại như xóa bỏ quy định về bảo lãnh liên đới; có chính sách ưu đãi các nhà nghiên cứu, giáo viên đại học khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trên lĩnh vực kỹ thuật số...

Trung Quốc

Một trong những lý do thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế số của Trung Quốc là do các chính sách hỗ trợ, chính sách quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế số của Trung Quốc.

Trong định hướng chính sách phát triển kinh tế số, Trung Quốc thực hiện việc bảo hộ thị trường công nghệ số trong nước để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước phát triển, khẳng định vị thế độc quyền. Trung Quốc cũng có chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực, ngành công nghệ số.

Về chính sách quy hoạch, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực công nghệ số, trước hết, Trung Quốc tập trung vào những lĩnh vực công nghệ số đòi hỏi công nghệ vừa phải như thương mại điện tử, sau đó tiến tới phát triển những lĩnh vực công nghệ số khó hơn như trí tuệ nhân tạo, robot...

Chú trọng việc phát triển, chuyển đổi các phương thức, giao dịch trong nền kinh tế sang sử dụng công nghệ số, tập trung vào việc phát triển chính phủ điện tử, ngân hàng điện tử, giao dịch điển tử và thương mại điện tử.

Singapore

Singapore đặt mục tiêu trở thành nền kinh tế số dẫn đầu thế giới. Để đạt được mục tiêu này, Singapore thực hiện nhiều giải pháp khác nhau, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và chuẩn bị các điều kiện, các yếu tố hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế số. Hỗ trợ chuyển đổi số trên diện rộng và hỗ trợ chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực.

Trong các kế hoạch chuyển đổi số này có các khoản kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng năng lực số ở từng giai đoạn và các khoản kinh phí này nằm trong ngân sách hàng năm của Chính phủ Singapore. Trong quá trình số hóa, các doanh nghiệp thường xuyên nhận được các tư vấn, hỗ trợ để điều chỉnh, thiết kế kế hoạch số hóa của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng nhận được sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ cho các giải pháp công nghệ được phê duyệt để số hóa.

Chính phủ Singapore cũng quan tâm chuẩn bị các điều kiện, các yếu tố hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế số, nhất là về nguồn nhân lực. Đặc biệt chú ý xây dựng, phát triển các chuyên gia công nghệ số và đội ngũ các nhà lãnh đạo số trong các doanh nghiệp. Đối với lực lượng lao động phổ thông hiện có, Singapore tích cực xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao, trang bị các kỹ năng số. Singapore cũng tăng cường hỗ trợ, mở nhiều khóa học và chương trình bồi dưỡng các kỹ năng mới cho những người lao động bị mất việc và những người có nguy cơ cao bị mất việc do chuyển đổi số. Trong các trường học, nước này cũng bổ sung các chương trình, môn học cho sinh viên về nền tảng số, từ mã hóa đến  tư duy thiết kế và các kỹ năng số cần thiết cho tương lai.

Nhằm đảm bảo môi trường cho kinh tế số vận hành, phát triển, Singapore tăng cường an ninh mạng để bảo đảm hạ tầng số của nền kinh tế. Singapore ban hành Luật an ninh mạng năm 2018, Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân để tăng cường bảo vệ hạ tầng thông tin quan trọng, bảo vệ dữ liệu của cá nhân, doanh nghiệp và tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thu thập, sử dụng, chia sẽ dữ liêu cá nhân.

GIÁ TRỊ THAM KHẢO ĐỐI VỚI VIỆT NAM

Hầu hết các quốc gia trên thế giới, cả các nước phát triển và các nước đang phát triển đều rất coi trọng phát triển kinh tế số, coi đây là bước phát triển mới, mô hình kinh tế mới trong tương lai và đều đưa ra các giải pháp để chuyển đổi sang kinh tế số. Tuy nhiên, mỗi quốc gia với những đặc điểm, thế mạnh của mình có những cơ chế, chính sách, biện pháp phát triển kinh tế số khác nhau. Từ kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, tựu trung lại, nổi lên một số giá trị tham khảo đối với Việt Nam.

(Ảnh minh họa)

Thứ nhất, các quốc gia đều xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, chính sách nhằm tạo khuôn khổ cho phát triển kinh tế số. Điểm chung của các quốc gia là đều thành lập cơ quan, thiết chế chuyên trách, có thẩm quyền, trách nhiệm cao trong việc phát triển kinh tế số, thông thường cơ quan này thường thuộc Chính phủ với sự tham gia, phối hợp của  các bộ ngành có liên quan. Một số quốc gia còn thành lập các cơ quan chuyên trách ở các các ngành, các địa phương để chuyển đổi số và phát triển kinh tế số ở ngành, địa phương.

Khung thể chế phải đủ năng lực điều chỉnh ở cả cấp độ quốc gia, ngành và doanh nghiệp. Nhằm hỗ trợ các chủ thể trong nền kinh tế tiếp cận kinh tế số, một số nước  xây dựng các kế hoạch, hướng dẫn rất cụ thể về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, các kế hoạch này gắn liền với các nguồn tài chính, kinh phí hằng năm để nhằm tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận với kinh tế số.

Ngoài ra, các quốc gia rất quan tâm đến việc xây dựng các chính sách về quy chuẩn, thực hiện việc tiêu chuẩn hóa các khâu, quy trình sản xuất để tăng sự kết nối, liên thông. Xây dựng, ban hành các luật, các chính sách về an ninh mạng, an ninh thông tin để làm cơ sở ban hành các chuẩn trao đổi thông tin giữa các chủ thể và bảo đảm thông tin, dữ liệu cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong kinh tế số.

Thứ hai, các nước đều xác định những ngành, lĩnh vực đột phá để phát triển kinh tế số căn cứ vào thế mạnh và đặc điểm của từng nước. Các nước cũng xác định và nhận diện đầy đủ những lĩnh vực kinh tế số giúp đẩy nhanh mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu dùng như thông tin số, liên lạc số, giải trí số, thương mại điện tử, v.v.; những lĩnh vực nền tảng của kinh tế số như hạ tầng số, tài nguyên số, dịch vụ số, thị trường số; những lĩnh vực quan trọng, cốt lõi cần phải nắm và làm chủ về công nghệ, kỹ thuật như lĩnh vựcdữ liệu số, vật liệu thông minh, robot thế hệ mới, trí tuệ nhân tạo, phương tiện thông minh, năng lượng thông minh, v.v.. để có giải pháp, chính sách hợp lý trong phát triển.

Đối với Việt Nam, trước hết cần tập trung phát triển các lĩnh vực kinh tế số giúp mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu dùng. Đây là những lĩnh vực giúp Việt Nam tận dụng được những cơ hội của hội nhập quốc tế, đặc biệt là những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết (CPTPP, EVFTA, EVIPA) nhưng cũng không đòi hỏi trình độ công nghệ cao.

Đồng thời, Việt Nam cũng phải phát triển mạnh  những lĩnh vực nền tảng của kinh tế số như hạ tầng số, tài nguyên số, dịch vụ số, thị trường số và có kế hoạch, chiến lược bài bản để tiếp cận, làm chủ những công nghệ quan trọng, cốt lõi của kinh tế số thông qua các chính sách hỗ trợ và trong hợp tác, thu hút đầu tư nước ngoài.

Thứ ba, các quốc gia đều quan tâm giải quyết những mặt trái phát sinh trong phát triển kinh tế số; xác định rõ những ngành nghề sẽ bị “khai tử”, những ngành nghề mới xuất hiện, những lao động sẽ bị thay thế bằng robot, trí tuệ nhân tạo; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian số; an ninh mạng, an ninh thông tin; các mâu thuẫn, xung đột giữa các loại hình, cơ chế kinh doanh truyền thống với những loại hình, cơ chế kinh doanh mới xuất hiện… để có những giải pháp, chính sách phù hợp.

Thứ tư, các quốc gia đều chú trọng phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế số, trong đó tập trung phát triển, thu hút các chuyên gia về công nghệ số, các doanh nhân số. Quan tâm đổi mới giáo dục, đào tạo bồi dưỡng để tái đào tạo lực lượng lao động bắt kịp với xu hướng công nghệ số. Theo đó, cập nhật, bổ sung giáo trình đào tạo về công nghệ số, kỹ năng số trong các nhà trường; đẩy mạnh liên kết đào tạo và thực hành giữa các trường và khu vực doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ số; chuyển đổi căn bản mô hình đào tạo sang mô hình “học cả đời, làm cả đời”; chú trọng tính linh hoạt, thực học, thực nghiệp, học tập suốt đời, lấy thực hành làm trọng tâm trong chương trình đào tạo./.

TS. Nguyễn Mạnh Hùng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất