Theo ông Đoàn Văn Thái - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, hiện nay các hình thức hỗ trợ cho các nạn nhân chất độc da cam rất phong phú: Tổ chức phẫu thuật, chỉnh hình, phục hồi chức năng, cấp xe lăn, hỗ trợ vốn để phát triển sản xuất, dạy nghề, tạo công ăn việc làm, làm nhà tình thương v.v...
Theo ông Thái, Hội chú trọng kết quả đầu ra của ngân sách hỗ trợ, không dừng ở hỗ trợ tiền ban đầu mà giúp các nạn nhân chất độc da cam sử dụng hữu ích, cũng như coi trọng việc chăm sóc, kiểm tra sức khỏe hậu phẫu thuật, chỉnh hình cho các nạn nhân.
Hiện có khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong đó khoảng 3 triệu người là nạn nhân thuộc nhiều thế hệ. Các nạn nhân chất độc da cam đang được hưởng hỗ trợ từ nhiều nguồn như nguồn chính sách Nhà nước, các tổ chức nhân đạo, cá nhân khác nhau. Ngân quỹ cũng như các chương trình hỗ trợ do Hội Chữ thập đỏ vận động, thực hiện là một trong những nguồn hỗ trợ.
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vừa tiến hành điều tra, khảo sát thực trạng tình hình các nạn nhân chất độc da cam ở 46 tỉnh, thành. Một số địa phương có số đối tượng nạn nhân lớn như Thừa Thiên Huế, Bình Định, Hà Nam, Nghệ An, Ninh Bình, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Sóc Trăng, Thanh Hóa.
Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam là hoạt động thường niên của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, phát động từ năm 2004.
Để áp dụng các chính sách hỗ trợ rộng rãi cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, thời gian qua các cơ quan chức năng cũng đã bắt đầu triển khai đề xuất xây dựng tiêu chí mới về nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Trao đổi với báo chí, ông Trần Xuân Thu, Tổng thư ký Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin (VAVA) cho hay tiêu chí mới về nạn nhân da cam/dioxin dự kiến được xây dựng dựa trên việc xem xét mở rộng không gian, xét lại yếu tố thời gian và xác định hệ thống bệnh tật của các nạn nhân ảnh hưởng bởi chất độc hóa học trong chiến tranh.
Hiện nay, tiêu chí đánh giá nạn nhân chất độc da cam/dioxin là những người từng tham gia kháng chiến từ vĩ tuyến 17 trở vào và trong khoảng thời gian từ năm 1961 đến 30/4/1975.
Ông Thu cho hay cần phải xác định lại, đưa ra tiêu chí mới để đánh giá đầy đủ và công bằng hơn đối với những người bị ảnh hưởng thực chất bởi chất độc hóa học qua các thế hệ. Theo đó, không gian sẽ không chỉ giới hạn từ vĩ tuyến 17 trở vào vì thời kỳ chiến tranh, có khá nhiều quân đoàn từ Bắc vào Nam tham gia cách mạng.
Như vậy, nếu áp dụng cách xem xét, đánh giá theo tiêu chí mới, dự kiến số nạn nhân chất độc da cam/dioxin sẽ tăng lên, không dừng ở con số 3 triệu người như thống kê hiện nay. Tuy nhiên, ông Thu cho hay, đến nay công việc này vẫn vướng mắc, chưa kết thúc vì chưa có sự thống nhất từ các cơ quan liên quan.
(Theo VNN.VN)