Những dấu ấn của du lịch Việt Nam
Giai đoạn 2011-2017, ngành du lịch bước vào tăng trưởng nhanh, đặc biệt trong 2 năm 2016 và 2017. Số lượng khách du lịch quốc tế tăng 2,1 lần, trung bình 14%/năm, (từ hơn 6 triệu lượt năm 2011 lên hơn 12,9 triệu lượt năm 2017); khách du lịch nội địa tăng 2,4 lần, trung bình 16%/ năm, (từ 30 triệu lượt năm 2011 lên 73,2 triệu lượt năm 2017); tổng thu từ khách du lịch tăng 3,9 lần, trung bình 36%/năm, (từ 130.000 tỷ đồng năm 2011 lên 511.000 tỷ đồng năm 2017). Đóng góp trực tiếp của ngành du lịch ước đạt 7,5% GDP.
Khép lại năm 2017, bên cạnh những con số nổi bật, là những sự kiện, dấu ấn đáng nhớ trong lịch sử ngành du lịch: Nghị quyết số 08-NQ/TW ban hành ngày 16-01-2017 của Bộ Chính trị “Về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” (Nghị quyết 08-NQ/TW ban hành); Luật Du lịch 2017 được Quốc hội phê chuẩn, có hiệu lực từ năm 2018; sự phát triển mạnh mẽ của du lịch Việt Nam với nhiều dự án đầu tư du lịch hiện đại, quy mô lớn, chất lượng cao được phê duyệt ở các địa bàn trọng điểm như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Phú Quốc, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Đà Nẵng. Trong đó nổi bật vai trò của các nhà đầu tư chiến lược trong nước như Sun Group, Vin Group, Muong Thanh Group, FLC, CEO Group, BIM Group và nhiều nhà đầu tư quốc tế lớn; du lịch Việt Nam gặt hái nhiều giải quốc tế lớn như Giải thưởng “Nhà điều hành tour du lịch trọn gói hàng đầu thế giới năm 2017” cho Vietravel, giải thưởng “Khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới” lần thứ 4 liên tiếp cho Khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, giải thưởng “Khu nghỉ dưỡng mới đẳng cấp nhất thế giới” cho Khu nghỉ dưỡng JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay, Việt Nam được bình chọn là “Điểm đến du lịch golf hấp dẫn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2017” và được Hiệp hội phóng viên du lịch Thái Bình Dương bình chọn là “Điểm đến đang nổi đối với du lịch sang trọng”...
Thành công của du lịch Việt Nam trong những năm qua, đặc biệt là năm 2017 là kết quả từ sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong việc ban hành những chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch; cùng sự nỗ lực của các địa phương, doanh nghiệp đã hình thành hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch tương đối hiện đại, đạt đẳng cấp quốc tế. Các bộ, ngành, địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong chiến lược, kế hoạch phát triển du lịch. Hoạt động xúc tiến quảng bá và giao lưu kinh tế, thương mại, văn hóa giữa Việt Nam với các thị trường thế giới được phát huy hiệu quả.
Nhiệm vụ của ngành du lịch trong thời gian tới
Đến nay, nền tảng về định hướng và khung chính sách phát triển du lịch đã được hình thành, trụ cột là Nghị quyết 08-NQ/TW; Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết 08-NQ/TW; Luật Du lịch năm 2017 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn.
Để đưa các chính sách và những quy định pháp luật vào cuộc sống, ngành du lịch cần triển khai nhiều nhiệm vụ, trong đó trọng tâm là: 1) Điều chỉnh chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch; 2) Cơ cấu lại ngành du lịch; 3) Liên kết chuỗi giá trị đầu vào của các ngành hình thành sản phẩm du lịch; 4) Nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch; 5) Ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch; 6) Nghiên cứu, đề xuất mô hình hệ thống tổ chức, quản lý ngành du lịch.
Từ giữa năm 2017 đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai xây dựng Đề án Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó tập trung vào các nhóm nhiệm vụ chính như sau:
Một là, cơ cấu lại nguồn lực phát triển, phân định rõ cơ cấu của các nguồn lực, sự tham gia, đóng góp của các chủ thể tham gia vào hoạt động du lịch.
Hai là, chú trọng phát triển sản phẩm du lịch theo định hướng thị trường và dựa trên thế mạnh của du lịch Việt Nam với yêu cầu chất lượng tầm cỡ quốc tế, có giá trị gia tăng cao, đem lại lợi ích kinh tế lớn; phát triển các sản phẩm du lịch chuyên biệt, sáng tạo, du lịch giải trí, mua sắm.
Ba là, tiếp tục duy trì và phát triển nguồn khách ổn định từ các thị trường Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ, Úc, đồng thời chú trọng thu hút khách từ các thị trường có tiềm năng lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và những thị trường mới nổi khác.
Bốn là, tạo cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp lớn đóng góp vào quá trình cơ cấu lại ngành du lịch, nhất là các doanh nghiệp thu hút nhiều khách du lịch quốc tế đến, trực tiếp đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuât ngành du lịch; đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển.
Năm là, thúc đẩy sự tham gia vào công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch của các doanh nghiệp, đẩy mạnh xã hội hóa công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch; quan tâm đào tạo cả đội ngũ lao động nghề du lịch, quản lý doanh nghiệp và quản lý nhà nước, nhấn mạnh các yêu cầu của đầu ra dựa trên nhu cầu thực tế theo tiêu chuẩn quốc tế. Sáu là, nhanh chóng đưa các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Du lịch 2017 vào cuộc sống; hoàn thiện hệ thống pháp luật về du lịch và các lĩnh vực liên quan; kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về du lịch theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiệu lực và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu quản lý liên ngành, liên vùng của hoạt động du lịch.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, ngành du lịch toàn cầu đang có những thay đổi lớn, đòi hỏi ngành du lịch Việt Nam cần có sự thích ứng, thay đổi phương thức quản lý và kinh doanh du lịch.
Mục tiêu phát triển bền vững đối với ngành du lịch
Theo Nghị quyết 08-NQ/TW, năm 2020, ngành du lịch phấn đấu đón 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế; 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; đóng góp trực tiếp trên 10% GDP. Năm 2018, du lịch Việt Nam phấn đấu đón 15-17 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 15-30% so với năm 2017; phục vụ 78-80 triệu lượt khách du lịch nội địa, tăng 7-9% so với năm 2017; tổng thu từ khách du lịch đạt 620.000 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2016.
Cùng với việc chú trọng các mục tiêu kinh tế, phát triển bền vững cũng là yêu cầu đặt ra đối với ngành du lịch Việt Nam trong thời gian trước mắt và lâu dài. Mục tiêu phát triển bền vững ngành du lịch góp phần quan trọng vào thực hiện cam kết của Việt Nam đối với các nỗ lực quốc tế trong quá trình hiện thực hóa 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Đặc biệt là các mục tiêu số 8 (Việc làm tốt và tăng trưởng kinh tế), mục tiêu số 12 (Tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm), mục tiêu số 11 (Phát triển các thành phố và cộng đồng bền vững), mục tiêu số 14 (Cuộc sống/môi trường dưới nước), mục tiêu số 15 (Cuộc sống/môi trường trên mặt đất) và mục tiêu số 16 (Hòa bình, công lý và xây dựng thể chế vững mạnh). Ngoài ra, phát triển bền vững còn gián tiếp góp phần hiện thực hóa các mục tiêu khác.
Phát triển du lịch bền vững là yêu cầu, mục tiêu quan trọng của du lịch Việt Nam nhằm duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong đó tập trung vào những nội dung sau đây:
Một là, tăng cường phát triển du lịch văn hóa gắn với các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể nổi bật của đất nước; phát huy các giá trị văn hóa từ phong tục tập quán, lối sống, sinh hoạt cộng đồng trong phát triển du lịch.
Hai là, đề cao công tác đánh giá, quản lý, hạn chế tối đa tác động môi trường tự nhiên đối với các dự án phát triển du lịch; kiên quyết không để phát triển du lịch làm xâm hại đến môi trường tự nhiên tại các khu du lịch.
Ba là, đề cao hiệu quả về việc làm và xã hội đối với phát triển du lịch, tạo điều kiện cho cộng đồng địa phương tham gia và hưởng lợi từ phát triển du lịch, phấn đấu đến năm 2020 tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp.
Bốn là, phát triển du lịch phải dựa trên nền tảng và đóng góp vào việc bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội'
Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch