Trong hơn 30 năm đổi mới, đặc biệt là trong những năm gần đây, đề tài lịch sử trở thành một chủ đề được quan tâm nhiều trong sáng tác văn học nước nhà. Nhiều nhà văn đã mạnh dạn đề xuất những cách nhìn mới về lịch sử, mở rộng tầm nhìn với những “chiều cạnh” mới trong quá khứ, tạo cơ sở cho tiểu thuyết lịch sử phát triển phong phú, đa dạng với những xu hướng khác nhau.
Một số xu hướng chủ yếu của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại
Với cái nhìn tổng thể về bức tranh sáng tác tiểu thuyết lịch sử trong nền văn học Việt Nam đương đại, và xét theo góc độ mục đích và quan niệm nghệ thuật, chúng tôi cho rằng có ba xu hướng rõ nét trong tiểu thuyết lịch sử như sau.
Tiểu thuyết lịch sử chương hồi khách quan
Nằm trong vùng văn hóa - văn học Đông Á, tiểu thuyết lịch sử nước ta ban đầu cũng chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết lịch sử chương hồi Trung Quốc. Có thể nhận thấy mô hình tiểu thuyết lịch sử chương hồi của La Quán Trung (Trung Quốc) đã để dấu ấn trong nhiều bộ tiểu thuyết lịch sử của nước ta từ cuối thế kỷ XVII đến nay, rõ nét nhất là Hoàng Lê nhất thống chí - cuốn tiểu thuyết lịch sử tiêu biểu của Ngô gia văn phái.
Thời kỳ đương đại, một số nhà văn vẫn tiếp tục khai thác đề tài lịch sử theo cấu trúc tiểu thuyết chương hồi. Điển hình cho xu hướng này là nhà văn Ngô Văn Phú với Gươm thần Vạn Kiếp (1991), Ấn kiếm trời ban (1998), Cờ lau dựng nước (1999), Uy Viễn tướng công (2003), Lý Công Uẩn (2006). Tất nhiên, cũng giống như Nguyễn Huy Tưởng trước đó, bút pháp của Ngô Văn Phú và các nhà văn hiện đại đã có sự cách tân - không “rập khuôn máy móc” theo tiểu thuyết chương hồi trước đây. Điều này cũng được thể hiện rất rõ trong bộ tiểu thuyết Tây Sơn bi hùng truyện của Lê Đình Danh (2 tập, Nxb. Văn hóa - Thông tin, 2006), mặc dù vẫn giữ nguyên tắc và “tinh thần chung” của mô hình tiểu thuyết lịch sử chương hồi. nhưng tác giả cũng chỉ đặt ra các “chương” chứ không gọi là “hồi” và mặc dù ở đầu mỗi chương, tác giả vẫn đặt hai câu văn đối ngẫu (như tiểu thuyết chương hồi cổ điển) nhưng về cơ bản, văn phong và cấu trúc đã được làm mới một cách cần thiết.
Nhìn chung, từ những tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Huy Tưởng cho đến các tác giả thời kỳ đương đại như Ngô Văn Phú, Lê Đình Danh… mặc dù việc tái hiện lịch sử vẫn trên “lăng kính” chủ quan của người viết, nhưng các tác giả đều đã cố gắng thực hiện nhiệm vụ tái hiện tuần tự các sự kiện lịch sử theo một bút pháp khách quan, tránh can thiệp trực tiếp dẫn đến bóp méo hoặc làm sai lệch những giá trị nhân văn và nội dung cơ bản của lịch sử. Các tác giả để cho sự kiện và nhân vật tự thể hiện bối cảnh, tinh thần và ý nghĩa của thời đại theo diễn biến tuyến tính của thời gian thực tế. Người viết chỉ đóng vai kể chuyện ở ngôi thứ ba, còn lại là các đoạn đối thoại giữa các nhân vật. Chính điều đó giúp cho nội dung của tiểu thuyết diễn ra như một bộ phim lịch đại. Bởi sức hấp dẫn của nó nằm ở các sự kiện và hành động của nhân vật, chứ không phải ở yếu tố bình luận của tác giả, cho dù là bình luận thông qua lời nhân vật. Vì thế ý nghĩa giáo dục lịch sử của tiểu thuyết chương hồi nghiêng về tính thụ động, tức là phụ thuộc vào năng lực cảm thị và sự tiếp nhận của độc giả. Nhưng có lẽ vì vậy mà kiểu viết cổ điển này có vẻ như ít hấp dẫn các tác giả hiện đại.
Tiểu thuyết lịch sử giáo huấn
Đa số các tác giả ngày nay muốn cải tiến cách viết về đề tài lịch sử bằng lối viết kể chuyện giáo huấn mang tính sư phạm chủ động. Trong xu hướng này, Hoàng Quốc Hải là một đại diện.
Từ năm 1987 đến năm 1994, Hoàng Quốc Hải đã liên tục cho ra mắt độc giả bốn cuốn tiểu thuyết về triều Trần. Tiếp đó, hướng tới Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, ông lại miệt mài bắt tay viết bộ tiểu thuyết bốn tập Tám triều vua Lý với độ dày khoảng 3.000 trang, bắt đầu từ năm 1994 và hoàn thành vào năm 2009. Thời gian này ông cũng viết bổ sung thêm hai tập tiểu thuyết về triều Trần (Đuổi quân Mông - Thát, Huyết chiến Bạch Đằng) để cùng với bốn tập cũ làm thành bộ Bão táp triều Trần hoàn chỉnh (cùng xuất bản với Tám triều vua Lý năm 2010).
Trong các tác phẩm của mình, thông qua tuyến nhân vật, Hoàng Quốc Hải dành khá nhiều trường đoạn để biểu đạt, tự sự mang tính giáo huấn về nhân tình thế thái, về vai trò lịch sử của dân tộc. Đồng thời đưa ra những lời giáo huấn về nhân cách, đạo làm người, đạo nhân nghĩa. Theo ý kiến chủ quan của chúng tôi, việc Hoàng Quốc Hải thực hiện “văn chương hóa lịch sử” theo tinh thần giáo huấn là một đóng góp quan trọng cho xã hội nói chung và cho thể loại tiểu thuyết lịch sử nói riêng
Tiểu thuyết lịch sử luận giải
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh cho rằng tiểu thuyết lịch sử phải đi sâu khai thác các yếu tố như luận đề, tâm lý. Còn nhà văn Nguyễn Quang Thân thì nhấn mạnh đến sự tự do phóng khoáng của trực giác. Thực tế, qua tác phẩm của hai tác giả trên, có thể thấy, cùng với mục đích đổi mới bút pháp (không lựa chọn cách viết sư phạm) Nguyễn Xuân Khánh và Nguyễn Quang Thân đã lựa chọn những giai đoạn và sự kiện lịch sử “có vấn đề” để khai thác và luận giải. Căn cứ vào đó, chúng tôi nêu lên một xu hướng thứ ba là tiểu thuyết lịch sử luận giải mà Nguyễn Xuân Khánh và Nguyễn Quang Thân là đại diện.
Mặc dù còn nhiều vấn đề phải bàn luận về nghệ thuật hư cấu, nhưng xu hướng thứ ba này dường như phù hợp với một quan điểm của giới nghiên cứu nước ngoài, khi đề cao phương châm chỉ đạo của triết học lịch sử và triết học văn hóa trong tiểu thuyết lịch sử, đồng thời cũng phù hợp với tâm lý đón nhận của công chúng thời hiện đại. Tuy nhiên, xu hướng này không giữ vị trí độc tôn, mà nó bổ sung cho hai xu hướng kia, qua đó góp phần nâng cao tính đa dạng, đa chiều và gia tăng sức hấp dẫn của tiểu thuyết lịch sử.
Tiểu thuyết lịch sử với vấn đề hư cấu
Với xu hướng thứ ba nói trên, hư cấu lại trở thành một vấn đề cần phải bàn kỹ. Nếu như trong tiểu thuyết thông thường, hư cấu là kỹ thuật đương nhiên của nhà viết tiểu thuyết, thì đối với tiểu thuyết lịch sử, nghệ thuật hư cấu chính là lĩnh vực chủ yếu để nhà văn thể hiện sự sáng tạo của mình; để tác phẩm đúng là một cuốn tiểu thuyết lịch sử, chứ không phải là một công trình sử ký. Thông qua các sự kiện hư cấu còn thể hiện quan điểm của tác giả đối với lịch sử.
Tuy nhiên, hư cấu trong tiểu thuyết lịch sử có một nét đặc thù riêng (không giống với hư cấu của tiểu thuyết nói chung), đó là phải căn cứ vào sự kiện và nhân vật lịch sử có thật. Cho nên, phải khẳng định rằng, dù hư cấu ở mức độ nào thì cũng chỉ để góp phần tạo ra các tình tiết - giống như “chất phụ gia” cho lịch sử - chứ không thể và không được làm sai lệch hay xuyên tạc, phủ nhận lịch sử.
Chính vì thế, theo quan điểm chung của các nhà lý luận thế giới cũng như của Việt Nam, hư cấu trong tiểu thuyết lịch sử phải có giới hạn. Hư cấu không được phép mâu thuẫn với lôgic của các sự kiện và cốt truyện lịch sử, phải đảm bảo tính chân thực lịch sử trong tiểu thuyết lịch sử. Bởi nếu không nó sẽ không phải là tiểu thuyết lịch sử mà chỉ là tiểu thuyết hư cấu thuần túy dựa trên sự vay mượn một đề tài hoặc truyền thuyết lịch sử. Giống như loại truyện viết về đề tài Faust của thế giới, hay loại truyện viết về đề tài Thúy Kiều của Trung Quốc và Việt Nam.
Theo chúng tôi, giới hạn của hư cấu trong truyện lịch sử chính là các sự việc và thời gian. Nghĩa là sự việc phải có thật, thời gian phải chính xác. Tất nhiên là sự việc đó xảy ra như thế nào thì nhà văn có thể “thêm bớt”, nhưng không được làm thay đổi bản chất của sự việc - sự kiện, hay nói khác đi là phải tôn trọng lịch sử. Tôn trọng sự sáng tạo là một nguyên tắc, nhưng nguyên tắc lớn hơn, cao cả hơn đối với tiểu thuyết lịch sử vẫn phải là lấy tính chính xác làm yếu tố nòng cốt. Bởi những chi tiết và sự kiện thiếu chính xác có thể sẽ dẫn đến những đánh giá sai lệch và những suy diễn chủ quan, làm cho người đọc hiểu sai lịch sử. Gần đây, truyện ngắn Bắt đầu và kết thúc của Trần Quỳnh Nga đăng trên báo Văn nghệ số 50 năm 2017 đã gây ra nhiều tranh luận trên mạng xã hội và khiến dư luận, công chúng bạn đọc phản ứng mạnh, xung quanh chi tiết hư cấu về Trần Ích Tắc.
Chính sử đã ghi Trần Ích Tắc dù là hoàng thân nhà Trần, có tài văn võ, nhưng luôn nuôi mưu đồ tạo phản, bất trung với tham vọng thay thế ngôi vị của Thánh Tông và Nhân Tông. Khi nhà Nguyên xâm lược Đại Việt năm 1285, Trần Ích Tắc dẫn gia quyến xin hàng với hy vọng sau khi quân Nguyên đánh thắng quân dân nhà Trần, ông ta sẽ được nhà Nguyên phong làm vua Đại Việt. Tuy nhiên, quân Nguyên liên tiếp thất bại khiến Trần Ích Tắc tan vỡ kế hoạch và phải sống lưu vong ở Đại Nguyên đến hết đời.
Rõ ràng, dù xét ở góc độ nào thì Trần Ích Tắc cũng là một tội nhân bất trung và trên hết là tội phản bội Tổ quốc. Thế nhưng trong truyện, tác giả lại “gỡ tội” cho Trần Ích Tắc bằng tình tiết gắn vào miệng Thoát Hoan câu nhận định: “Chiêu Văn vương Trần Ích Tắc, một kẻ ngông cuồng, một kẻ vì nước mà hy sinh cả tiền tài, danh vọng và thân phận của mình (chúng tôi nhấn mạnh) để làm một kẻ nội gián đáng chết.”
Sự việc Trần Ích Tắc đầu hàng là có thật. Trước khi đầu hàng, Trần Ích Tắc đã từng gửi thư riêng cho khách buôn ở Vân Đồn xin quân Nguyên xuống phía Nam. Như vậy, nếu có hư cấu thì chỉ có thể “thêm bớt” các tình tiết đầu hàng của Trần Ích Tắc chứ không thể cho rằng Trần Ích Tắc đầu hàng để làm nội gián, cho dù có đặt ý đó vào câu nói của Thoát Hoan. Vì sự thực lịch sử là Trần Ích Tắc vẫn được nhà Nguyên trọng dụng, phong nhiều chức tước và sống ở Đại Nguyên đến cuối đời. Cách đối xử này không phải là sự “trả thù tội nội gián” như lời Thoát Hoan nói trong truyện. Ở đây, tác giả đã nhầm lẫn tình tiết với bản chất. “Nội gián” không phải là tình tiết của sự đầu hàng mà là bản chất ngược lại của sự việc đầu hàng. Sự nhầm lẫn này đã vi phạm nguyên tắc hư cấu của truyện lịch sử.
Và có lẽ, điều cuối cùng cần lưu ý: hư cấu còn xuất phát từ quan niệm nghệ thuật của tác giả. Do đó, cũng không nên tuyệt đối hóa hư cấu khi đánh giá thành công nghệ thuật của nhà văn. Có nhà văn chủ trương trung thành với lịch sử, có nhà văn đề cao sự sáng tạo hư cấu... nhưng trên hết vẫn là sự tôn trọng sự thật khách quan; không thể vì nghệ thuật mà phủ nhận giá trị của lịch sử và danh dự - lợi ích quốc gia-dân tộc, hoặc làm đảo lộn lịch sử - “lập lờ đánh lận con đen” giữa công và tội… Chính vì thế, dù theo trào lưu, trường phái nào, dù ở thời đại hay quốc gia nào, thành công nghệ thuật cũng cần phải được đánh giá một cách toàn diện từ nhiều góc độ, chứ không phải chỉ căn cứ vào nghệ thuật hư cấu./.
PGS.TS. Nguyễn Văn Dân