Hàng trăm bạn trẻ đã có mặt tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (Hà Nội) để bày tỏ sự quan tâm và hưởng ứng cho Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (IP Day 2018): “Tiếp sức cho những thay đổi: Phụ nữ với hoạt động đổi mới và sáng tạo.”
'
Các bạn trẻ xếp thành ngôi sao năm cánh bên "Quả cầu năng lượng." (Ảnh: M.Sơn/Vietnam+)
Nâng nhận thức về sở hữu trí tuệ
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử VietnamPlus, Nguyễn Hồng Anh, cô sinh viên trường Đại học Ngoại thương cho hay, vấn đề sở hữu trí tuệ được em hết sức quan tâm.
Tìm hiểu từ sách vở, bài giảng của thầy cô, các hoạt động ngoại khóa và trên báo chí, Hồng Anh thấy rằng sở hữu trí tuệ chính là chìa khóa để giúp khởi nghiệp sáng tạo thành công. Theo cô sinh viên này, đây cũng chính là “bản lề” của cánh cửa mở cửa hội nhập quốc tế.
“Đó là lý do tại sao em hòa mình cùng các bạn tham gia hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới với mong muốn nâng cao nhận thức của cộng đồng cũng như bổ sung kiến thức cho mình, từ đó có thể chuẩn bị thêm hành trang cho tương lai sau này,” Hồng Anh nói.
Theo đại diện Ban tổ chức, sự kiện này được kỳ vọng sẽ nâng cao nhận thức về đổi mới, sáng tạo và sở hữu trí tuệ của cộng đồng, xã hội. Qua đó, tạo động lực cho sự sáng tạo của các cá nhân và tổ chức, khơi dậy tiềm năng chất xám trong xã hội, thông qua đó thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ, nghiên cứu ứng dụng, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho sự phát triển của cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo, xa hơn là sự hình thành và phát triển của nền công nghiệp, nền kinh tế sáng tạo của Việt Nam.
Có một thực tế cho thấy, tài sản của con người, của mỗi quốc gia không chỉ là vàng bạc, thành phố, bến cảng, sân bay, khí đốt mà còn là tài sản trí tuệ.
Trong một lần trao đổi, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho hay, vào năm 1975, tổng tài sản của 500 công ty lớn nhất nước Mỹ thì tài sản vô hình chỉ khoảng 18-19%. Tuy nhiên, tới 2015, tỷ lệ này là ngược lại. Điều này nói lên rằng tài sản của các doanh nghiệp, quốc gia trên thế giới có sự thay đổi căn bản khi khoa học và công nghệ phát triển.
Trao kỷ niệm cho các nữ trí thức tiêu biểu. (Ảnh: M.Sơn/Vietnam+)
Tôn vinh phái đẹp sáng tạo
Một trong những điểm hết sức ý nghĩa của IP Day 20018 nằm chính trong chủ đề của sự kiện: “Tiếp sức cho những thay đổi – Phụ nữ với hoạt động đổi mới và sáng tạo.”
Tại Việt Nam, sự nỗ lực không ngừng của các nữ trí thức là điều không thể phủ nhận. Vượt qua những khó khăn và bận rộn mà thiên chức là người vợ, người mẹ phải đảm nhận, họ vẫn ngày đêm miệt mài nghiên cứu, tích cực tạo ra các kết quả sáng tạo có ích và mang lại ý nghĩa to lớn cho xã hội và đất nước.
Bên cạnh đó, có những gương đổi mới và sáng tạo không kém phần quan trọng, ấn tượng thuộc nhiều thành phần khác nhau từ những nữ nông dân, công nhân, nữ doanh nhân, nữ nghệ sỹ… họ cũng đang từng ngày, từng giờ thực hiện các hoạt động đổi mới, sáng tạo trong chính bản thân hay công việc của mình.
Nói về vấn đề này, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho hay, trước đây sự đóng góp cho đổi mới sáng tạo của nữ giới còn khiêm nhường so với một nửa còn lại, song sự thay đổi diễn ra nhanh chóng trong vài thập niên gần đây.
“Với chủ đề ‘Tiếp sức cho những thay đổi – Phụ nữ với hoạt động đổi mới và sáng tạo,’ chúng tôi tin tưởng phụ nữ Việt Nam cũng như phụ nữ thế giới sẽ tiếp tục có những đóng góp to lớn cho đổi mới sáng tạo,” ông Tạc bày tỏ.
Giới trẻ in bàn tay lên Quả cầu năng lượng, tiếp thêm nguồn sức mạnh
cho sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo. (Ảnh: M.Sơn/Vietnam+)
Trong khi đó, ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ thì cho biết, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, sự sáng tạo của phụ nữ Việt Nam không chỉ được thể hiện ở các lĩnh vực nghệ thuật mà còn thể hiện rõ trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Nhiều kết quả nghiên cứu, sáng tạo của nhà khoa học nữ đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và trao tặng nhiều giải thưởng cao quý.
“Trong bối cảnh thế giới đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, hôm nay chúng ta tôn vinh các nhà khoa học, bác sỹ, kỹ sư và các nhà sáng tạo nữ-những người đã cống hiến hết mình cho một cuộc sống tốt đẹp hơn của nhân loại,” ông Phí nói và bày tỏ tin tưởng “với sự nhiệt huyết và đam mê, các bạn trẻ hoàn toàn có thể trở thành những nữ trí thức đầy sáng tạo trong tương lai.”
Một thống kê của Hội Nữ Trí thức Việt Nam cũng cho thấy, hiện nay đã có 31 hội viên đã có bằng sáng chế. Trong đó, người có bằng độc quyền sáng chế trẻ nhất ở độ tuổi 36.
Còn theo số liệu của WIPO, số đơn đăng ký sáng chế do phụ nữ nộp theo Hiệp ước Hợp tác Sáng chế của WIPO (PCT) đã tăng gần gấp đôi trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến năm 2016. Số liệu này đã thể hiện rõ ràng sự chuyển dịch, thay đổi, tăng cường sự đóng góp của phụ nữ trong các ngành sáng tạo./.
Một em nhỏ "tiếp sức" cho Quả cầu năng lượng tại IP Day 2018. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Sự kiện cộng đồng kỷ niệm Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4 do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội phối hợp cùng Hội Nữ Trí thức Việt Nam, Ban Thanh niên công nhân và Đô thị (Trung ương Đoàn), Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Bộ Khoa học và Công nghệ và Câu lạc bộ Doanh nhân Sáng tạo tổ chức.
Sự kiện diễn ra từ 8h00- 11h00 ngày 21/4tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và phố đi bộ từ Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục tới Tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh.
Chương trình bao gồm phần mít tinh tổng kết các hoạt động đổi mới sáng tạo nói chung cũng như các vấn đề về bảo vệ, khai thác tài sản trí tuệ tại Việt Nam; tôn vinh các phụ nữ trí thức điển hình trong đổi mới và sáng tạo; nghi thức "Tiếp sức cho những thay đổi" thể hiện qua việc mọi người cùng truyền nguồn năng lượng tích cực của mình cho nhau và sau đó truyền vào "Quả cầu năng lượng," tượng trưng cho việc cộng đồng xã hội luôn khuyến khích, cổ vũ và hỗ trợ ngày một mạnh mẽ hơn cho các nỗ lực đổi mới sáng tạo của nữ giới.
Bên cạnh đó là các hoạt động trình diễn hòa tấu âm nhạc, trình diễn bản rap IP, nhảy cổ động chear leading, nhảy flashmob... Tất cả đều nhằm truyền đi những thông điệp, niềm cảm hứng về đổi mới và sáng tạo, hướng người tham dự đến những ý nghĩa tốt đẹp của cuộc sống.
Theo TTXVN