Thứ Bảy, 21/12/2024
Giáo dục
Thứ Năm, 4/12/2014 9:6'(GMT+7)

Dự thảo Quy chế Quản lý văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân

Quy chế này quy định về mẫu văn bằng, chứng chỉ; in và quản lý phôi văn bằng, chứng chỉ; cấp phát, chỉnh sửa, thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ; cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc; văn bằng, chứng chỉ do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp khi thực hiện chương trình liên kết đào tạo và văn bằng, chứng chỉ do cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài cấp.

Quy chế này áp dụng đối với các sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường trung cấp chuyên nghiệp, trường cao đẳng, trường đại học, học viện, đại học, viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ, trung tâm ngoại ngữ, trung tâm tin học, cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài và tổ chức, cá nhân có liên quan.

Văn bằng, chứng chỉ được quản lý thống nhất, thực hiện phân cấp quản lý cho các cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương; giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục đại học. Bản chính văn bằng, chứng chỉ cấp một lần, không cấp lại.

Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất quy định mẫu, việc in, quản lý, cấp phát, thu hồi, huỷ bỏ văn bằng, chứng chỉ. Trường cao đẳng, trường đại học, học viện, đại học vùng, đại học quốc gia, viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục đại học) in phôi văn bằng, chứng chỉ theo mẫu quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Người được cấp văn bằng, chứng chỉ có các quyền: (1) Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ đúng thời hạn quy định; ghi chính xác, đầy đủ các thông tin ghi trên văn bằng, chứng chỉ; chỉnh sửa các nội dung ghi trên văn bằng, chứng chỉ theo quy định tại Quy chế này. (2) Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ cung cấp thông tin trong sổ gốc cấp văn bằng, chứng chỉ và thông tin trong hồ sơ tốt nghiệp để có căn cứ đề nghị chỉnh sửa văn bằng, chứng chỉ. (3) Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc khi có nhu cầu.

Người được cấp văn bằng, chứng chỉ có các nghĩa vụ sau: (1) Cung cấp chính xác, đầy đủ các thông tin cần thiết để ghi nội dung trên văn bằng, chứng chỉ; kiểm tra tính chính xác các thông tin ghi trên văn bằng, chứng chỉ trước khi ký nhận văn bằng, chứng chỉ. (2) Phải có giấy ủy quyền theo quy định của pháp luật khi nhờ người khác nhận văn bằng, chứng chỉ. (3) Giữ gìn, bảo quản văn bằng, chứng chỉ, không được cho người khác sử dụng, không được tẩy xóa các nội dung trên văn bằng, chứng chỉ. (4) Trình báo ngay cho cơ quan cấp văn bằng, chứng chỉ và cơ quan công an nơi gần nhất khi bị mất bản chính văn bằng, chứng chỉ. (5) Nộp lại văn bằng, chứng chỉ cho cơ quan có thẩm quyền thu hồi văn bằng, chứng chỉ trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi văn bằng, chứng chỉ.

Cơ quan cấp văn bằng, chứng chỉ có trách nhiệm: (1) Kiểm tra, đối chiếu và ghi chính xác, đầy đủ các thông tin ghi trên văn bằng, chứng chỉ. Đưa các thông tin dự kiến ghi trên văn bằng, chứng chỉ cho người học để người học kiểm tra tính chính xác của các thông tin trước khi ghi trên văn bằng, chứng chỉ; yêu cầu người học ký xác nhận về việc đã kiểm tra thông tin, ký xác nhận các yêu cầu chỉnh sửa thông tin và cung cấp các căn cứ yêu cầu chỉnh sửa thông tin. Các thông tin liên quan đến khai sinh của người học ghi trên văn bằng, chứng chỉ phải căn cứ vào giấy khai sinh hợp lệ. (2) Tổ chức in, cấp văn bằng, chứng chỉ đúng thẩm quyền và đúng thời hạn theo quy định. (3) Lập đầy đủ hồ sơ làm căn cứ để cấp phát, quản lý văn bằng, chứng chỉ và lưu trữ vĩnh viễn. (4) Bảo đảm tính chính xác và chịu trách nhiệm về các thông tin trong hồ sơ, trong sổ gốc cấp văn bằng, chứng chỉ. (5) Cung cấp thông tin trong sổ gốc cấp văn bằng, chứng chỉ và thông tin trong hồ sơ tốt nghiệp để người được cấp văn bằng, chứng chỉ có căn cứ đề nghị chỉnh sửa văn bằng, chứng chỉ. (6) Cung cấp tài liệu cho người đề nghị chỉnh sửa văn bằng, chứng chỉ để chứng minh về việc cơ quan cấp văn bằng, chứng chỉ không có lỗi trong việc ghi sai nội dung trên văn bằng, chứng chỉ. (7) Chỉnh sửa nội dung văn bằng, chứng chỉ theo quy định. (8) Bảo quản, lưu giữ văn bằng, chứng chỉ trong trường hợp người học chưa đến nhận văn bằng, chứng chỉ. (9) Thu hồi văn bằng, chứng chỉ theo quy định. (10) Cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc theo quy định.

Người có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ chịu trách nhiệm cá nhân trước cơ quan quản lý cấp trên và trước pháp luật về việc quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ đúng quy định pháp luật và tính chính xác của nội dung văn bằng, chứng chỉ đã được ký.

Dự thảo được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi từ dư luận, nhằm hoàn thiện hơn nữa các nội dung của Quy chế trước khi ban hành chính thức. Các Ý kiến góp ý gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo (Vụ Pháp chế), số 49 Đại Cồ Việt, Hà Nội và gửi qua email:ntcuong@moet.edu.vn

TS. Ngô Thanh Long
 Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề-Ban Tuyên giáo Trung ương

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất