Bà Trịnh Thị Mai Anh, Điều phối viên Dự án, cho biết qua triển khai thí điểm ở 20 trường trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn Hà Nội, Dự án thúc đẩy các trường học tạo ra một môi trường học tập an toàn, sẵn sàng ứng phó với vấn đề bạo lực giới và không có sự phân biệt đối xử học sinh nam và nữ. Để thúc đẩy học sinh và giáo viên nhận ra các khuôn mẫu/định kiến về giới, hành vi bạo lực trong cuộc sống hàng ngày, Dự án đã cung cấp các kiến thức, kỹ năng cho giáo viên chủ nhiệm để chuyển tải tới các em và huy động các em tham gia vào quá trình thay đổi đó.
Khảo sát đối với 3.000 học sinh ở 30 trường trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn Hà Nội cho thấy hiện có 80% học sinh trả lời bị bạo lực giới trong trường học ít nhất là một lần trong đời, hơn 70% số học sinh trả lời bị bạo lực giới trong trường học trong vòng sáu tháng qua. Trong đó, 73% số học sinh bị bạo lực về tinh thần, 41% bị bạo lực về thể chất và 19% số học sinh bị bạo lực về tình dục khi ở trường.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực giới trong trường học là do những khuôn mẫu/quy định về giới ủng hộ sự thống trị của phái nam và sự phục tùng của phái nữ, bao gồm niềm tin về việc là phái nữ phải như thế nào, phái nam phải như thế nào. Bên cạnh đó, cấp quản lý cũng không thực sự công nhận việc có bạo lực giới trong trường học và các phương tiện truyền thông đưa tin về các trường hợp đó thường thiếu nhạy cảm giới, không bảo vệ các nạn nhân, cha mẹ học sinh lại ngại trình báo lo mất chỗ học của con, sợ xã hội kỳ thị...
Hội thảo nằm trong sáng kiến chương trình "Vì em là con gái" và dự án "Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng" được thực hiện thí điểm tại 20 trường của Hà Nội trong ba năm (2013-2016), nhằm bảo vệ an toàn cho các em gái tuổi từ 11 đến 18 khỏi các hình thức bạo lực trên cơ sở giới tại trường học. Việc giáo dục về bình đẳng giới, các hành vi thay thế bạo lực cũng như tạo ra sự thay đổi về hành vi sẽ đạt hiệu quả cao nhất khi các em đang ở độ tuổi vị thành niên./.
Theo TTXVN