(TG) - Chỉ sau 2 năm được ban hành, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (gọi tắt là Nghị định 100) lại vừa được Bộ GTVT xây dựng dự thảo sửa đổi để trình Chính phủ với nhiều hành vi vi phạm bị tăng mức phạt lên gấp đôi. Cho ý kiến về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, dự thảo nặng về phạt tiền, ít hình thức chế tài, răn đe khác.
Bộ GTVT vừa phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng dự thảo cho biết, việc sửa đổi Nghị định 100 vào thời điểm này là nhằm phù hợp, thống nhất với hệ thống pháp luật, cụ thể là Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2022. Đến nay dự thảo đã xây dựng cơ bản xong.
Đề cập các mức phạt của dự thảo sửa đổi, đại diện Bộ GTVT cho biết, lần sửa đổi, bổ sung này, cơ quan soạn thảo tập trung vào việc rà soát, điều chỉnh nội dung xử lý một số hành vi vi phạm để phù hợp với tình hình mới. Trong đó một số lỗi vi phạm giao thông sẽ được điều chỉnh tăng mức hình phạt lên gần gấp đôi.
Cụ thể, theo Nghị định 100 hiện nay, với vi phạm của cá nhân sẽ bị xử phạt cao nhất là 40 triệu đồng, còn theo dự thảo sửa đổi nghị định, hành vi vi phạm của cá nhân có thể bị phạt ở mức cao nhất lên tới 75 triệu đồng.
“Mức phạt này được ban soạn thảo thống nhất áp dụng cho các lỗi như tài xế điều khiển xe khách chở quá số lượng người theo quy định, xe tải chở quá 50% tải trọng cho phép”, đại diện Bộ GTVT thông tin.
Cùng với đó, dự thảo cũng tăng quyền được quyết định mức xử phạt của cơ quan thực thi công vụ trên lĩnh vực đảm bảo trật tự, an toàn giao thông như CSGT, Thanh tra giao thông.
Cụ thể, hiện nay trưởng phòng CSGT chỉ có quyền ký biên bản phạt tiền đến 8 triệu đồng, dự thảo quy định cho phép được tăng lên mức 15 triệu đồng; Giám đốc công an cấp tỉnh hiện nay chỉ được phép ký xử phạt mức 20 triệu đồng, thì theo dự thảo được phạt đến 37,5 triệu đồng. Thanh tra giao thông cấp tỉnh được dự thảo cho phép ký mức xử phạt trên 70 triệu đồng với cá nhân, khoảng 100 triệu đồng với tổ chức, doanh nghiệp.
Một số hành vi vi phạm giao thông có thể dẫn đến tai nạn, ảnh hưởng đến tuổi thọ hạ tầng cũng bị tăng nặng mức phạt như: Không có giấy phép lái xe; che biển số; buôn bán, sản xuất biển số giả; đua xe; chở hàng quá tải trọng cho phép…
Cho ý kiến về việc Bộ GTVT vừa xây dựng xong dự thảo sửa đổi nghị định với các nội dung được nêu ở trên, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (Vata) thông tin, việc sửa đổi nghị định, thông tư, thậm chí luật là việc thường xuyên phải làm cho phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, với Nghị định 100 (mới được ban hành từ năm 2019) nay đã thay đổi là quá nhanh.
Theo ông Quyền, nay nghị định mới thực hiện được 2 năm đã phải thay đổi thì việc các bộ, ngành liên quan cần làm là tổ chức đánh giá, tổng kết xem Nghị định 100 đã đạt được những gì, những gì còn hạn chế, xin ý kiến đã cần thiết phải chỉnh sửa chưa?
Luật sư Bùi Sinh Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng cho biết, do chưa có tổng kết đánh giá công khai việc thực hiện Nghị định 100 trong hai năm qua, và thời gian thực hiện nghị định cũng quá ngắn nên chưa thuyết phục để xây dựng dự thảo thay đổi Nghị định 100. Hơn nữa, đối tượng, hành vi chịu sự điều chỉnh của nghị định xử phạt vi phạm giao thông rất rộng, liên quan hoạt động trên đường của hàng vạn doanh nghiệp vận tải nhưng các hiệp hội, tổ chức xã hội không được tham gia, lấy ý kiến là vô lý.
Cho ý kiến về các mức xử phạt mới được dự thảo đưa ra, ông Thân Văn Thanh, nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, nguyên tắc trong công tác đảm bảo, an toàn giao thông là tuyên truyền, hướng dẫn; tiếp đến là nhắc nhở người vi phạm; cuối cùng mới đến cưỡng chế (xử phạt).
Với các nước, nội dung xử phạt họ cũng thiên về răn đe là chính, cụ thể nếu người điều khiển phương tiện mà vi phạm giao thông trên đường, tùy mức vi phạm họ có thể bị xử lý hành chính hoặc phải đi lao động công ích, thậm chí là cải tạo không giam giữ. Vi phạm quy định về trật tự giao thông mà bị lao động công ích hoặc cải tạo không giam giữ là sự răn đe, giáo dục hiệu quả nhất, tâm lý ai cũng sợ việc này.
Nhưng tất cả các quy định ở Việt Nam hiện nay đang thiên về phạt tiền, và mức phạt luôn tăng theo thời gian, mỗi lần muốn tăng là sửa luật, nghị định. “Phạt tiền cao ngoài nguy cơ có thể dẫn đến tiêu cực cho lực lượng thi hành công vụ trên đường, còn khiến cho người tham gia giao thông có tâm lý cứ vi phạm là có thể dùng tiền xử lý”, ông Thanh nêu ý kiến.
Hiện nay, Nghị định 100 chỉ quy định phạt người để giấy phép lái ôtô quá hạn 6 tháng với mức 4-6 triệu đồng.
Dự thảo đề xuất chia thành 2 mức: Bằng lái quá hạn dưới 3 tháng phạt 5-7 triệu đồng; để quá hạn từ 3 tháng trở lên phạt 10-12 triệu đồng. Tài xế không có bằng lái, hoặc bằng lái không do cơ quan có thẩm quyền cấp cũng bị phạt mức này./.
Thanh Thảo