Chủ Nhật, 24/11/2024
Đời sống
Thứ Bảy, 28/1/2017 11:38'(GMT+7)

Du xuân Cát Cát

Sắc màu bản địa

Xuân về, đất trời Sa Pa bồng bềnh, bảng lảng sương mù, chỉ cách thị trấn náo nhiệt, dày đặc người và xe du xuânkhoảng chừng vài cây số là bản Cát Cát. Cát Cát là tên gọi từ khi làng Cát Cát được hình thành vào đầu thế kỷ 19, khi người Pháp đến đây xây dựng một nhà máy thủy điện cỡ nhỏ. Nơi đây, các nhà dân cất dựa vào thung lũng, dọc theo con suối Mường Hoa len lỏi cách đó vài chục cây số tìm về. Bây giờ, làng được chăm chút bởi con đường đi bằng bậc thang tạo một vòng cung tham quan kỳ thú cho du khách. Các bậc thang bắt đầu từ cổng làng cứ xuống lần, xuống lần cho đến tận cùng. Khách thong dong đi lướt qua những dãy hàng bán đồ lưu niệm, có thể bỏ ngang đi vào các nhà dân để ngắm nhìn một cuộc sống quả thật hoàn toàn xa lạ với mình.

Trong mưa xuân, trên đường đi được trang điểm bằng hình ảnh các chiếc ô che nhiều màu sắc, những chiếc áo mưa mỏng manh của khách, của những người Mông chen cùng. Cả bản gần như chỉ toàn du khách rong chơi, bước chân đi như thử sức bền của mọi người. Thật ra, nếu chỉ đi cũng đã no nê tầm mắt ngắm nhìn, để chạm gặp những hồn nhiên, chất phác và đầy cảm hứng. Cách sống ở đây lại hoàn toàn khác. Dẫu việc làm du lịch đang thay đổi bộ mặt của một ngôi làng đã có hơn 100 năm tuổi, nhưng bản chất chất phác của người Mông vẫn giữ nguyên vẹn. Họ hoàn toàn không ảnh hưởng trước làn sóng du khách tò mò dòm ngó vào cuộc sống của họ. Du khách vì thế mà vẫn đi chen qua làng, vào từng nhà xem người Mông bản địa làm việc xe sợi, dệt lanh, rèn dao cuốc hay nấu nướng, sinh hoạt gia đình thoải mái, tự nhiên như người thân quen, không có gì phải ngạc nhiên, lạ lẫm. Có lẽ đây là điều đặc biệt nhất ở Cát Cát, là sức hút của du lịch cộng đồng độc đáo nơi đây. Từng nhà làm du lịch, cả làng làm du lịch. Thấp thoáng hai bên đường là những căn nhà Mông. Những căn nhà lợp lá, vách thường bằng những tấm ván và cửa ra vào hoặc cửa sổ rất nhỏ như để chống chọi với cái lạnh khắc nghiệt của vùng cao này. Những hộ dân ở Cát Cát chủ yếu sống bằng nghề làm ruộng, mô hình ruộng bậc thang để giữ đất khỏi trôi trên những ngọn đồi trùng điệp ở thung lũng Mường Hoa này. Khách du lịch cứ đi theo mưa xuân, những căn nhà hai bên đường không nhiều, vì chỉ khoảng 80 hộ dân sinh sống ở dây. Họ cứ ngồi trước nhà mà dệt, mà xé những sợi lanh, đôi mắt bình thản nhìn du khách. Có thể ngày nào họ cũng gặp khách lạ nên quen. Còn khách thì tò mò mua những mặt hàng thổ cẩm rất riêng của Cát Cát chỉ có bán tại nơi này, như tấm dệt làm khăn choàng cổ, khăn trải giường.

Đi qua cây cầu bắc ngang thác Tiên Sa, chúng tôi bắt gặp một phụ nữ Mông trạc 20 tuổi đang địu con, đứng dưới mưa trong chiếc ô xanh đỏ để bán những chiếc vòng bạc, những sợi chỉ đeo tay, hay những thứ vặt vãnh cho du khách, chỉ đứng bán mà không chèo kéo. Chiếc cầu sắt bắc ngang con suối Mường Hoa là điểm nhấn, để từ đó ngắm nhìn ngọn thác Tiên Sa đổ nước trắng xóa một vùng. Một bãi đất trống có vành đai an toàn cho khách ngắm nhìn thác, và nếu thích có thể vào ngôi nhà văn hóa trung tâm xem một chương trình ca nhạc đặc sắc của các chàng trai cô gái người Mông. Cái thú vị trong mưa ấy khi dừng chân bên ngọn thác, ghé vào một mái lều đơn giản mà ăn bắp nướng, trứng nướng, thịt nướng và uống rượu táo mèo. Cát Cát luôn để lại ấn tượng cho bất cứ ai đã ghé qua và trở lại.

Con đường chen đi lênh đênh gặp những máng nước trở thành một cái chày giã gạo thiên nhiên, những con lợn bản nhỏ xíu không hề sợ khách, đưa mắt ngước nhìn. Và gì nữa? Đó là hình ảnh những phụ nữ người Mông tạo nên sắc dáng riêng của một miền đấtđiệp trùng núi non, sơn thủy hữu tình, dường như riêng biệt khỏi Sa Pa ồn ào, náo nhiệt.

Dựa vào dân để làm du lịch bền vững

Điều gì đã làm nên sức hút của Cát Cát mà du khách tây hay ta đến Sa Pa đều không bỏ qua Cát Cát, mỗi năm thu hút hàng trăm nghìn, hàng triệu lượt khách? Câu trả lời cứ dần rõ hơn khi trò chuyện với nữ Giám đốc Công ty du lịch Cát Cát. Nhìn vẻ ngoài ít ngườitin cô gái Nguyễn Phương Lân lại chính là chủ nhân của ý tưởng độc đáo, dựa vào dân, cùng với dân làm du lịch mà cốt lõi là bảo tồn và phát huy nghề truyền thống, phong tục tập quán, văn hóa bản địa, mônthể thao truyền thống của cư dân người Mông ở Cát Cát. Những ngôi nhà, cái bếp, mảnh vườn, ruộng nương, vật dụng sinh hoạt, nghề tước lanh, nhuộm chàm, vẽ sáp ong, thêu thổ cẩm của người Mông bản địa được giữ nguyên. Công ty trả tiền trực tiếp cho hơn chục gia đình người Mông (mỗi tháng ba triệu đồng) trên dọc tuyến đường đi bộ xuyên làng, để họ giữ vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, giữ gìn các vật dụng truyền thống, bảo tồn nghề se lanh dệt vải và đồng ý cho du khách thăm nhà tùy thích, không chèo kéo bán hàng hay thu tiền phí của khách. Bên cạnh số tiền hỗ trợ đó, chủ nhà còn bán thêm hàng thổ cẩm, đồ lưu niệmbản địa nếu khách có nhu cầu để tăng thêm thu nhập.

Ở ngang con dốc đá trên đường xuống thác Tiên Sa, chúng tôi bất ngờ khi bắt gặp hình ảnh bà Vàng Thị Sú, đã gần 80 tuổi nhưng vẫn nhanh nhẹn đi những đường kim thêu móc chiếc mũ thổ cẩm đủ sắc màu của người Mông. Dừng tay thêu, bà Sú cười hồn hậu: “Mình được công ty trả tiền để giữ nghề này, mỗi tháng ba triệu đồng, còn làm được cái mũ nào thì mình bán cho khách, có thêm tiền, lại không vất vả, vui lắm”.

Dọc con đường bậc thang xuyên bản Cát Cát, thỉnh thoảng du khách lại trầm trồ trước những khu vườn hoa bản địa các loại rất độc đáo, những vạt tam giác mạch, những vườn cải ngồng nở hoa vàng gợi cảm bao quanh là những bờ rào đá của người Mông bao đời. Thì ra, công ty du lịch Cát Cát đã bỏ tiền ra kè đá, thuê vườn, thuê đất, thuê ruộng của người dân để trồng hoa, cây, rau màu tạo cảnh quan tươi đẹp phục vụ du khách. Người dân có thể cho thuê dài hay ngắn tùy theo thỏa thuận,Có những địa điểm chỉ có tám mét vuông đất nhưng công ty thuê với giá 5 triệu đồng/tháng; có khi chỉ một mảnh vườn nhỏ vài trăm mét vuông nhưng giá cho thuê là hàng chục, hàng trăm triệu đồng/năm hoặc vài năm. “Điều quan trọng là chúng tôi muốn giữ nguyên cảnh quan, lối sống, nếp sinh hoạt của người dân bản địa để phát triển du lịch cộng đồng một cách bền vững và có sức sống nội tại, lâu bền”- Giám đốc Nguyễn Phương Lân cho biết.

Điều làm tôi ngạc nhiên nhất là toàn khu du lịch Cát Cát rộng hàng trăm ha nhưng là của dân. Công ty du lịch Cát Cát chỉ được cấp quyền sở hữu đất đai rất ít (gần hai nghìn mét vuông) nhưng Giám đốc NguyễnPhương Lân vẫn tự tin, mạnh dạn bỏ tiền đầu tư chiều sâu. “Chị không lo “trôi” mất vốn à?- Tôi hỏi. “Không, mình dựa vào dân mà làm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái chứ. Không ai giữ gìn, tôn tạo và phát huy bản sắc văn hóa bản địa tốt hơn người dân. Họ có lợi thì sẽ tự nguyện làm tốt, do đó mình cũng có lợi và sẽ phát triển và rất bền vững”- Chị Lân tâm sự. Tôi hiểu đó là “bí quyết” chia sẻ lợi ích du lịch với người dân thì người dân sẽ tạo nên sức sống nội tại cho du lịch Cát Cát.

Điều làm tôi và nhiều du khách rất thú vị là những chiếc cọn nước khổng lồ làm bằng tre, quay tròn kẽo kẹt bên dòng suối trong vắt, tự động múc nước từ suối lên tưới cho cây. Đúng là một vòng quanh Cát Cát, tôi được trải nghiệm đi bộ trong làn sương mờ ảo, bồng bềnh, rét lạnh; xem người Mông nhuộm chàm, se lanh, dệt vải; nghe những bài hát, điệu múa khèn trầm bổng của người bản địa; thưởng thức những món nướng nức tiếng Sa Pa do chính bàn tay người dân làm cho và hòa mình cùng đất trời Hoàng Liên hùng vĩ, hoang sơ. Mùa xuân này, bạn nhớ du xuân Cát Cát…
Quốc Hồng/Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất