(TG)- Theo Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn
đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhiệm vụ trọng tâm
đến năm 2020 là phát triển những loại hình, mô hình, phương thức hoạt
động văn hóa đối ngoại đa dạng, hiệu quả để giới thiệu các giá trị văn
hóa Việt Nam ra thế giới thông qua các hoạt động văn hóa nghệ thuật và
truyền thống phù hợp với từng địa bàn.
Các hoạt động đó là Ngày Văn hóa, Tuần Văn hóa Việt Nam, các Lễ hội Văn
hóa-Du lịch, các hoạt động xúc tiến, quảng bá văn hóa-du lịch tại nước
ngoài, tăng cường sự hiện diện của Việt Nam tại các sự kiện văn hóa nghệ
thuật quốc tế lớn như EXPO, Biennale, các Liên hoan phim nổi tiếng...
Bên cạnh đó, phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, xây dựng
biểu tượng văn hóa quốc gia và một số thương hiệu sản phẩm văn hóa quốc
gia. Tiến hành xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam ra nước
ngoài, xây dựng thị phần cho công nghiệp văn hóa Việt Nam trên thị
trường quốc tế.
Xây dựng và phát triển một số Liên hoan nghệ thuật quốc tế có thương
hiệu tại Việt Nam, tạo điều kiện cho công chúng Việt Nam được tiếp cận
với các nền văn hóa, nghệ thuật đa dạng của thế giới, khẳng định năng
lực tổ chức các sự kiện quốc tế của Việt Nam, nâng cao vị thế, uy tín
đất nước. Tạo điều kiện thuận lợi để các nước, các tổ chức quốc tế, các
cơ quan văn hóa, du lịch nước ngoài giới thiệu đất nước, con người, văn
hóa, du lịch tại Việt Nam. Phối hợp triển khai các Tuần Văn hóa, những
sự kiện văn hóa lớn của các nước tại Việt Nam;...
Trong giai đoạn đến năm 2020, các nhiệm vụ này sẽ được ưu tiên triển
khai tại các địa bàn trọng điểm như nhóm địa bàn có quan hệ truyền thống
lâu đời và gần gũi về địa lý như Trung Quốc, Lào, Campuchia và các nước
khác thuộc khối ASEAN trong đó ưu tiên việc xây dựng và phát huy cộng
đồng văn hóa-xã hội ASEAN; các nước đối tác chiến lược ở châu Á-Thái
Bình Dương, châu Âu, Bắc Mỹ. Duy trì và chuẩn bị tăng cường, mở rộng các
hoạt động tại các địa bàn Nam Mỹ, Trung Đông và châu Phi.
Cũng theo Chiến lược, tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam sẽ đưa các quan hệ
quốc tế về văn hóa đã được thiết lập đi vào chiều sâu, chủ động, ổn
định; mở rộng quan hệ với các quốc gia, các vùng lãnh thổ, các tổ chức
văn hóa quốc tế, các tập đoàn kinh tế, các cơ quan văn hóa trong khu vực
và trên thế giới, hướng đến triển khai các chương trình hợp tác thực
chất, hiệu quả. Giai đoạn từ năm 2030, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh các
hoạt động ở các địa bàn trên và tăng cường các hoạt động ở các khu vực
Nam Mỹ, Trung Đông, châu Phi và những địa bàn có khoảng cách địa lý xa.
Văn hóa Việt Nam có những đóng góp mới được ghi nhận trong đời sống văn
hóa thế giới và cộng đồng quốc tế; thúc đẩy các ngành công nghiệp văn
hóa ở Việt Nam phát triển, định vị văn hóa và sáng tạo như những thành
tố then chốt của các thành phố lớn, để các thành phố này có thể trở
thành các trung tâm về kinh tế sáng tạo ở châu Á./.
TG