Ngày 12/8 vừa qua, Bộ Y tế vừa có công văn gửi các tỉnh, thành về việc điều chỉnh giá viện phí. Đây là đợt điều chỉnh giá viện phí đầu tiên trong lộ trình đưa chi phí tiền lương vào giá dịch vụ y tế.
Theo Bộ Y tế, bình quân mức giá có tiền lương tăng khoảng 18% so với mức
giá viện phí hiện nay chưa tính tiền lương. Mức giá có tiền lương này
chỉ áp dụng cho người có thẻ bảo hiểm y tế nên không ảnh hưởng đến người
chưa có thẻ bảo hiểm y tế.
16 tỉnh, thành phố điều chỉnh tăng giá viện phí
Theo thông báo tại văn bản số 6188/BYT-KH-TC do Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm
Lê Tuấn ký, từ 12/8/2016, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bao gồm cả
chi phí tiền lương sẽ được thực hiện tại 16 tỉnh có tỷ lệ dân số tham
gia bảo hiểm y tế trên 85%.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, 16 tỉnh, thành phố điều chỉnh tăng
giá viện phí lần này gồm: Lào Cai, Thái Nguyên, Điện Biên, Hà Giang,
Bắc Kạn, Sơn La, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lai Châu, Đà Nẵng, Sóc Trăng,
Hoà Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Yên Bái và Lạng Sơn.
Trước đó, liên Bộ Y tế -Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 37
(ngày 29-10-2015) quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh
bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, trong đó quy
định giá dịch vụ y tế bảo hiểm y tế được thực hiện theo lộ trình 2 bước.
Bước 1: mức giá bao gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù được thực
hiện từ ngày 1/3/2016; bước 2 được tính thêm chi phí tiền lương được
thực hiện từ 1/7/2016.
Sau thời gian cân nhắc, liên Bộ thống nhất phương án điều chỉnh giá viện
phí có tính thêm tiền lương thành 4 đợt. Trong đó, mỗi đợt 15-16 tỉnh,
thành để việc điều chỉnh tác động vào chỉ số giá tiêu dùng khoảng
0,4-0,6% mỗi đợt – tương đương với khoảng dưới 2% cho cả 4 đợt điều
chỉnh bước 2; không điều chỉnh trong tháng Chín – là thời điểm đầu năm
học.
Đợt 1: thực hiện trước ngày 15/8/2016 đối với 16 tỉnh, thành phố có tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế trên 85%.
Theo phân tích của Bộ Tài chính và Tổng Cục thống kê, đây là thời điểm
thích hợp vì giá xăng dầu đang tiếp tục giảm, do chưa vào năm học mới
nên tránh được tác động cộng hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của
giá dịch vụ giáo dục, hơn nữa CPI hiện đang ở mức thấp.
Thay đổi nhận thức của cán bộ y tế?
Dự kiến từ nay đến đầu năm 2017 sẽ còn 3 đợt điều chỉnh giá được thực hiện ở các địa phương còn lại.
Cụ thể mức giá tính thêm chi phí tiền lương sẽ được thực hiện trước tiên
tại các cơ sở khám chữa bệnh (trung ương, địa phương) của 16 tỉnh/thành
có tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 85% đã nêu trên.
Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị, địa phương còn lại tiếp tục thực hiện mức
giá như hiện nay (có tính thêm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù) đến
khi Bộ Y tế có văn bản thông báo tiếp.
Trước đó, kể từ ngày 1/3, các bệnh viện tự đảm bảo chi thường xuyên và
chi đầu tư đã được thực hiện mức giá gồm: chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc
thù và tiền lương.
Với đợt điều chỉnh giá lần này, những dịch vụ kỹ thuật có chi phí tiền
lương cao như tiền ngày giường; các phẫu thuật nặng được xếp loại đặc
biệt, loại một có tới 7-8 bác sỹ tham gia làm trong 3-4 giờ... sẽ có mức
tăng cao.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, Bộ Y tế đánh giá việc điều chỉnh
viện phí, trong đó có tính thêm yếu tố tiền lương về cơ bản không làm
ảnh hưởng đến các đối tượng chính sách, người nghèo, trẻ dưới 6 tuổi… vì
các đối tượng này đã được Nhà nước mua thẻ hoặc hỗ trợ phần lớn để mua
thẻ bảo hiểm y tế. Phần thêm cơ bản do Bảo hiểm xã hội thanh toán, tạo
điều kiện cho các bệnh viện nâng cao chất lượng dịch vụ...
Bên cạnh đó, quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế được tăng lên vì
không phải trả thêm hoặc mua một số vật tư chưa kết cấu vào giá; giảm
chi tiền túi, giảm phiền hà cho người bệnh.
Theo Bộ Y tế, việc tính tiền lương vào giá cũng sẽ làm thay đổi nhận
thức của cán bộ y tế, bệnh viện phải phục vụ tốt thì mới có nguồn thu để
trả lương và thu nhập cho cán bộ. Đây là giải pháp quan trọng để nâng
cao tinh thần, thái độ phục vụ làm hài lòng người bệnh, từng bước nâng
cao chất lượng dịch vụ./.
(Vietnam+)