(TG) - Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Vừa qua, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế phối hợp với Vụ Công tác Học sinh sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức 3 lớp tập huấn cho cán bộ y tế trường học của 63 tỉnh/thành phố tại: Ninh Bình, Đà Nẵng và Phú Quốc về Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT- BYT-BGDĐT quy định về công tác y tế trường học.
Theo đó, hơn 350 đại biểu đã tham dự 3 lớp tập huấn với các nội dung cụ thể về chăm sóc mắt ban đầu, phát hiện sớm giảm thị lực, đánh giá tình trạng dinh dưỡng, sàng lọc phát hiện các vấn đề sức khỏe tâm thần ở học sinh; thống nhất mẫu báo cáo, sổ theo dõi sức khỏe tại trường.
Liên Bộ Y tế - Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT- BYT-BGDĐT quy định về công tác y tế trường học, Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 30/6/2016.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, TS. Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: Thông tư liên tịch đã tiếp cận toàn diện, lấy học sinh làm trung tâm theo định hướng mới, tạo điều kiện bảo vệ, giáo dục, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh theo hướng dự phòng, phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ và can thiệp kịp thời các trường hợp mắc bệnh.
Thông tư quy định 8 nội dung chính của công tác y tế trường học gồm: Bảo đảm các điều kiện về phòng học, bàn ghế, bảng viết, chiếu sáng, đồ chơi trong trường học; bảo đảm điều kiện về cấp thoát nước và vệ sinh môi trường; bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm; bảo đảm môi trường thực thi chính sách và xây dựng các mối quan hệ xã hội trong trường học, liên kết cộng đồng; bảo đảm điều kiện về phòng y tế, nhân viên y tế trường học; tổ chức các hoạt động quản lý, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe học sinh; tổ chức hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe; thống kê báo cáo và đánh giá về công tác y tế trường học.
Đặc biệt về hoạt động quản lý, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe học sinh tại trường học, Thông tư qui định nhiều nội dung cụ thể. Trong đó, các trường thực hiện kiểm tra sức khỏe vào đầu năm học để đánh giá tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe học sinh; định kỳ đo chiều cao, cân nặng, ghi biểu đồ tăng trưởng, theo dõi sự phát triển thể lực cho trẻ dưới 24 tháng tuổi mỗi tháng một lần và cho trẻ em từ 24 tháng tuổi đến 6 tuổi mỗi quý một lần.
Nhà trường cần thường xuyên theo dõi sức khỏe học sinh, phát hiện giảm thị lực, cong vẹo cột sống, bệnh răng miệng, rối loạn sức khỏe tâm thần và các bệnh tật khác để kịp thời xử trí, chuyển đến cơ sở khám chữa bệnh theo quy định và áp dụng chế độ học tập, rèn luyện phù hợp với tình trạng sức khỏe. Các cơ sở giáo dục phối hợp với các cơ sở y tế đủ điều kiện để tổ chức khám, điều trị theo các chuyên khoa cho học sinh; hướng dẫn tổ chức bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, đa dạng thực phẩm, phù hợp với đối tượng và lứa tuổi đối với các trường có học sinh nội trú, bán trú; phối hợp với cơ sở y tế địa phương trong việc tổ chức các chiến dịch tiêm chủng, uống vắc xin phòng bệnh cho học sinh…
Thông tư này là cơ sở vững chắc để ngành y tế và giáo dục tiếp tục phối hợp tổ chức, triển khai mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa công tác y tế trường học từ Trung ương đến địa phương…/.
Bùi Thanh