Công tác quản lý VK-VLN-CCHT góp phần phòng chống tội phạm
Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ nêu rõ, qua 15 năm tổ chức thực hiện Nghị định 47/CP về quản lý VK-VLN-CCHT, chúng ta đã đạt được kết quả quan trọng; công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này ngày càng đi vào nền nếp, hạn chế được tình trạng VK-VLN-CCHT trôi nổi ngoài xã hội; nhận thức trong cán bộ, nhân dân đối với công tác quản lý có những chuyển biến tích cực, tạo được sự đồng thuận cao trong cán bộ và nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu sổ, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Cụ thể, lực lượng Công an đã vận động nhân dân thu hồi 308.040 khẩu súng các loại, hàng trăm ngàn viên đạn, quả đầu đạn, lựu đạn, thuốc nổ. Qua kiểm tra đã phát hiện 4.288 trường hợp vi phạm; đã thu hồi 17.495 khẩu súng các loại cùng thuốc nổ, kíp nổ và phụ kiện gây nổ khác. Lực lượng chức năng đã thu từ buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép 2.219 khẩu súng; 901 quả bom, mìn, 1.003 đầu đạn pháo, 37.889 viên đạn, hơn 73.000 kg, 157.381 kíp nổ và 2.064 công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ,
Chỉ tính riêng trong 5 năm (2006 - 2011), các cơ quan bảo vệ pháp luật đã điều tra, truy tố, xét xử 1.238 vụ với 2.664 đối tượng về các tội danh có liên quan VK-VLN-CCHT.
Tuy nhiên, một số quy định về công tác quản lý VK-VLN-CCHT, việc thực hiện Nghị định 47 còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình hiện này. Trong khi đó, tiếp tục xảy ra nhiều vụ đe dọa đặt bom, mìn tống tiền hoặc sử dụng chất nổ tự tạo, các loại vũ khí để chống người thi hành công vụ, giải quyết mâu thuẫn cá nhân; hành vi vận chuyển, mua bán vận chuyển trái phép vũ khí, thiết bị nổ qua biên giới còn nhiều sơ hở, bị tội phạm lợi dụng…
Không để xảy ra các vụ cháy nghiêm trọng
Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ nhấn mạnh, trong những tháng đầu năm 2012, tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp. Ngày 27/2/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 242, Bộ Công an ban hành Điện số 94 về tăng cường tổ chức các biện pháp an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC).
Với vai trò là lực lượng nòng cốt, Cảnh sát PCCC các cấp đã triển khai quyết liệt và đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, trực tiếp kiểm tra và hướng dẫn cơ sở tự kiểm tra, phát hiện và khắc phục hàng chục nghìn sơ hở, thiếu sót, góp phần loại trừ các nguy cơ cháy nổ tại cơ sở và các khu dân cư.
Cụ thể, Công an các địa phương đã tổ chức 1.512 lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho 76.512 người làm việc ở cơ sở có nguy cơ cháy nổ, các khu dân cư tập trung; tổ chức 303 đoàn kiểm tra liên ngành; 1121 lượt kiểm tra các chuyên đề trọng điểm về PCCC; tổ chức kiểm tra 59.821 lượt cơ sở. Qua kiểm tra đã lập 55.971 biên bản kiểm tra; 1.276 công văn kiến nghị và phát hiện 51.519 vi phạm và tồn tại liên quan đến PCCC.
Trong 3 tháng thực hiện Công điện số 242, tình hình cháy đã được kiềm chế, đáng chú ý là không để xảy ra các vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng.
Tuy nhiên, công tác PCCC vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, cấp ủy, chính quyền địa phương và một số ngành chức năng chưa thực hiện hết trách nhiệm cũng như sự quan tâm chỉ đạo triển khai các biện pháp PCCC đối với các cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ, việc tuyên truyền còn mang tính hình thức, kỹ năng tự chữa cháy của dân phòng, người dân còn hạn chế.
|
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong công tác quản lý VK-VLN-CCHT và PCCC. |
Kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các bộ ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, hoàn thành tốt việc quản lý nhà nước về VK-VLN-CCHT, góp phần bảo đảm an ninh trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, qua một thời gian thực hiện, công tác này đã bộc lộ những tồn tại, bất cập, cần kịp thời chấn chỉnh, khắc phục.
Để triển khai có hiệu quả Pháp lệnh Quản lý VK-VLN-CCHT và các văn bản hướng dẫn, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ lớn: tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh, Nghị định, kế hoạch để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao, bảo đảm ổn định chính trị, xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội.
Tổ chức lực lượng, phương tiện phát hiện, phòng ngừa, điều tra làm rõ các vụ, việc liên quan đến quản lý, sử dụng VK-VLN-CCHT với các động cơ xấu, chống người thi hành công vụ, xử lý nghiêm khắc để răn đe những đối tượng khác. Công an các địa phương cần tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác này.
Đồng thời, tăng cường công tác vận động quần chúng, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành của người dân, chủ động phát động, mở các đợt cao điểm để vận động nhân dân giao nộp VK-VLN. Sớm ban hành các quy định về chế độ quản lý, sử dụng tài chính, bảo đảm cho công tác tiếp nhận, thu gom, bảo quản, thanh lý, tiêu huỷ VK-VLN.
Về công tác PCCC, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung Luật PCCC, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định về PCCC, các cơ quan thông tin báo chí phải coi trọng và đổi mới hình thức tuyên truyền, dành thời lượng thích đáng để phổ biến, hướng dẫn cho nhân dân các quy định về PCCC.
Các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường chỉ đạo và đầu tư cho công tác PCCC, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 1634/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC và cứu hộ, cứu nạn, Đề án quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát PCCC đến năm 2020…
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Bằng khen của Thủ tướng cho 6 tập thể và 3 cá nhân; 102 cá nhân và 102 tập thể được tặng Bằng khen của Bộ Công an./.
(Theo: VGP News)