Thứ Hai, 18/11/2024
Xã hội
Thứ Tư, 28/8/2013 22:3'(GMT+7)

Đưa giúp việc gia đình vào danh mục nghề quốc gia

(Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

(Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Ông Hoàng Minh Hào, Vụ phó Vụ Lao động-Tiền lương (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết cần phải sớm đưa ghề giúp việc gia đình vào danh mục nghề quốc gia, trên cơ sở nghề này đã được đưa vào Bộ Luật lao động 2012.

Đây là thông tin được đưa ra trong "Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu về lao động giúp việc gia đình từ năm 2007 đến nay" do Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng (GFCD) tổ chức ngày 28/8.

“Nếu muốn giúp việc gia đình được coi là một nghề chính thức thì cần phải thống kê số lượng lao động giúp việc, khảo sát mức lương, xác định nghề nghiệp… Khi giúp việc gia đình được đưa vào danh mục nghề quốc gia thì mới có thể xây dựng chương trình đào tạo cụ thể, nâng cao chất lượng lao động giúp việc,” ông Hoàng Minh Hào nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, tiến sĩ Ngô Thị Ngọc Anh-Giám đốc GFCD cũng cho rằng, việc đưa giúp việc gia đình trở thành một nghề chính thức trong danh mục nghề quốc gia là hết sức cần thiết.

"Lao động giúp việc gia đình sẽ được pháp luật bảo vệ và nhà nước cũng sẽ thuận tiện hơn trong quản lý người lao động," bà Ngọc Anh nói.

Mặc dù nhu cầu thuê giúp việc gia đình tăng mạnh trong những năm gần đây nhưng lại vẫn chưa được coi là một nghề để tổ chức đào tạo, họ làm việc chủ yếu theo kinh nghiệm nên dẫn đến phần lớn lao động giúp việc chưa qua đào tạo nghề (98,4%). Đặc biệt, có tới 28,3% giúp việc gia đình không biết chữ, 52,5% học hết trung học cơ sở và 19,2% học hết trung học phổ thông.

71% người giúp việc khi được khảo sát có nhu cầu tham gia các lớp dạy kiến thức, kỹ năng cho người giúp việc và theo họ, việc đào tạo nghề cho lao động giúp việc nên do các trung tâm dạy nghề, cơ sở giới thiệu việc làm thực hiện," bà Ngọc Anh dẫn chứng.

Cũng theo kết quả nghiên cứu, đa số người giúp việc thường gặp khó khăn vì những kinh nghiệm của họ sẽ rất khác với những yêu cầu của gia chủ. Trên 50% gia đình được khảo sát có dự định sẽ thuê người giúp việc đã qua đào tạo, trong đó 87% sẵn sàng trả lương cao hơn cho người giúp việc đã được đào tạo.

Bên cạnh vấn đề về trình độ của lao động giúp việc gia đình, kết quả của nghiên cứu cũng đã đặt ra những thách thức trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhóm lao động này.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, 91,5% thỏa thuận lao động giúp việc gia đình bằng miệng. Lý do chủ yếu do người lao động chưa thấy lợi khi ký hợp đồng và không muốn trói buộc vào một gia đình, còn gia chủ thì không muốn chịu trách nhiệm và bị ràng buộc về mặt pháp lý.

Nội dung thỏa thuận chỉ tập trung vào cách trả lương, tiền lương, thời gian nghỉ... Thời gian làm việc của lao động giúp việc gia đình thường không được thỏa thuận chính xác là 8 giờ/ngày. Trong khi đó, có tới 61,1% lao động làm hơn 8 tiếng/ngày, trong đó có 35% người giúp việc làm trên 12 tiếng/ngày.

Môi trường làm việc trong phạm vi nhỏ là những ngôi nhà riêng, vì vậy nguy cơ những lao động này gặp những rủi ro như bị bạo lực, ngược đãi, quấy rối tình dục là khá cao. Theo nghiên cứu, 20,2% lao động giúp việc gia đình thường xuyên bị mắng chửi và 16% gặp nguy cơ bị lam dụng tình dục./.

Giúp việc gia đình có 98,7% là nữ và có 68,8% ở độ tuổi từ 36-55; nhóm giúp việc gần 60 tuổi chiếm 12,5%. Đặc biệt, vẫn có lao động giúp việc là trẻ em (dưới 18 tuổi chiếm 1,6%).

Dự báo, số lượng lao động hoạt động làm thuê trong các hộ gia đình sẽ tăng từ 157.000 người (năm 2008) lên 246.000 người (năm 2015).

Hồng Kiều (Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất