Trong những tháng còn lại của năm 2012, ngành Công Thương sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống hàng giả, hàng lậu, tổ chức chương trình tuần hàng Việt Nam, góp phần kích thích tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất.
Thông điệp trên được Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đưa ra tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2012 về thực hiện Chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, sáng 18/7.
Xóa bỏ cản trở lưu thông đối với hàng Việt
Tính đến tháng 6/2012, mức độ hàng tồn kho của các doanh nghiệp tăng bình quân 26%. Mặc dù có giảm so với cùng kỳ, nhưng lượng tồn kho đã khiến cho chỉ số phát triển công nghiệp chỉ tăng 4,6%. Vì vậy, đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" là một trong những giải pháp mà Bộ Công Thương kỳ vọng trong việc góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, không ít ý kiến tại hội nghị cho rằng vẫn còn nhiều rào cản trong hoạt động đưa hàng Việt đến với người Việt.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Phạm Như Mai cho biết nguồn cung ứng hàng hoá có chất lượng còn hạn chế, mối quan hệ sản xuất chăn nuôi với chế biến còn lỏng lẻo, việc xã hội hoá thu hút đầu tư thương mại còn khó khăn...
Cũng theo bà Mai hiện nay hàng nước ngoài vẫn chiếm khoảng 70% thị trường, người kinh doanh cũng cần phải tính tới lợi nhuận, nếu bày mãi hàng Việt không ai mua buộc lòng phải bày bán hàng nước ngoài.
Bên cạnh đó cần nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, bà Mai cho biết thêm, mặc dù TP Hà Nội đã tạo điều kiện hỗ trợ ngân sách ưu đãi để thực hiện chương trình kích cầu hàng Việt Nam.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatext) Dương Thị Ngọc Dung cho biết qua khảo sát của đơn vị này, khoảng 96% người Việt sẵn sàng dùng hàng Việt, do vậy Ban chỉ đạo cần mạnh mẽ hơn với phong trào để trở thành ý thức dân tộc.
Ngoài ra, cần hoàn thiện bộ tiêu chuẩn Việt Nam về tất cả hàng tiêu dùng, kiên quyết xử lý doanh nghiệp làm ra sản phẩm không đạt chất lượng
Giảm thuế, nới chi phí quảng cáo cho doanh nghiệp
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng cần giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) cho các doanh nghiệp, bởi chính sách giãn thuế VAT như hiện nay chưa tháo gỡ được nhiều cho doanh nghiệp khó khăn và sau này doanh nghiệp vẫn phải nộp.
Ngoài ra, Bà Loan cho rằng chi phí quảng cáo sản phẩm cũng cần được xóa bỏ hoặc tăng từ 10% lên mức 20% trên tổng chi phí của doanh nghiệp để người tiêu dùng có thể tiếp cận được nhiều hơn nữa các thông tin về sản phẩm nội.
Cũng theo bà Loan, để chương trình người Việt Nam dùng hàng Việt Nam được đẩy mạnh hơn trong 6 tháng cuối năm, các doanh nghiệp bán lẻ cần xác định ưu tiên hàng Việt trong hệ thống phân phối; giới thiệu sàn bán buôn, một hình thức kết nối, hỗ trợ sản xuất - phân phối - bán lẻ với ưu tiên đặc biệt cho sản phẩm Việt, miễn phí toàn bộ chi phí cho bán lẻ online; đa dạng hoá các loại hình khuyến mại.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết tới đây Hội sẽ triển khai chương trình đưa hàng Việt vào chợ truyền thống, đây là một hình thức mới, bởi với những chuyến hàng Việt về nông thôn đã thành công bước đầu nhưng không gắn kết được lâu dài bởi chỉ về một lần rồi lại đi, do vậy, cần thiết lập một chính sách hiện diện lâu dài của hàng Việt tại các chợ truyền thống.
Cũng theo bà Hạnh, qua thử nghiệm ở TP Hồ Chí Minh với 10 chợ trong thời gian 3 tháng và tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội) bước đầu cho thấy đã có tín hiệu tốt, do vậy, tới đây Hội sẽ thiết kế một chính sách để khi đưa vào triển khai tại các chợ, tiểu thương thấy có lợi và hào hứng hưởng ứng tham gia.
Linh Đan- Chinhphu.vn