Thứ Ba, 1/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 6/11/2008 22:15'(GMT+7)

Đưa lịch sử địa phương vào giảng dạy trong các trường trung học cơ sở -kết quả và những bài học kinh nghiệm ở Quảng Trị

Thành cổ Quảng Trị

Thành cổ Quảng Trị

Với ý nghĩa đó, năm 2002, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo trên cơ sở kết quả nghiên cứu, đề tài khoa học “một số nội dung cơ bản về lịch sử đia phương Quảng Trị và việc đưa vào giảng dạy, giáo dục truyền thống trong các trường THCS” đã biên soạn tài liệu "Lịch sử địa phương Quảng Trị" để đưa vào giảng dạy trong các trường Trung học cơ sở (THCS) trên địa bàn toàn tỉnh.

Bộ Tài liệu gồm 8 bài Quảng Trị mảnh đất và con người; Quảng Trị đấu tranh chống xâm lược (từ cội nguồn đến trước năm 1930); Nhân dân Quảng Trị đấu tranh giành chính quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng (I930 - 1945); Quảng Trị cuộc kháng chiến chống pháp và can thiệp Mỹ (1945 1954) Quảng Trị tiến hành hai chiến lược cách mạng: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng XHCN (1954 - 1975); Quảng Trị khắc phục hậu quả chiến tranh cùng cả nước đi lên chu nghĩa xã hội (1975 - 2000); Một số di tích lịch sử tiêu biểu của tỉnh Quảng Trị; Cuộc đời hoạt động của Tổng Bí thư Lê Duẩn ; Trong đó, lớp 6: 1 bài; lớp 7: 3 bài; lớp 8: 1 bài; lớp 9: 2 bài.

Các thông tin trong Tài liệu Lịch sử địa phương Quảng Trị đảm bảo tính chính xác, tính khoa học và tính sư phạm; khái quát cao theo chiều phát triển của lịch sử dân tộc và lịch sử quê hương phản ánh khá toàn diện lịch sử Quảng Trị từ buổi sơ khai đến cuối thế kỹ XX trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Tài liệu cung cấp để học sinh hiểu rõ hơn về cuộc đời hoạt động của đồng chí Lê Duẩn- người con ưu tú của quê hương, là người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh; về các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn toàn tỉnh. Nội dung từng bài học đã phù hợp với trình độ học sinh, các sự kiện được chắt lọc, tiêu biểu, mỗi bài dài khoảng 3 trang giấy A4 (đánh máy). Lời văn cơ bản trong sáng, dễ hiểu. Hệ thông câu hỏi có tính gợi mở, giúp học sinh tự trả lời và qua đó nắm và hiểu bài nhanh; có câu hỏi liên hệ thực tế địa phương để minh chứng cho nội dung bài học. Mỗi bài đều có 1 -2 ảnh minh họa, cuối mỗi bài đều có ghi nhớ tóm tắt thể hiện nội dung hoặc chủ đề tư tưởng của bài học.

Năm học 2003-2004, Ban chủ nhiệm đề tài cùng Sở giáo dục đã tổ chức dạy thí điểm tại 5 trường Trung học cơ sở ở các vùng miền khác nhau (đồng bằng, thị xã, vùng núi và vùng biển). Từ những kết quả khả quan qua dạy thí điểm, Ban chủ nhiệm đề tài và Ban biên soạn đã tiến hành sửa chữa, đính chính nội dung và phân bố chương trình phù hợp với thực tế địa phương. Đến tháng 5-2004, tài liệu Lịch sử địa phương được Hội đồng khoa học tỉnh, các nhà nghiên cứu, phê bình trong và ngoài tỉnh thẩm định và đồng ý đưa vào giảng dạy. Từ năm học 2004-2005, Lịch sử địa phương Quảng Trị đã được tiến hành giảng dạy ở các trường Trung học cơ sở; được Sở Giáo dục- đào tạo đưa vào các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, kỳ thi vào bậc Trung học phổ thông trên địa bàn toàn tỉnh.

Sau 5 năm thực hiện cho thấy việc đưa "Lịch sử địa phương Quảng Trị" vào giảng dạy trong trường Trung học cơ sở giúp cho học sinh nhận thức sâu sắc các sự kiện, hiện tượng, nhân vật điển hình của lịch sử dân tộc. Mối liên hệ mật thiết giữa lịch sử địa phương với lịch sử dân tộc là cơ sở để học sinh nhận thức sâu sắc bước phát triển chung lịch sử dân tộc song vẫn ghi đậm những dấu ấn đặc thù của địa phương. Hình thành cho học sinh khái niệm khoa học hiện đại về sự thống nhất giữa "tự nhiên- con người- xã hội" giúp học sinh hình dung cụ thể vai trò con người trong mối quan hệ với môi trường xung quanh; có ý thức đầy đủ bảo vệ các di tích lịch sử- văn hoá và môi trường sống. Đây là nhịp cầu nối gắn bó giữa nhà trường với nhân dân địa phương trong tỉnh, cũng là biện pháp để khai thác sức sáng tạo tiềm năng của nhân dân địa phương. Nguồn tài liệu lịch sử địa phương, với những loại hình đa dạng, phong phú, sinh động, là cơ sở cho học sinh hiểu được những biểu tượng lịch sử và các khái niệm, các sự kiện, hiện tượng được đúc kết ở các bài. Góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, tinh thần quốc tế vô sản cho thế hệ trẻ. Mọi sự kiện xảy ra trên quê hương, trên đất nước chúng ta trực tiếp hay gián tiếp quan hệ với sự phát triển chung của lịch sử dân tộc khác, hình thành quy luật phát triển chung của thế giới. Điều này sẽ giáo dục học sinh tính nhân văn và ý thức nghĩa vụ quốc tê đúng đắn. Góp phần rèn luyện những kĩ năng, thói quen, đặc biệt là phương pháp thực tiễn. Từ đó, góp phần hình thành ở học sinh phương pháp nghiên cứu khoa học, biết vận đụng kiến thức vào cuộc sống. Chính vì vậy, qua quá trình giảng dạy cho thấy phần lớn học sinh đều hứng thú, bởi nhiều sự kiện, nhân vật lịch sử mà các em được học đã gần gũi, thân quen, gắn bó qua các hoạt động xã hội khác (tham gia các cuộc thi, tham gia lễ hội, kỷ niệm ngày truyền thống ) Từ đó, các em đã nắm bắt và hiểu bài khá nhanh. Điều đặc biệt, các em đã biết thêm những nhân vật, sự kiện lịch sử tiêu biếu ở ngay tại địa phương, làng xóm của mình tưởng như rất bình thường nhưng đã trở thành niềm tự hào của cả tỉnh, cả dân tộc, vang vọng khắp năm châu bốn bể. Đây chính là điêu kiện rất thuận lợi để đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống cách mạng địa phương.

Đưa “Lịch sử địa phương" vào trường học không chỉ góp phần quan trọng trong việc cung cấp kiến thức, hiểu biết lịch sử của quê hương, giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, thẩm mỹ, mà còn giúp các em có ý thức phấn đấu học tập tu dưỡng, rèn luyện góp phần xây dựng Quảng Trị ngày càng giàu đẹp.

Từ thực tiễn dạy và học Lịch sử địa phương trong 5 năm qua có thể thấy rằng: Biên soạn tài liệu Lịch sử địa phương Quảng Trị và việc đưa vào giảng dạy trong các trường Trung học cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh là việc làm cần thiết, đã đáp ứng lòng mong mỏi của đội ngũ giáo viên, học sinh bậc Trung học cơ sở trên địa bàn Quảng Trị. Đây là tập tài liệu đã có giá trị khoa học và giá trị thực tiễn trong công tác chỉ dạo giảng dạy và học tập của học sinh ; làm cơ sở cho giáo viên giảng dạy lịch sử địa phương Quảng Trị.

Với những kết quả bước đầu, Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ và Sở Giáo dục- Đào tạo đang khảo nghiệm và bổ sung. Tin rằng trong thời gian tới tập tài liệu sẽ ngày càng hoàn chỉnh, góp phần giáo dục lịch sử quê hương đất nước, để mỗi người dân phải biết sử ta. như lời dạy của Bác Hồ “ Dân ta phải biết sử ta” ./.

Hoàng Anh Tuấn, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Trị

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất