Thứ Ba, 1/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Ba, 4/11/2008 14:30'(GMT+7)

Sau 4 năm gia nhập Công ước Berne: Vẫn khắc khoải nỗi lo

Những nốt nhạc vui

Không thể phủ nhận, việc gia nhập Công ước Berne đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt ngành xuất bản Việt Nam. Nếu trước đây, các nhà làm sách, các đơn vị kinh doanh sách mạnh ai nấy làm, cứ thấy cuốn sách nào có khả năng sinh lợi thì cùng ùa vào khai thác, xuất bản, phát hành dẫn đến thị trường sách luôn trong tình trạng chụp giựt, sách ít được đầu tư về chất lượng thì sau Berne, ngành xuất bản, kinh doanh sách tại Việt Nam đã có sự thay đổi rõ ràng cả về lượng và chất.

Dần dần, các đơn vị kinh doanh sách đã chuyên nghiệp hóa theo hướng chuyên môn, mỗi đơn vị tập trung vào những đầu sách sở trường của mình nhằm đảm bảo đưa ra thị trường những cuốn sách đẹp về hình thức, hấp dẫn về nội dung, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc.

Những cái tên đã thành danh trong làng sách như: Nhã Nam với các loại sách văn học dịch, nhất là những tác phẩm đoạt giải của quốc tế; NXB Trẻ thì nổi bật với các loại truyện thiếu nhi đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Âu…; Công ty Văn hóa Phương Nam tạo uy tín với bạn đọc qua các tác phẩm văn học, nghiên cứu của Trung Quốc…

Sách gốc (trái) và sách in lậu dưới hình thức photocopy (phải). Ảnh: T.V.

Song hành với việc chuyên môn hóa trong việc kinh doanh sách là các hoạt động quảng bá sách cùng văn hóa đọc rầm rộ. Có lúc là những cuộc hội thảo bàn về tính văn chương để quảng bá tác phẩm văn học, có khi lại là sự kiện lễ hội để giới thiệu tác phẩm thiếu nhi, thậm chí cả những hội thảo chuyên đề để quảng bá sách kinh tế, khoa học, lịch sử…

Mới đây, chuyến thăm của nhà văn ăn khách nhất nước Pháp hiện nay là Marc Levy, cũng nhằm giới thiệu sách của ông tại thị trường Việt Nam.

Và ngày kỷ niệm buồn

Không ai có thể nghi ngờ rằng chính nhờ Berne mà thị trường sách trong nước đã có những sự thay đổi theo chiều hướng tích cực, hội nhập với thị trường sách quốc tế. Thế nhưng, kỷ niệm năm thứ tư Berne tại Việt Nam lại mang nhiều nỗi buồn.

Sau một thời gian có phần chững lại trước sự thay đổi của thị trường theo chiều hướng mới, các đầu nậu làm sách lậu đã bắt đầu quay lại và hoạt động mạnh mẽ hơn cả trước đây. Sự cố truyện tranh vừa qua là điển hình nhất, vì tất cả những tác phẩm vi phạm thuần phong mỹ tục bị lên án đều là sách không bản quyền. Các đầu nậu sách tự dịch, tự biên tập và liên kết cùng các NXB ở các địa phương để xuất bản và phát hành trên cả nước. Lấy lợi nhuận làm mục đích, nên các loại truyện tranh này làm mọi cách để câu khách, kể cả việc phát hành các truyện tranh bạo lực, sex.

Đến khi nhà nước tạm đình chỉ xuất bản truyện tranh để chấn chỉnh thị trường thì chỉ có các đơn vị chân chính chịu thiệt, trong khi đó truyện tranh lậu vẫn tiếp tục xuất hiện trên thị trường. Theo trưởng ban truyện tranh của một NXB lớn thì trung bình mỗi tuần thị trường có thêm khoảng 60 cuốn truyện tranh mới.

Truyện lậu còn ngăn cản cả sự phát triển của truyện có bản quyền vào thị trường trong nước khi nhiều bộ truyện ăn khách, NXB vừa mua bản quyền đã bị in và phát hành. Mà không chỉ truyện tranh, nhiều bộ sách khác còn bị in lậu ngay từ khi sách chưa kịp phát hành như bộ sách Quy luật của sự nổi loạn do Vinabook.com mua bản quyền.

Vừa qua, làng sách lại chứng kiến một trường hợp vi phạm trắng trợn nhưng lại không đến từ các đầu nậu sách như trước đây, mà đến từ một nơi rất đặc biệt: trường dạy ngoại ngữ. Không để ý đến luật bản quyền, phớt lờ cả cảnh báo in trong sách, hai trung tâm ngoại ngữ lớn nhất nhì TPHCM thản nhiên photocopy sách để cung cấp cho học viên.

Phải đến khi báo chí, các cơ quan chức năng vào cuộc, họ mới nhận sai và tiến hành mua sách có bản quyền. Đây không phải trường hợp cá biệt vì như giám đốc công ty quản lý các trường này cho biết, có đến hơn 90% các trường, trung tâm ngoại ngữ tại TP đang sử dụng loại sách photocopy vi phạm bản quyền.

Vất vả thương lượng mua bản quyền, tiến hành biên tập công phu, tổ chức quảng bá, lăng xê đầy tốn kém, các doanh nghiệp làm sách lại phải thường trực nỗi lo sách mình bị in lậu. Dù đã có tất cả, từ Công ước Berne, Hiệp định Trips (nằm trong WTO), Luật Sở hữu trí tuệ của quốc gia… nhưng trên thực tế, sách lậu vẫn đang là vệt đen, xóa mờ cố gắng xây dựng một thị trường sách chuyên nghiệp, tiến bộ trong nước.

Không còn là cảnh báo hay kêu gọi mà đã đến lúc thực sự phải báo động và cần có những chế tài nghiêm khắc hơn với những kẻ làm sách lậu để cứu một thị trường sách đang chật vật tiến vào hội nhập quốc tế./.

(SGGP điện tử)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất