(TG)-Mục tiêu xây dựng mô hình phòng khám bác sĩ gia đình là để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục và thuận lợi cho cá nhân, gia đình, cộng đồng, góp phần giảm quá tải bệnh viện. Tuy nhiên, sau hai năm thí điểm triển khai, mô hình này bộc lộ những khó khăn nhất định, người dân vẫn chưa mặn mà với hình thức khám, chữa bệnh còn nhiều mới mẻ này.
Thành phố Hồ Chí Minh là một trong tám địa phương thí điểm phát triển mô hình bác sĩ gia đình (BSGĐ). Tại đây phát triển ba loại hình chính: phòng khám BSGĐ tại trung tâm y tế xã, phường; phòng khám BSGĐ tại bệnh viện và phòng khám BSGĐ thuộc phòng khám đa khoa tư nhân. Hiện 20 trong tổng số 23 bệnh viện quận, huyện đã thành lập phòng khám BSGĐ thuộc khoa Khám bệnh với cơ cấu từ một đến bốn bàn khám do bác sĩ được đào tạo chuyên về y học gia đình phụ trách; 136/319 trạm y tế phường, xã thành lập một phòng khám BSGĐ với cơ cấu một bàn khám. Thời gian qua, các phòng khám BSGĐ đã khám, chữa bệnh, sơ cấp cứu cho hơn 439 nghìn lượt khám, chữa bệnh; thực hiện 1.652 ca thủ thuật, hơn 33 nghìn ca xét nghiệm; 408 ca khám bệnh tại nhà. Các phòng khám BSGĐ đã quản lý sức khỏe toàn diện cho cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng; quản lý sức khỏe được hơn 44 nghìn người. Nổi bật là Phòng khám BSGĐ thuộc Phòng khám đa khoa tư nhân Thành Công. Phòng khám này có ba trong năm bác sĩ được đào tạo về BSGĐ; hiện đang quản lý 375 bệnh án có hồ sơ cá nhân và bệnh án điện tử có kết nối với Phòng khám BSGĐ thuộc Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh.
Trên địa bàn Hà Nội, hiện cũng đã có 76 phòng khám BSGĐ, trong đó có 67 phòng khám BSGĐ tại trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực của các trung tâm y tế; sáu phòng khám tại một số bệnh viện và chỉ có ba phòng khám BSGĐ ngoài công lập. Các phòng khám đi vào hoạt động đã bước đầu thu hút người bệnh đến khám và điều trị. Tiêu biểu như Trung tâm y tế huyện Sóc Sơn (Hà Nội) hiện có bốn phòng khám BSGĐ với bảy bác sĩ chuyên khoa cấp một về y học gia đình và 16 bác sĩ được đào tạo ngắn hạn về BSGĐ. Đến nay, các phòng khám này đã quản lý được 1.400 bệnh nhân theo bệnh án Y học gia đình. Đáng chú ý, trung tâm đã ký hợp đồng với những bệnh viện chuyên khoa đầu ngành của Hà Nội để khi có người bệnh nặng, vượt quá khả năng điều trị sẽ được chuyển thẳng tới các bệnh viện này…
Sau hai năm thực hiện thí điểm mô hình phòng khám BSGĐ đã bộc lộ một số khó khăn cần tháo gỡ. Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Hưng chia sẻ, khó khăn hiện nay chủ yếu tập trung tại phòng khám BSGĐ của các trạm y tế xã, phường do năng lực khám, chữa bệnh chưa phù hợp với yêu cầu của mô hình phòng khám BSGĐ; danh mục thuốc bảo hiểm y tế còn hạn chế; chưa thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán cận lâm sàng cơ bản như siêu âm tổng quát, đo điện tim, X quang… Bên cạnh đó, các trạm y tế không đủ nhân sự phục vụ công tác tại phòng khám BSGĐ do tập trung vào công tác phòng dịch, tiêm chủng, các chương trình sức khỏe trong khi chưa lồng ghép được các hoạt động. Trong khi đó, người dân chưa hiểu và thật sự tin vào BSGĐ. Ngoài ra, nguồn nhân lực có chuyên môn về y học gia đình còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu; chưa có mẫu hồ sơ bệnh án phù hợp với mô hình và phần mềm quản lý thông tin người bệnh…
Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Cầu Giấy Nguyễn Thị Thanh Hòa cho rằng, khó khăn hiện nay trong hoạt động của Phòng khám BSGĐ là người dân chưa hiểu hết về lợi ích của mô hình này, cho nên không mặn mà tham gia đăng ký quản lý sức khỏe. Khi người bệnh chuyển tuyến thì hầu như phòng khám không nhận được phản hồi của tuyến trên để tăng thêm hiệu quả quản lý và điều trị… Giám đốc Trung tâm y tế huyện Sóc Sơn Phạm Quang Hải chia sẻ khó khăn thiếu kinh phí để hoạt động cũng như để đào tạo chuyên khoa BSGĐ; chưa có chế độ đãi ngộ cho các BSGĐ…
Trên cơ sở thực tế hoạt động, ngành y tế các địa phương đã đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm đưa hoạt động của mô hình BSGĐ về đúng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ trong hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Theo đó cần xác định phòng khám BSGĐ như là một trong các cơ sở đầu tiên tiếp nhận người bệnh trong hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tham gia sàng lọc, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh và chuyển người bệnh đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên. Cần thống nhất cơ chế phối hợp với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để bảo đảm hoạt động hiệu quả trong quản lý sức khỏe, khám bệnh chữa bệnh cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng… Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Văn Dung cho rằng, để thu hút và phát triển mô hình phòng khám BSGĐ ngoài công lập cần phải có cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế thuận tiện; giá dịch vụ phải được tính đúng, tính đủ như chi phí tư vấn, chi phí đến trực tiếp gia đình người bệnh; cơ chế chuyển tuyến phải thuận lợi và hiệu quả…
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Trần Quý Tường, mô hình BSGĐ đang ở giai đoạn thí điểm thực hiện nên không thể tránh khỏi những khó khăn. Bộ Y tế sẽ tổng hợp những ý kiến của các địa phương thực hiện thí điểm mô hình này để có những điều chỉnh hợp lý nhằm đưa mô hình BSGĐ đến gần với người dân hơn. TS Trần Quý Tường cũng đề nghị các địa phương có những chương trình, chính sách kêu gọi sự tham gia phát triển phòng khám BSGĐ thuộc khối tư nhân; xây dựng cơ chế tài chính hợp lý để thu hút người dân và cán bộ y tế tham gia…
Hoàng Hảo