Thứ Sáu, 4/10/2024
Đời sống
Thứ Ba, 22/3/2011 20:59'(GMT+7)

Đưa Nghị quyết Đại hội XI của Đảng vào cuộc sống: Hòa Bình bảo đảm an ninh lương thực để phát triển cây con hàng hóa

 Đất trồng cây lương thực có hạt của Hòa Bình quá eo hẹp, lại xấu do đồi dốc, bậc thang, bị rửa trôi đất màu; hàng năm lại mất nhiều diện tích đất bằng cho đô thị hóa, xây dựng các khu công nghiệp, cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi... Hàng năm, tỉnh gieo trồng được 75.000 ha cây lương thực có hạt, trong đó lúa ruộng có hơn 39.600 ha. Tỉnh chủ trương phát triển bền vững cây lương thực có hạt để bảo đảm an ninh lương thực, thay đổi tập quán sản xuất tự cung tự cấp trước đây. Tỉnh ưu tiên dành thời gian, đất đai, cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển những cây, con hàng hóa thế mạnh và tiêu thụ thuận lợi; phấn đấu đưa tổng sản lượng cây lương thực có hạt lên 360.000 tấn năm 2015, bình quân lương thực đầu người lên 412 kg.

Để đạt được mục tiêu đó, Hòa Bình đề ra các giải pháp quan trọng, trong đó tập trung nguồn lực phát triển, thâm canh hai loại cây chủ lực là lúa và ngô. Tỉnh đổi mới việc quản lý, khai thác hợp lý, hiệu quả nguồn nước sông Đà, sông Bôi, sông Bưởi, sông Bùi; 521 hồ chứa thủy lợi vừa và nhỏ để đảm bảo nguồn nước tưới cho khoảng 40.000 ha lúa, hơn 30.000 ha ngô, góp phần mở rộng khoảng 1.500 đất lúa. Với các giải pháp quản lý, khai thác phù hợp và hiệu quả, nguồn nước dồi dào này có khả năng đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân địa phương trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Tỉnh đổi mới tư duy và cách làm của hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa, trước tiên là hệ thống sản xuất giống, cây con, bảo đảm có những đột biến trong tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Trên địa bàn toàn tỉnh đã phát triển mạng lưới cơ sở sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, góp phần quan trọng vào hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp. Ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương, cơ quan nghiên cứu ứng dụng công nghệ hiện đại, khảo nghiệm và đưa vào sản xuất nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường. Hàng năm các doanh nghiệp, trung tâm, trại giống trên địa bàn cung ứng cho bà con các dân tộc 30 - 50 tấn lúa lai, 50 - 60 tấn lúa thuần, 20 - 30 tấn ngô lai. Năng suất lúa và ngô của tỉnh không ngừng tăng, đạt tương đương với các địa phương vùng đồng bằng khác; phấn đấu đạt năng suất lúa 51,9 tạ/ha vào năm 2015, ngô đạt 41,8 tạ/ha.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, sau khi tự túc được lương thực, Hòa Bình tập trung đầu tư thích đáng, quy hoạch sản xuất những con, những cây mà thị trường cần, xóa bỏ dần tư duy sản xuất tự cung tự cấp, đẩy nhanh quá trình sản xuất cây con hàng hóa. Trong chăn nuôi, tỉnh khai thác hiệu quả thế mạnh của địa phương miền núi, phát triển đàn trâu, bò, dê, hươu, nai, nhím. Đàn bò phát triển nhanh và đa dạng từ bò thịt, bò sữa đến bò giống, bê thịt…, đạt 77.000 con năm 2010 và tăng lên 130.000 con vào năm 2015, cao nhất từ trước tới nay. Hòa Bình cũng đầu tư phát triển đàn dê, đàn nhím, đàn ong, đàn lợn cắp nách, vừa khai thác hiệu quả thế mạnh của vùng núi, vừa thu hút lao động dôi dư, lao động thời vụ, góp phần xóa đói giảm nghèo. Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, tuy mới đưa vào chăn nuôi đại trà nhưng đàn dê của Hòa Bình phát triển khá nhanh về đầu con và chất lượng sản phẩm, có khả năng đạt hơn 40.000 con vào năm 2015. Hàng năm, Hòa Bình cung cấp cho ngành du lịch, các khách sạn và thị trường Hà Nội hàng ngàn con nuôi các loại với chất lượng tốt, góp phần đưa sản lượng thịt hơi của toàn tỉnh từ 33.000 tấn năm 2010 lên gần 50.000 tấn năm 2015./.


Nguyễn Quốc Trị

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất