Thứ Tư, 27/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Ba, 13/9/2011 16:18'(GMT+7)

Đưa nhanh thành tựu khoa học kỹ thuật vào thực tiễn

* Hội đồng nghiệm thu kết quả đề tài nghiên cứu khoa học tỉnh Vĩnh Long vừa tổ chức nghiệm thu đề tài: “Điều chế và đánh giá hiệu quả của pheromone giới tính đối với sùng khoai lang, Cylas formicarius Fabricius” hướng tới việc xây dựng quy trình tổng hợp điều chế mồi pheromone giới tính của sùng khoai lang (Cylas formicarius), đánh giá khả năng hấp dẫn và khả năng phòng trị sùng khoai lang ở điều kiện ngoài đồng ruộng; xây dựng quy trình điều chế mồi pheromone và áp dụng ngoài đồng ruộng trên các vùng chuyên canh khoai lang thuộc 2 huyện Bình Minh và Bình Tân (Vĩnh Long).

Đề tài do TS Lê Văn Vàng - Bộ môn bảo vệ thực vật, khoa nông nghiệp & sinh học ứng dụng trường Đại học Cần Thơ làm chủ nhiệm. Qua điều tra và khảo sát ngoài đồng, nhóm nghiên cứu đã phân lọc, điều chế 1.500 mồi pheromone giới tính của sùng khoai lang và bố trí đặt bẫy thực nghiệm trên 3 đồng ruộng với 3 nghiệm thức khác nhau để đánh giá tính hiệu quả của bẫy pheromone đối với sùng khoai lang trên đồng ruộng. Tất cả số bẫy đặt đều có tác dụng dẫn dụ côn trùng vào và chết với số lượng từ 30 – 70 con/bẫy. Ước tính, cứ 1000m2 (1công) khoai lang khi thực hiện đặt bẫy chỉ tốn 60 ngàn đồng, đặt một lần là sử dụng cho cả vụ, diệt được khoảng 70% loại côn trùng gây sùng khoai lang.

Việc điều chế và áp dụng chất dẫn dụ pheromone giới tính có hiệu quả trong việc diệt trừ sùng trên cây khoai lang sẽ giúp hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu độc hại với khoai lang nói riêng và rau củ quả nói chung, nông dân sử dụng dễ dàng, hướng tới phát triển việc sản xuất an toàn, bền vững, thân thiện với môi trường. Đề tài sẽ được mở rộng nghiên cứu, nhân rộng mô hình, đưa vào sản xuất đại trà sản phẩm chất dẫn dụ pheromone giới tính sùng khoai lang đưa ra thị trường để nhân rộng quy trình giúp nông dân có biện pháp phòng, trị hiệu quả cao.

* Sở Công thương Nghệ An đã xây dựng kế hoạch phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015. Trước mắt, ngành Công thương Nghệ An đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền về thương mại điện tử, nhất là giới thiệu các ứng dụng của thương mại điện tử trong hoạt động mua sắm trên mạng và thanh toán điện tử, đồng thời tăng cường các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng. Ngành tổ chức đào tạo, tập huấn cho đội ngũ công chức và nhân viên doanh nghiệp về quản lý nhà nước cũng như kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử. Bên cạnh đó, tỉnh khuyến khích và tạo điều kiện cho các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp triển khai dự án phát triển thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến.

Hiện nay, trên địa bàn Nghệ An đã có một số doanh nghiệp sớm nắm bắt xu thế, hiểu được tầm quan trọng của kinh doanh trực tuyến, xây dựng trang Web riêng, để giới thiệu và quảng bá sản phẩm như: http://unimexna.vn; http://www.ximanghoangmai.vn; http://hongha.asia; http://Dinhnhansteel.com.vn; http://halotexco.com.vn...Việc xây dựng và vận hành website của các doanh nghiệp đã góp phần đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, quảng bá doanh nghiệp và sản phẩm đến thị trường trong và ngoài nước, hiệu quả thu được từ ứng dụng thương mại điện tử của các doanh nghiệp có xu hướng tăng. Điều này cho thấy ngày càng nhiều đối tượng nhận thức được những lợi ích cũng như nhu cầu cần thiết trong việc ứng dụng, phát triển lĩnh vực thương mại điện tử trong hoạt động của đơn vị mình.

* Trong hai năm 2011-2012, tỉnh Quảng Trị triển khai thí điểm dự án Xây dựng mô hình cung cấp thông tin khoa học công nghệ về nông thôn, miền núi trên địa bàn 20 xã đặc trưng cho các vùng gò đồi, ven biển, miền núi và đồng bằng tỉnh Quảng Trị.

Dự án được thực hiện nhằm phổ biến tri thức khoa học, chuyển giao công nghệ vào địa bàn nông thôn đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định và cải thiện đời sống của người nông thôn. Trong năm 2011, dự án được triển khai giai đoạn 1 tại các xã, phường, gồm Tân Liên (huyện Hướng Hóa), Trung Hải (huyện Gio Linh), Triệu Sơn và Triệu Phước (huyện Triệu Phong), Hải Ba (huyện Hải Lăng), Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Linh), Hải Lệ (thị xã Quảng Trị), phường Đông Giang (thành phố Đông Hà).

Dự án được giao cho Trung tâm Tin học - Thông tin khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Trị thực hiện. Trung tâm sẽ hỗ trợ các xã máy tính kết nối Internet và kết nối với thư viện điện tử tỉnh Quảng Trị, ti-vi, đầu đĩa, máy photocopy, bàn ghế, tủ,… để xây dựng một điểm thông tin khoa học công nghệ và thường xuyên chuyển giao các cơ sở dữ liệu về khoa học công nghệ ứng dụng vào sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thương mại cho các xã được kết nối. Nguồn thông tin khoa học công nghệ được khai thác từ kênh này sẽ được ứng dụng vào sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định và cải thiện đời sống của người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị phát triển.

Giai đoạn 2 của dự án sẽ triển khai thực hiện trong năm 2012 tại 12 xã khác. Sau khi dự án thí điểm thành công sẽ nhân rộng ra trên địa bàn 141 xã trong toàn tỉnh./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất