Thứ Tư, 25/9/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Tư, 17/8/2011 21:34'(GMT+7)

Nhà khoa học hết lòng vì nông dân

Tiến sĩ Phạm S kiểm tra vườn rau của nông dân Đà Lạt.

Tiến sĩ Phạm S kiểm tra vườn rau của nông dân Đà Lạt.

Thấu hiểu để vì dân

Phạm S mở đầu câu chuyện: "Là một cán bộ nghiên cứu khoa học, quản lý trưởng thành từ thực tiễn, tôi rất thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nông dân. Tôi thường xuyên đi cơ sở, sẵn sàng tư vấn, hướng dẫn bà con một cách tận tình; gần gũi, chia sẻ và nắm bắt những bức xúc của họ". Trong quá trình công tác, Phạm S đã tự nhận thức, học tập và làm theo tấm gương Bác với nội dung hết sức cụ thể, đó là: "Tận tụy với công việc, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân". Anh cho rằng, học ở Bác không phải học những gì cao siêu mà học và làm từ những gì gần gũi quanh mình, trong công việc, chức trách của mình. Bởi vậy, dù ở cương vị nào, Phạm S cũng luôn đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học và hình thành các ý tưởng phục vụ sản xuất và đời sống nông dân. Một thành công xuất phát từ thực tiễn mà anh rất tâm đắc, trên 50 năm qua người trồng bơ ở Lâm Ðồng chỉ trồng hạt, giá trị thu nhập thấp, từ năm 2002 Phạm S có ý tưởng nhân giống bơ vô tính bằng kỹ thuật ghép trên cơ sở chọn cây giống đầu dòng tốt. Sáng kiến này của anh hiện đã và đang áp dụng rộng rãi giúp cho các vườn bơ đồng đều về năng suất và chất lượng, cây trồng sau ba năm đã cho trái. Bơ Lâm Ðồng là cây đặc sản có giá trị cao, hiện nay có thể cho thu nhập bình quân 145 triệu đồng/ha/năm, nhiều nông dân trước đây không tha thiết với cây bơ nay do ứng dụng KHCN, cây bơ mang lại hiệu quả giúp cho nhiều hộ mở rộng diện tích và làm giàu từ cây bơ.

Ba huyện phía nam Lâm Ðồng thuận lợi cho việc trồng cây ăn quả, song nhiều năm qua, chất lượng thấp, vườn tạp là chủ yếu, Phạm S và các đồng nghiệp đã tiến hành nghiên cứu cải tạo vườn cây ăn quả ở vùng này. Kết quả của chương trình nghiên cứu trở thành chủ trương phát triển cây ăn quả và chính sách hỗ trợ giống của tỉnh, giúp cho nông dân vùng phía nam phát triển cây ăn quả hàng hóa theo xu thế bền vững. Cây mác mác là một trong những cây ăn quả phát triển mạnh trong những năm gần đây nhưng bị hai yếu tố giới hạn liên quan đến năng suất và giá thành đầu tư trồng mới, anh đã có sáng kiến và đề nghị các cơ quan chuyên môn và nông dân áp dụng, góp phần cho sản xuất ổn định. Cụ thể, hầu như 100% bà con nông dân và doanh nghiệp phải mua giống Ðài Loan với giá 35.000 đồng/cây, nhưng nếu áp dụng kỹ thuật ghép trên cơ sở sử dụng gốc ghép từ cây mác mác dại, ngọn ghép lấy từ giống Ðài Loan thì cây có khả năng chống chịu bệnh tốt, năng suất và chất lượng không kém gì cây giống nhập ngoại, nhưng giá thành thấp hơn nhiều. Hiện ý tưởng này được Trung tâm nghiên cứu cây Công nghiệp và Cây ăn quả áp dụng nhân giống phục vụ sản xuất.

Là người công tác nhiều năm trong ngành chè, Phạm S rất thấm thía nỗi vất vả của nông dân khi hái chè vào mùa mưa, song giá chè lại thấp, bán rất khó. Từ thực tế đó, anh nảy sinh ý tưởng phải đưa cơ giới hóa vào khâu hái chè. Do tính hiệu quả của nó, dự án đã được Bộ KH và CN chấp thuận cho triển khai tại huyện Bảo Lâm. Người nông dân trồng lúa ở Cát Tiên cũng gặp khó khăn do thương hiệu lúa chưa có, vấn đề này được lãnh đạo huyện quan tâm nhiều năm nhưng chưa biết làm cách nào, thuê tư vấn thì họ đòi giá cao. Với kiến thức và kinh nghiệm của mình, Phạm S đã trực tiếp cùng lãnh đạo Cát Tiên trao đổi cách thức hoàn thiện hồ sơ đăng ký đầy đủ theo quy trình và đến nay đã được Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam chấp nhận, đây là tín hiệu vui cho lãnh đạo và nông dân huyện Cát Tiên trong quá trình sản xuất hàng hóa.

Khát khao làm chủ khoa học

Sau khi Việt Nam tham gia tổ chức WTO, để hoàn thành nhiệm vụ của mình, Phạm S đã dành thời gian tham gia học các khóa ngắn hạn do các tổ chức quốc tế đào tạo. Từ đó, Tổ chức Thương mại Ðức cấp cho anh giấy chứng nhận đánh giá về GLOBALGAP; tổ chức FAO cấp giấy chứng nhận về kiểm soát an toàn thực phẩm; Bộ Nông nghiệp Úc cấp giấy chứng nhận về quản lý nông sản an toàn và nhiều giấy chứng nhận của các tổ chức khác. Tiếp cận những kiến thức mới, anh đã trực tiếp đào tạo cho trên 1.500 lượt người là nông dân, doanh nghiệp và cán bộ quản lý cấp huyện. Bên cạnh đó, dù bận rộn với công tác quản lý, nhưng TS Phạm S vẫn trực tiếp tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học và luôn có sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm khai thác tối ưu lợi thế so sánh của Lâm Ðồng. Ðến nay anh đã công bố 50 công trình khoa học, bài báo, bài viết tham gia các hội thảo khoa học trong và ngoài nước; là tác giả sáu cuốn sách và một giáo trình Ðại học, đã được Tổng Liên đoàn LÐVN tặng bảy bằng lao động sáng tạo và được Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam cấp quyền tác giả một thương hiệu, một bằng độc quyền giải pháp hữu ích, giải nhì giải thưởng Khoa học công nghệ cấp Nhà nước. Anh cũng luôn cố gắng dành thời gian hợp lý để cùng lúc hướng dẫn sáu học viên cao học và một nghiên cứu sinh, góp phần đào tạo thế hệ trẻ, cũng như nguồn nhân lực cho tỉnh Lâm Ðồng.

Trong thời gian công tác tại Sở NN và PTNT, TS Phạm S trực tiếp phụ trách chương trình Nông nghiệp Công nghệ cao, bản thân anh đảm trách việc phân tích và dự báo về kỹ thuật và thị trường, tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh các chủ trương, chính sách góp phần đưa chương trình Nông nghiệp Công nghệ cao ở Lâm Ðồng luôn đứng đầu cả nước. Thường xuyên có ý tưởng chỉ đạo sản xuất khai thác tiềm năng năng suất cây trồng, vật nuôi, anh đã góp phần đưa doanh thu trên diện tích của Lâm Ðồng năm 2010 đạt 76 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 2,3 lần bình quân cả nước.

"Ấn tượng sâu sắc nhất trong cuộc đời công tác của tôi là năm 2009 - TS Phạm S tâm sự - do công tác hợp tác quốc tế của Sở NN và PTNT thực hiện khá tốt, Sở là một trong số ít cơ quan chuyên môn cấp tỉnh trong cả nước có thu hút nguồn vốn ODA khá nhiều. Giám đốc Sở đã phân công tôi trực tiếp tham gia đàm phán và điều hành quản lý các dự án quốc tế. Ðến tháng 9-2009, tôi trực tiếp kiêm giám đốc sáu dự án quốc tế đã và đang bắt đầu hoạt động, trong đó dự án phát triển ca-cao nông hộ bền vững ở ba huyện phía nam do tổ chức ACDIVOCA tài trợ được Tổng giám đốc tổ chức đánh giá là dự án nhanh nhất thế giới trong các chương trình của tổ chức này".

Với trách nhiệm là GÐ Sở KH-CN, TS Phạm S đang tiếp tục đầu tư các giải pháp nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ phục vụ kinh tế xã hội Lâm Ðồng. Do đặc thù Lâm Ðồng là tỉnh xuất khẩu nông sản, Sở đang triển khai ý tưởng xây dựng đề án thành lập Trung tâm chiếu xạ tại khu công nghiệp Lộc Sơn (Bảo Lộc) để phục vụ không chỉ ở Lâm Ðồng mà còn cho các tỉnh lân cận. Thực hiện chiến lược đầu tư chiều sâu KHCN, anh và tập thể lãnh đạo Sở Xây dựng, hiện đã được Bộ Khoa học và Công nghệ ủng hộ chủ trương, cho Lâm Ðồng xây dựng đề án Trung tâm xuất sắc về công nghệ sinh học và nông nghiệp công nghệ cao. Hy vọng, khi Trung tâm xuất sắc hình thành trong thời gian tới góp phần đưa khoa học công nghệ phục vụ kinh tế xã hội Lâm Ðồng ngày càng phát triển nhanh và bền vững...

Những thành quả của TS Phạm S đã được ghi nhận xứng đáng. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã trao tặng cá nhân anh bảy bằng Lao động sáng tạo.

Tháng 6-2003, anh là đại biểu của tỉnh Lâm Ðồng tham gia Ðại hội thi đua yêu nước toàn quốc; được Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tặng Kỷ niệm chương về phong trào thi đua yêu nước và Huy hiệu Hồ Chí Minh. Phạm S nói: Trong mỗi bằng Lao động sáng tạo ghi nhận những kết quả lao động của tôi đều có lời dạy của Bác: "Sáng kiến và kinh nghiệm là của quý chung của dân tộc... Không biết quý trọng sáng kiến và kinh nghiệm tức là lãng phí của dân tộc"...

Theo Nhân dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất