Đã thành thói quen, nhiều năm nay, tôi bắt đầu công việc của một ngày bằng việc đọc báo. Hồi trước, có khi đọc báo chỉ để tiếp nhận thông tin thuần túy. Nhưng từ khi làm ĐBQH, tôi dành thời gian nhiều hơn cho những bài báo viết về Quốc hội, HĐND, những bài báo viết về những vấn đề nổi cộm trong xã hội vừa để lấy thông tin vừa là nguồn tư liệu để nghiên cứu, phục vụ cho hoạt động đại biểu của mình.
Đại biểu gắn bó với báo chí để nghe được tiếng nói của người dân phản ánh qua báo chí nhưng cũng là để chuyển tải được tiếng nói, trách nhiệm của mình, của QH đến người dân.
Gần đây, để tránh sự hiểu nhầm người ta không nói báo chí là cơ quan quyền lực thứ tư nữa. Nhưng quả thực quyền lực của báo chí là rất lớn. Tưởng như đó là quyền lực vô hình nhưng lại tác động trực tiếp đến tâm tư, tình cảm, tác động đến nhận thức của người đọc và định hướng cho dư luận xã hội, thậm chí báo chí định hướng cả hành vi của mỗi người. Báo chí có sức lan tỏa hết sức mạnh mẽ. Một ĐBQH phát biểu trên nghị trường, chỉ có gần 500 đại biểu khác lắng nghe, nhưng với sự vào cuộc của báo chí, ngày hôm sau, ý kiến của ĐBQH đó đã đến với cả chục triệu người dân. Với báo điện tử, truyền hình, phát thanh thì thậm chí, chỉ vài giờ sau khi đại biểu phát biểu, ý kiến đó đã được truyền tải tới hàng triệu người dân. Chính vì thế, ĐBQH nói riêng, người đại biểu dân cử nói chung đại diện cho tiếng nói của cử tri càng cần quan tâm đến hoạt động của báo chí. Tôi là Ủy viên thường trực của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng – lĩnh vực hoạt động của Ủy ban rất lớn. Khi tiếp xúc với báo chí, tôi cũng tranh thủ giải thích các chính sách, pháp luật trong lĩnh vực hoạt động của Ủy ban mà có thể, vì nhiều lý do khác nhau chưa được dư luận hiểu đúng.
Cũng phải nói thêm là một số người làm báo còn hiện tượng chạy theo thông tin, chạy theo dư luận, chưa nắm chính xác các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng đã gây những bức xúc không đáng có. Vì sức mạnh của báo chí rất lớn nên yêu cầu đặt ra đối với các nhà báo, các cơ quan báo chí rất lớn. Trước hết, thông tin trên báo chí đòi hỏi phải trung thực, khách quan. Nếu thông tin báo chí không trung thực, không khách quan sẽ tác động không tích cực đối với nhận thức của người dân và thậm chí, gây ra những phản ứng đáng tiếc. Báo chí cần nhạy bén nhưng phải có tâm, có tầm. Người làm báo cần giữ cho mắt sáng, lòng trong và bút sắc. Đây cũng là đòi hỏi của cuộc sống đối với những người làm báo, là đích đến của mỗi nhà báo, mỗi cơ quan báo chí. Hơn ai hết, những người làm báo cần bảo đảm tính nhân văn trong mỗi tác phẩm của mình. Viết về những vấn đề phức tạp, nhạy cảm càng cần nhà báo phải có tâm, có tầm, phải nhân văn. Sự gai góc và tính chiến đấu của báo chí là ở vấn đề chứ không nên chỉ ở câu chữ. Dùng những chữ thật kêu, những hình ảnh thật ấn tượng trong mỗi bài báo cũng cần thiết nhưng cần có giới hạn, đừng để trở thành chụp giật, chạy theo thị hiếu thường tình...
Ở góc độ nào đó, báo chí chính là hơi thở cuộc sống. Vì thế, tôi chưa bao giờ từ chối trả lời những vấn đề mà báo chí quan tâm, thậm chí có những vấn đề cần sự tiếp sức của báo chí để tư duy, ý kiến của mình có thể đến được với đông đảo cử tri tôi đều chủ động tiếp xúc với báo chí. Cửa phòng làm việc của tôi luôn rộng mở với báo chí. Tôi cũng không ngại báo chí đặt câu hỏi về những vấn đề mang tính nhạy cảm, chỉ từ chối trả lời những thông tin mà tôi chưa biết rõ hoặc là vấn đề thuộc về bí mật quốc gia. Tôi biết, một số đại biểu chưa cởi mở lắm với báo chí, hoặc có trả lời báo chí nhưng không thực sự thoải mái lắm vì bản thân họ chưa có thói quen tiếp xúc với báo chí. Cũng có đại biểu ngại báo chí vì đã gặp tai nạn với báo chí, bị trích dẫn sai ý kiến hoặc trích dẫn không đầy đủ khiến họ bị hiểu nhầm, gây bất lợi cho hoạt động của họ. Tôi nghĩ, các nhà báo khi tiếp xúc với đại biểu, xử lý các thông tin mà đại biểu cung cấp cần bảo đảm tuyệt đối tính trung thực, khách quan. Đại biểu cũng nên cởi mởi hơn với báo chí, chuẩn bị kỹ thông tin khi trao đổi với báo chí và có thể yêu cầu phóng viên cho xem lại bài báo để bảo đảm quan điểm của mình đã được chuyển tải trung thực và khách quan.
Thời gian gần đây, thông tin về QH được chuyển tải qua các phương tiện truyền thông đại chúng phong phú hơn, đa dạng hơn và có chiều sâu hơn nhưng hình như một số phóng viên cũng chưa hiểu rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền lực của QH nên khi thông tin về các hoạt động của QH tôi thấy cũng chưa chuẩn xác lắm. Và hình như các cơ quan báo chí cũng chỉ rộ lên đưa tin về QH mỗi khi QH hoặc UBTVQH họp chứ thông tin về các hoạt động của QH giữa hai Kỳ họp còn nhạt nhòa. Giữa hai Kỳ họp của QH, các Ủy ban của QH, các Đoàn ĐBQH và các ĐBQH chuyên trách làm việc liên tục. Công việc hậu trường các Ủy ban rất thú vị nhưng báo chí chưa chú ý khai thác nên nhiều khi người dân cũng chưa hiểu rõ là chính sách đó đã được xử lý như thế nào ở hậu trường QH. Có khi thấy, QH làm việc có phần hình thức vì một dự án Luật rất đồ sộ trình QH, chỉ được thảo luận có vài ngày là thông qua mà chưa thấy các quy định của dự luật đã được nghiên cứu, xử lý nghiêm túc, kỹ lưỡng ở hậu trường. Tại các Kỳ họp, báo chí cũng mới tập trung vào các nội dung nóng như chất vấn, thảo luận về KT-XH...
Tôi muốn dành những dòng cuối của bài viết ngắn này để cám ơn các nhà báo của Báo Đại biểu nhân dân. Không phải vì tôi ưu ái báo nhà mà quả thực, với tư cách là một người đọc, một ĐBQH tôi thấy, các bạn đã làm được một việc rất quan trọng. Những bài viết của các bạn cho thấy, các bạn rất tâm huyết, rất say đắm với sự nghiệp của cơ quan dân cử. Thậm chí có lúc, các bạn đã làm cho ngọn lửa nhiệt huyết trong chúng tôi bừng cháy, tạo ra những cú hích để chúng tôi làm tốt nhiệm vụ của mình. Các bạn nhiệt thành cổ vũ cho tinh thần đổi mới, dấn thân của QH và làm cho những khái niệm kinh viện về QH trở nên gần gũi hơn với người dân. Với việc chuyển tải những trăn trở của ĐBQH đến người dân, các bạn đã đem đến một góc nhìn khác về các ĐBQH và QH, đời thường hơn nhưng cũng trách nhiệm hơn. Điều này góp phần làm cho cử tri hiểu rõ và tin tưởng hơn vào các quyết đáp của QH. Tôi cũng mong Báo ĐBND tăng lượng phát hành nhiều hơn để Tiếng nói của QH đến được với đông đảo người dân hơn nữa. Và chúc các bạn sẽ luôn giữ được nhiệt huyết và niềm say mê với nghề làm báo của cơ quan dân cử, luôn giữ cho mắt sáng, lòng trong, bút sắc để tiếng nói của cơ quan quyền lực nhà nước đến với nhân dân trọn vẹn hơn./.
Lê Như Tiến
UV Thường trực UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh-Thiếu niên và Nhi đồng
(Nguồn: Báo ĐBND)