Thứ Ba, 24/9/2024
Diễn đàn
Chủ Nhật, 19/6/2011 15:28'(GMT+7)

Bản lĩnh của người đại biểu nhân dân

Các đại biểu của dân phải làm gì để đáp ứng kỳ vọng của cử tri - người dân. Ảnh: HOÀNG LONG.

Các đại biểu của dân phải làm gì để đáp ứng kỳ vọng của cử tri - người dân. Ảnh: HOÀNG LONG.

Do vậy, cần có những thông tin minh bạch, công khai và đầy đủ về nhân sự để các đại biểu Quốc hội có cơ sở lựa chọn những người ưu tú nhất của đất nước vào bộ máy nhà nước. Tương tự, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 cũng có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng như vậy đối với địa phương mình. Với cử tri cả nước, sau thắng lợi to lớn của cuộc bầu cử ngày 22-5-2011 vừa qua, kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá XIII cũng như của HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 chính là cuộc "sát hạch” thực tế và minh bạch nhất ý thức trách nhiệm đại biểu của dân dành cho những người vừa trúng cử đồng thời cũng là cơ hội để các đại biểu của dân khẳng định khả năng hoạt động chính trường của mình trong việc "nói tiếng nói của dân, hành động theo ý chí và nguyện vọng của dân” trong các quyết định lớn lao có ảnh huởng tới vận mệnh của đất nước, của địa phương.

Người dân cả nước đã khắc phục mọi khó khăn, chấp nhận những thiệt thòi riêng tư để dành nhiều thời gian, tâm sức cho sự thành công của cuộc bầu cử mang tính lịch sử kể từ sau năm 1946, chọn ra những đại biểu đủ tài đức và gửi gắm cho họ rất nhiều kỳ vọng với mong muốn nhanh chóng đưa đất nước vươn tới giàu mạnh, sánh vai các cường quốc năm châu. Trong suốt quá trình bầu cử, hầu hết ý kiến cử tri đều hy vọng các đại biểu nhân dân phải thực sự là những người ngoài việc đủ tài đủ đức gánh vác chuyện quốc gia đại sự còn phải là những người gần dân, hiểu dân, dũng cảm nói tiếng nói của dân và hành động vì lợi ích của dân. Trong thực tế, các đại biểu trúng cử đều được nhân dân gửi gắm nhiều kỳ vọng, thế nhưng không ít người sau đó đã "mất hút” không còn nghe, không còn thấy họ trong các hoạt động nghị trường và rất khó khăn để cử tri có thể tiếp xúc, đề đạt tâm tư, nguyện vọng với chính người đại biểu mà cử tri đã dành lá phiếu tin cậy cho họ. Kỳ họp đầu tiên mang ý nghĩa chính trị hết sức quan trọng, do vậy cử tri cả nước càng mong muốn các đại biểu của dân phải thể hiện ngay vai trò, trách nhiệm và bản lĩnh của mình trong việc xây dựng và kiện toàn hệ thống nhà nước từ trung ương tới địa phương đủ mạnh, đủ năng lực điều hành công việc của đất nước vượt qua giai đoạn nhiều khó khăn và thử thách này.

Hầu hết mọi người Việt Nam đều thấy rõ một trong những vấn nạn kéo lùi sự phát triển và gây nên nhiều hệ lụy tiêu cực cho đất nước là tình trạng tham nhũng đang ngày càng trở nên phổ biến và diễn biến phức tạp trong hệ thống công quyền. Xây dựng một hệ thống nhà nước có khả năng mạnh mẽ trong việc phòng chống và từng bước đẩy lùi vấn nạn tham nhũng là chuyện cần phải được đặt ra ngay trong kỳ họp đầu tiên của các cơ quan dân cử. Nếu như chúng ta đã thành công trong việc bầu cử vào các cơ quan quyền lực của đất nước, của địa phương những người không tham nhũng, không liên quan hay dính líu tới tham nhũng thì nay, chính những đại biểu được nhân dân kỳ vọng cũng cần thực hiện quyền hạn của mình để lựa chọn những người không tham nhũng, có khả năng phòng chống tham nhũng mạnh mẽ vào các cơ quan công quyền. Đại biểu Quốc hội Trương Tấn Sang, đồng thời là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí Thư, khi tiếp xúc cử tri trong cuộc bầu cử vừa qua đã rất thẳng thắn thừa nhận: "Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu thì "chết” cái đất nước này”. Từ ý kiến rất thẳng thắn này, ông Trương Tấn Sang đã cam kết với cử tri "sẽ không loại trừ bất cứ thay đổi nào, rà soát tất cả các khâu; thể chế nào, tổ chức nào, con người nào chưa đáp ứng được mục tiêu đẩy lùi tham nhũng, lãng phí đều phải thay đổi”.

Kiện toàn lại bộ máy nhà nước từ trung ương tới địa phương trong kỳ họp đầu tiên của các cơ quan dân cử chính là một trong những hoạt động quan trọng và then chốt để tạo ra sự thay đổi cơ bản như ông Trương Tấn Sang đã hứa với cử tri. Các đại biểu nhân dân sẽ phải có trách nhiệm thực hiện các cam kết của mình, tôn trọng các lời hứa với dân, thực thi quyền và ý chí của dân trong việc lựa chọn nhân sự cho bộ máy nhà nước nhiệm kỳ mới.

Nhân dân đang trông đợi những người lãnh đạo mới của đất nước có những thay đổi thích hợp với tình hình mới đầy phức tạp và cũng nhiều cơ hội để phát triển. Tiếp tục sự nghiệp đổi mới mang tầm vóc và đòi hỏi của thời đại là nhu cầu tự thân của cả dân tộc trong hoàn cảnh ngày nay. Đó là tiếng gọi thiết tha của sự khát khao phát triển, của khát vọng dân giàu nước mạnh, giữ vững chủ quyền độc lập dân tộc đảm bảo cho sự no ấm và hạnh phúc của toàn dân. Nhưng chất lượng của quá trình đổi mới, hiệu quả của sự thay đổi phần lớn lại phụ thuộc vào tầm tư duy chiến lược, vào cái tâm và bản lĩnh điều hành của bộ máy lãnh đạo đất nước. Để có thể lựa chọn ra những con người đầy đủ các phẩm chất có khả năng cao nhất hoàn thành sứ mạng đổi mới, chấn hưng dân tộc giờ đây một phần lớn đang thuộc về trách nhiệm, bản lĩnh cũng như sự dũng cảm của các đại biểu nhân dân ngay trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá XIII.


Hữu Nguyên/Đại Đoàn kết
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất