Thực tế ở các di tích được bảo tồn tốt, như di tích quốc gia đặc biệt Đô thị cổ Hội An, thành công là có sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Tạo sự đồng thuận trong cộng đồng gắn bó với các di tích mới mong sự hợp tác, giúp sức của người dân để góp phần làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di tích.
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 6) cho 11 di tích. Đây là những di tích có giá trị tiêu biểu của quốc gia, minh chứng cho lịch sử, bề dày văn hiến hàng ngàn năm của dân tộc.
Bên cạnh niềm vui có thêm những di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt, vẫn còn đó băn khoăn về việc làm thế nào để bảo tồn và phát huy giá trị của những di tích này? Muốn phát huy, thiết nghĩ cần phải làm tốt công tác bảo tồn. Trong đời sống hiện đại, con người có nhiều nhu cầu cấp thiết và việc chưa hiểu hết giá trị di tích của người dân, dẫn đến nhiều việc làm xâm hại di tích không còn là chuyện hiếm. Hiện nay, hơn 80% số đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch liên quan đến việc lấn chiếm đất đai các khu di tích. Vì vậy, thực hiện nghiêm các điều luật liên quan đến di sản, bảo vệ tính toàn vẹn của di tích trước sức ép phát triển kinh tế-xã hội cần được chính quyền địa phương lưu tâm. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho người dân hiểu về ý nghĩa, giá trị của các di tích là việc cần làm ngay, nhưng về lâu dài thì phải làm thế nào để người dân được hưởng lợi từ di tích. Thực tế ở các di tích được bảo tồn tốt, như di tích quốc gia đặc biệt Đô thị cổ Hội An, thành công là có sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Tạo sự đồng thuận trong cộng đồng gắn bó với các di tích mới mong sự hợp tác, giúp sức của người dân để góp phần làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di tích.
Giữ gìn, bảo vệ di tích tốt sẽ tạo đà cho phát triển nhiều lĩnh vực của địa phương, nhất là về du lịch. Cho nên, cần sớm có những chương trình quảng bá về giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của các di tích quốc gia đặc biệt vốn có quan hệ mật thiết với giai đoạn lịch sử, truyền thống văn hóa của cả cộng đồng. Chính giá trị tự thân quý báu của mỗi di tích quốc gia đặc biệt sẽ có sức lan tỏa, hấp dẫn đối với những du khách phương xa muốn đến tham quan, tìm hiểu.
Điều quan trọng hơn trong việc phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt là cần đưa các di tích trở thành những địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho người dân, nhất là thế hệ trẻ. Học lịch sử, học văn hóa trên trường lớp chỉ có thể tích lũy những kiến thức cơ bản. Cần tổ chức học lịch sử, học về văn hóa truyền thống thường xuyên hơn thông qua việc đi trải nghiệm, tìm hiểu những giá trị quý báu ở các di tích. Không có gì thú vị và bổ ích hơn khi tham quan di tích, các bạn trẻ được nghe các hướng dẫn viên, thuyết minh viên kể lại những câu chuyện, nhân vật, sự kiện sinh động đã gắn liền với mỗi giai đoạn, mỗi thời điểm lịch sử hào hùng, vẻ vang của đất nước, quê hương mình. Qua những lần tham quan như vậy, chắc chắn sẽ giúp các bạn trẻ hiểu sâu, nhớ lâu hơn về lịch sử, văn hóa của dân tộc; từ đó, càng thêm trân quý những giá trị vô giá mà ông cha ta đã để lại.
Càng hội nhập quốc tế sâu rộng, chúng ta càng cần phải dựa vào truyền thống văn hóa dân tộc. Do đó, gìn giữ và phát huy giá trị các di tích nói chung và di tích quốc gia đặc biệt nói riêng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, chứ không riêng của ngành văn hóa. Có như vậy, những báu vật mà cha ông để lại mới mãi trường tồn và luôn nhắc nhớ thế hệ hôm nay và mai sau coi trọng đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc mình./.
Trần Hoàng Hoàng (QĐND)