Ngày 26/12, Việt Nam và Campuchia tổ chức Lễ khánh thành hai cột mốc 30 và 275 trên biên giới đất liền hai nước với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Hun Sen. Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung đã trả lời phỏng vấn về sự kiện quan trọng này.
- Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa của Lễ khánh thành hai cột mốc số 30 và cột mốc số 275 đối với công tác phân giới cắm mốc biên giới Việt Nam-Campuchia?
Thứ trưởng Lê Hoài Trung: Có thể nói Lễ khánh thành cột mốc số 30 tại cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh-O Yadav, đoạn đường nối hai trạm kiểm soát cửa khẩu Lệ Thanh-O Yadav (và Lễ khánh thành cột mốc số 275 vào buổi chiều cùng ngày) là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quan hệ hai nước Việt Nam-Campuchia vì nó tiếp tục khẳng định tính đúng đắn của công tác phân giới, cắm mốc mà hai nước đã và đang triển khai, thể hiện quyết tâm của Lãnh đạo và nhân dân hai nước trong việc sớm hoàn thành toàn bộ công tác phân giới, cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia; góp xây dựng một đường biên giới chính xác, công bằng dựa trên cơ sở luật pháp của mỗi nước cũng như phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế.
Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh-O Yadav nằm trên Quốc lộ 19 của Việt Nam, nối với Quốc lộ 78 của Campuchia, là một trong những tuyến đường trọng yếu nối các tỉnh Tây Nguyên của Việt Nam với các tỉnh Đông Bắc của Campuchia.
Với việc hoàn thành đoạn đường nối hai Trạm kiểm soát cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh-O Yadav, tuyến đường quan trọng này sẽ được thông suốt, tạo điều kiện cho việc khai thác tiềm năng kinh tế, du lịch cũng như hoạt động thương mại, đầu tư giữa hai nước Việt Nam-Campuchia nói riêng, giữa các nước trong khu vực ASEAN và khu vực Tiểu vùng sông Mekong nói chung.
Lễ khánh thành cột mốc số 30 và đoạn đường nối hai Trạm kiểm soát cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh-O Yadav, cùng với Lễ khánh thành cột mốc số 275 vào chiều 26/12, thể hiện quyết tâm cùng nhau xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững của Lãnh đạo và nhân dân hai nước; tạo thuận lợi cho việc quản lý biên giới, giao lưu, hợp tác, ủng hộ giúp đỡ lẫn nhau trên tất cả các lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch giữa hai tỉnh Gia Lai-Rattanakiri và hai nước Việt Nam-Campuchia.
- Xin Thứ trưởng cho biết những công việc cần tiếp tục triển khai để hoàn tất công tác phân giới cắm mốc biên giới và duy trì đường biên giới Việt Nam-Campuchia hòa bình, ổn định?
Thứ trưởng Lê Hoài Trung: Công tác phân giới, cắm mốc là một công việc song phương, đòi hỏi sự nỗ lực, sự hợp tác tích cực, chân thành và thẳng thắn của cả hai bên; giải quyết các vấn đề biên giới tồn đọng bằng các biện pháp phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế, thông qua thương lượng hòa bình.
Trong thời gian tới, trên cơ sở các Hiệp ước, Hiệp định đã ký gồm: Hiệp ước 1985, Hiệp ước bổ sung 2005 và các Thỏa thuận song phương liên quan, hai bên còn rất nhiều việc phải làm để có thể sớm hoàn thành toàn bộ công tác phân giới, cắm mốc giữa hai nước.
Lực lượng chức năng của hai nước phải tiếp tục nỗ lực và hợp tác chặt chẽ trong việc giải quyết các vấn đề tồn đọng; quản lý tốt tình hình trật tự, trị an biên giới theo đúng quy định của Hiệp định Quy chế biên giới 1983 và Thông cáo báo chí chung 1995, nhằm xây dựng biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia thành một đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển bền vững cho hôm nay và cho các thế hệ mai sau của cả hai nước Việt Nam và Campuchia.
Việc hoàn thành dứt điểm công tác phân giới cắm mốc sẽ giúp cho hai nước giải quyết mọi vấn đề khác liên quan đến biên giới lãnh thổ trên bộ, tạo cơ sở tăng cường hợp tác, thực hiện phương châm "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài" mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã thỏa thuận; góp phần xây dựng đường biên giới Việt Nam-Campuchia thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác cùng phát triển./.
(TTXVN)