Thứ Bảy, 23/11/2024
Diễn đàn
Thứ Bảy, 19/12/2015 22:9'(GMT+7)

Thực chất trong xây dựng nông thôn mới

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Một thực tế mà ngay cả những người khắt khe, khó tính nhất cũng phải thừa nhận: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã làm thay đổi cảnh quan, diện mạo mỗi vùng quê đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Cả nước hiện có 1.298 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 11 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận đạt chuẩn NTM (hội đủ 19/19 tiêu chí). Sự chuyển mình ấy có yếu tố quyết định từ việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân. Hầu hết các xã xây dựng NTM đều có đề án phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa dựa vào lợi thế. Việc tổ chức thực hiện được tiến hành bằng cách xây dựng mô hình và hỗ trợ nhân ra diện rộng. Hiện đang có khoảng 22.500 mô hình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hiệu quả; 556 nghìn héc-ta với 2.500 mô hình hợp tác, liên kết theo mô hình “cánh đồng lớn”. Nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và lâm nghiệp, các tổ, đội sản xuất trong khai thác thủy sản cũng đã được thiết lập... Một số địa phương đã thực hiện “dồn điền, đổi thửa”, thiết kế lại hệ thống giao thông, thủy lợi-chuẩn bị điều kiện thuận lợi cho đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng…

Dẫu vậy, nhìn nhận một cách khách quan, việc xây dựng NTM hiện nay cũng cần tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí theo hướng thực chất hơn. Số xã đạt chuẩn NTM còn chưa nhiều, hiện chỉ chiếm 14,5% tổng số xã cả nước. Ngay cả một số xã gọi là "đạt chuẩn" thì tiêu chí về thu nhập cũng rất bấp bênh, phải "tính gộp" cả nguồn thu mang tính thời vụ, nhất thời, thiếu bền vững của một bộ phận người lao động. Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cũng đã thẳng thắn chỉ ra, một số địa phương chạy theo thành tích, khi đánh giá chất lượng tiêu chí còn dễ dãi, xuê xoa. Nhiều xã mới tập trung cao phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là làm đường giao thông, chưa quan tâm đúng mức đến các nội dung về phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao đời sống, thu nhập người dân.

Trong khi những xã có địa lợi (chủ yếu là ở khu vực đồng bằng, ven đô) nhanh chóng "cán đích", thì không ít xã vùng sâu, vùng xa vẫn loay hoay giải bài toán "xóa đói, giảm nghèo"; chưa xây dựng xong đề án phát triển sản xuất, chưa quy hoạch cây trồng, vật nuôi chủ lực mang tính lâu dài; việc xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao chuyển biến chậm, phát triển sản xuất còn mang tính tự phát dẫn đến sản phẩm làm ra giá trị không cao, thiếu chỗ đứng vững chắc trên thị trường...

Trong giai đoạn 2016-2020, cả nước phấn đấu có 50% số xã đạt chuẩn NTM; mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn NTM và sẽ không còn xã dưới 5 tiêu chí. Mục tiêu này hẳn là không dễ thực hiện nếu đánh giá một cách công tâm, thực chất, khách quan.

Điều mà người dân mong đợi và quan tâm không phải cái danh "xã đạt chuẩn", mà là chất lượng cuộc sống được nâng lên, là sự thụ hưởng tích cực và đích thực sau hành trình dài đằng đẵng xây dựng NTM. Muốn vậy, các địa phương nên coi trọng tính thực chất trong xây dựng NTM, không nhiễm thói hư danh mà đua nhau chạy theo thành tích. Đặc biệt, cần coi trọng việc nâng cao thu nhập, tập trung đẩy nhanh thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp ở mỗi địa phương gắn với phát triển ngành nghề, thu hút đầu tư của doanh nghiệp, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thực hiện phương châm “Mỗi làng một sản phẩm” gắn với xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm, thu hút đầu tư; đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất, bao gồm cả nông nghiệp công nghệ cao...

Cùng với đó, các cơ quan có thẩm quyền cần thực sự công tâm, nghiêm túc trong xem xét, đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn NTM, không nên "linh động", dễ dãi, xuê xoa mà làm ảnh hưởng tới một chương trình mục tiêu quốc gia lớn của đất nước./.

Lê Thiết Hùng (QĐND)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất