Chiến lược và chính sách xuất khẩu lao động của Nhà nước ta cùng với những cố gắng thực hiện của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp trong nhiều chục năm qua ngày càng đạt được những kết quả tốt về nhiều mặt.
Hàng chục vạn lao động từ hầu khắp các địa phương trong nước đã có được công ăn việc làm với thu nhập đáng kể. Cùng đó là sự cải thiện cuộc sống của các gia đình người lao động. Tuy nhiên, ngoài việc có được tay nghề, thu nhập, vốn liếng, các gia đình, quê hương và đất nước còn trông đợi ở những người con đi làm ăn xa xứ sẽ có được thu hoạch về văn hóa, tri thức từ các nền kinh tế, xã hội tiên tiến hoặc có nhiều bước phát triển đi trước để người lao động hoàn thiện hơn, có ích hơn khi trở về. Vậy thì người lao động Việt Nam thu hoạch được những gì ngoài thu nhập về kinh tế trong quá trình làm ăn, sinh sống tại các đất nước gần xa? Thật tiếc và cũng thật khó để có những tổng kết đánh giá rõ ràng, song bên cạnh nhiều điều đáng mừng về thái độ làm việc chăm chỉ, cần cù, tính cần kiệm, cuộc sống, thân phận của họ nơi đất khách quê người là các thông tin, câu chuyện và hình ảnh không vui, không đẹp do chính người lao động gây ra.
Đó là việc không nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp, phong tục của nước sở tại cùng các hợp đồng lao động. Nhiều người còn bỏ việc ở các công ty, cơ sở lao động để đi làm chui, làm những việc không được phép. Có những bộ phận lao động rủ nhau làm các công việc phi pháp như nấu rượu, buôn bán động vật hoang dã, lập bè nhóm gây mất đoàn kết, đánh chửi nhau... Những hiện tượng xấu khác là gây mất trật tự, mất vệ sinh, hút thuốc lá nơi ở, nơi công cộng, trốn vé tàu, xe, lừa lách vé cước điện thoại, Internet... Đó là những việc làm, hành vi thiếu văn hóa không chỉ tạo tác động tiêu cực đến các đối tác tiếp nhận lao động, gây mất thiện cảm với cộng đồng dân cư nước sở tại mà còn làm xấu đi hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Những hiện tượng tiêu cực trên đã mang lại hậu quả là có nước sở tại từng trục xuất, cắt hợp đồng với lao động và các doanh nghiệp đối tác Việt Nam. Điều đó không chỉ gây thiệt hại đối với những người đang lao động mà còn đối với chính sách xuất khẩu lao động của đất nước. Đau lòng thay khi có những quốc gia, doanh nghiệp đã phân biệt đối xử giữa người lao động Việt Nam và lao động các nước khác. Với lý do sức khỏe hay ngoại ngữ kém đã đành nhưng còn những lý do về vô kỷ luật, thói hư tật xấu mà phải chịu cảnh nơi ăn chốn ở, bảo hiểm và tiền công thua thiệt các nhóm lao động nước khác.
Những hiện tượng yếu kém, không lành mạnh trên có nguyên nhân ở sự đào tạo, chuẩn bị cho người lao động trước khi xuất khẩu, có lý do ở sự tự ý thức, tự gắn kết, bảo ban và giúp đỡ lẫn nhau. Điều này đã được các cơ quan quản lý và doanh nghiệp xuất khẩu lao động nhận biết, tiến hành cải tiến, nâng cấp trong thời gian qua nhưng so với yêu cầu thực tế vẫn còn khoảng cách khá lớn. Cũng đáng tiếc là tại các gia đình, những nhóm bạn bè nơi “hậu phương” nhiều khi chỉ nhìn thấy lợi ích kinh tế, cá nhân trước mắt mà không hướng dẫn, kiểm tra, nhắc nhở (dù gián tiếp) con em, bạn bè mình.
Nhập gia tùy tục, ông bà ta đã dạy thế. Tôn trọng, chấp hành kỷ cương pháp luật nơi đất nước và cơ sở mình lao động là ứng xử căn cơ trước hết cho công việc là lợi ích của mình và cộng đồng. Thời thế mới, người làm thuê nơi xứ người nói chung không còn phải chịu thân phận nhờ vả, cầu xin, ngược đãi như thuở xa xưa. Người lao động xuất khẩu hiểu đúng, làm đúng tư cách, tư thế của mình, xét cho cùng, chính là những “đại sứ văn hóa” của đất nước. “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, biết tự trọng, tự tôn sẽ nhận lại được sự tôn trọng, bình đẳng, sẽ học được điều hay, điều đẹp nơi đất nước, con người của bạn để làm giàu có hơn vốn văn hóa và tri thức để về xây tổ ấm gia đình, xây dựng quê hương./.
Anh Nguyễn (QĐND)