Bức thư trên đã được Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier, Ngoại
trưởng Pháp Laurent Fabius và người đồng cấp nước chủ nhà Grzegorz
Schetyna ký kết, 3 ngày sau cuộc gặp của bộ trưởng quốc phòng ba nước
tại Potsdam, Đức.
Tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc gặp của các Ngoại trưởng ba nước nêu
rõ Chính sách An ninh và Quốc phòng chung sẽ là "nền tảng cơ bản" cho
những phản ứng của EU đối với các thách thức an ninh.
Các khuyến nghị của các Ngoại trưởng ba nước được gửi tới bà Mogherini
nhằm chuẩn bị cho cuộc họp của Hội đồng châu Âu vào tháng 6/2015, trong
đó ba nước đề nghị xây dựng và phát triển 4 lĩnh vực gồm phát triên vệ
tinh, máy bay không người lái, tiếp nhiên liệu trên không và Internet.
Ngoài ra, EU cũng cần sẵn sàng có một lực lượng tác chiến, cũng như đẩy mạnh các sứ mệnh huấn luyện quân sự ở nước ngoài.
Cũng tại cuộc họp ở Wrocław, các Ngoại trưởng của Đức, Pháp và Ba Lan
cũng thảo luận về an ninh EU, những vấn đề quan ngại và các cuộc xung
đột trên thế giới.
Các bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo đoàn kết trong
tất cả các nước thành viên EU, sử dụng một cách hiệu quả các công cụ
hiện có để bảo vệ lợi ích của khối, ổn định tình hình biên giới EU và
định hình trật tự thế giới trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Liên quan vấn đề Ukraine, Ngoại trưởng Đức Steinmeier cho biết cuộc xung
đột ở miền Đông Ukraine đã lắng dịu, song việc thực thi Thỏa thuận
Minsk vẫn tiến triển hết sức chậm chạp.
Các Ngoại trưởng đều nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt Nga sẽ chỉ được
dỡ bỏ khi Thỏa thuận Minsk được triển khai toàn diện, đồng thời kêu gọi
Chính phủ Ukraine tiếp tục đẩy mạnh cải cách, chống tham nhũng và nỗ lực
củng cố nhà nước pháp quyền.
Các nhà ngoại giao hàng đầu ba nước cũng khẳng định sự cần thiết phải
tìm kiếm một giải pháp hòa bình lâu dài cho cuộc xung đột ở miền Đông
Ukraine.
Bên cạnh đó, Đức, Pháp và Ba Lan cũng tuyên bố sẽ thúc đẩy việc thực
hiện cải cách Chính sách Láng giềng châu Âu (ENP) nhằm làm phù hợp và có
những phản ứng linh hoạt, hiệu quả với các thách thức khác nhau ở các
nước láng giềng phía Nam và phía Đông.
Các Bộ trưởng cũng thảo luận về tình hình Syria, Libya, Tunisia...,
trong đó nhấn mạnh về mối đe dọa khủng bố tiềm tàng, xuyên biên giới ở
khu vực Bắc Phi, Trung Đông và cả ở châu Âu.
Được khởi động từ năm 1991, hội nghị của Đức, Pháp, Ba Lan đã trở thành
diễn đàn cho hợp tác chiến lược giữa ba nước có tên gọi nhóm "Tam giác
Weimar" này./.
Theo TTXVN