"Nhân vô thập toàn", ở đời không có phương thuốc nào có thể giúp con người ta
tránh được mọi thiếu sót, khuyết điểm, nhưng không khó để tìm ra liều thuốc hữu
hiệu trong chữa trị. Người phạm sai lầm phải dũng cảm nhận lỗi nhưng đi kèm với
đó phải quyết tâm sửa chữa, khắc phục.
Một trong những vấn đề được Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" đặt lên hàng đầu là: “... tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và tình trạng tham nhũng lãng phí, quan liêu, xa dân… của một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp”. Những biểu hiện của tình trạng đó được Trung ương chỉ khá rõ, đáng chú ý là một bộ phận cán bộ, đảng viên không đủ dũng cảm nhận thiếu sót, khuyết điểm trước nhân dân; thiếu quyết tâm trong khắc phục, sửa chữa...
Dư luận đồng tình với cách đặt vấn đề của Trung ương. Trong thực tiễn quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta không thiếu những bài học, những tấm gương về sự dũng cảm nhận khuyết điểm trước dân và quyết tâm sửa chữa. Trong điều kiện hiện nay cũng không thiếu những tập thể, cá nhân thể hiện được sự dũng cảm trước thiếu sót, khuyết điểm. Ví như, trước thực trạng chất lượng công trình giao thông thấp, tiến độ chậm, trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã thẳng thắn: “Tôi thay mặt Bộ Giao thông vận tải nhận lỗi trước nhân dân là còn để tình trạng tiến độ công trình chậm, chất lượng công trình chưa đảm bảo theo yêu cầu...”. Và để kiên quyết khắc phục tình trạng đó, Bộ Giao thông vận tải đã và đang triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm khắc phục... Hiệu quả đến đâu còn phải có thời gian nhưng đó cũng là thể hiện một tinh thần dũng cảm nhận khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa khuyết điểm.
Tương tự, xung quanh những khiếu nại của người dân trong dự án thoát nước đường Huỳnh Văn Lũy - Phạm Ngọc Thạch (thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). Sau khi phát hiện thấy có thiếu sót, khuyết điểm, với thái độ cầu thị, Giám đốc Ban Quản lý dự án thị xã Thủ Dầu Một - Chủ đầu tư Dự án cống thoát nước đường Huỳnh Văn Lũy - Phạm Ngọc Thạch đã chủ động tổ chức họp, thẳng thắn nhận khuyết điểm trước dân và triển khai ngay các biện pháp xử lý dứt điểm những vấn đề tồn đọng... Chính sự dũng cảm này đã nhận được sự thông cảm của nhân dân, tạo ra sự đồng thuận trong quần chúng giúp dự án được triển khai đúng tiến độ... Thực tế đã chứng minh, một trong những phương thuốc chữa trị hữu hiệu đối với những căn bệnh mà Trung ương đã chỉ ra là từng tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên nếu có khuyết điểm thì phải dũng cảm nhận trước nhân dân và quyết tâm sửa chữa.
Điều này nói thì dễ nhưng đi vào cụ thể thì vô cùng khó. Một vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng đang hiện hữu là một bộ phận cán bộ, đảng viên mắc sai lầm, khuyết điểm mà không dám nhận. Một số cán bộ, đảng viên vi phạm chẳng những không thấy khuyết điểm mà còn cố tìm mọi cách để ngụy biện, che giấu, lẩn tránh trách nhiệm. Không ít cán bộ, đảng viên sợ quần chúng nhân dân phê bình mình vì nghĩ rằng như thế sẽ mất thể diện, giảm sút uy tín, lòng tin. Có đảng viên chỉ muốn phô ra sự hoàn thiện, cái tốt đẹp của bản thân. Còn với các thiếu sót, khuyết điểm dù là nhỏ nhất của mình, họ cố hết sức để che đậy. Một số cán bộ, đảng viên không đủ dũng cảm để nhận lỗi lầm trước quần chúng, nhưng họ thừa "dũng khí" để tấn công vào những thiếu sót của người khác. Khuyết điểm của bản thân thì họ "quên", nhưng thiếu sót của người khác thì "bới lông tìm vết" với động cơ không trong sáng. Có tập thể xử lý thiếu sót, khuyết điểm theo kiểu "đóng cửa bảo nhau", "giơ cao đánh khẽ". Trong sinh hoạt Đảng có cán bộ, đảng viên suy nghĩ rằng, không nên quá thật thà, dại dột mà dễ mang họa vào thân, chớ "vạch áo cho người xem lưng", chỉ điểm yếu của mình cho người khác tấn công... Tất cả những biểu hiện đó đều trái với phẩm chất cần có ở người cán bộ, đảng viên đó là sự dũng cảm nhận lỗi trước quần chúng nhân dân và quyết tâm sửa chữa để tiến bộ.
"Nhân vô thập toàn", ở đời không có phương thuốc nào có thể giúp con người ta tránh được mọi thiếu sót, khuyết điểm, nhưng không khó để tìm ra liều thuốc hữu hiệu trong chữa trị. Người phạm sai lầm phải dũng cảm nhận lỗi nhưng đi kèm với đó phải quyết tâm sửa chữa, khắc phục. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói "Người đời không phải là thánh thần, không ai tránh khỏi khuyết điểm. Chúng ta không sợ có khuyết điểm, nhưng chỉ sợ không biết kiên quyết sửa nó đi".
Quán triệt tư tưởng đó của Người, Đảng ta đã nhận thức rất rõ, để khắc phục tình trạng trên, từng cán bộ, đảng viên, trước hết là cấp ủy, người chủ trì các đơn vị, cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến cơ sở phải nêu gương, dũng cảm nhìn lại chính mình, thấy rõ ưu, khuyết điểm, để phát huy cái tốt, gột rửa cái xấu, cái sai, tự sửa chữa để tiến bộ.
Mặt khác, từng tổ chức Đảng cần quán triệt, giáo dục làm cho mọi cán bộ, đảng viên hiểu rõ: Có khuyết điểm mà không dũng cảm nhận lỗi thì chẳng những mất đi sự thông cảm, chia sẻ của mọi người, của quần chúng mà còn tự đẩy mình vào hoàn cảnh khó, niềm tin bị mai một, uy tín giảm sút... Sự giảm sút uy tín của từng đảng viên ắt sẽ ảnh hưởng, kéo theo sự giảm sút uy tín, vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng.
Đi đôi với sự chủ động, tự giác rèn luyện, phấn đấu của mỗi người, từng tập thể, từng tổ chức cần quan tâm tạo môi trường và điều kiện thuận lợi, phân công kèm cặp giúp đỡ, động viên để cán bộ, đảng viên thấy rõ mặt tốt, dũng cảm nhận rõ thiếu sót, khuyết điểm để khắc phục, phấn đấu vươn lên. Trước mỗi sai lầm, khuyết điểm có nhiều cách để sửa chữa, khắc phục. Chính vì vậy việc dũng cảm nhận ra và quyết tâm sửa chữa sai lầm là cần thiết, nhưng phải làm nghiêm túc, triệt để, đặc biệt là phải có phương pháp phù hợp thì mới đem lại kết quả như mong muốn./.
(Lý Kim Thanh/QĐND)