Chủ Nhật, 6/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Bảy, 6/2/2010 9:43'(GMT+7)

Đừng làm xấu nét đẹp văn hóa

Hầu hết các gia đình đều sắm đồ lễ Tết ông Công, ông Táo

Hầu hết các gia đình đều sắm đồ lễ Tết ông Công, ông Táo

Ngay từ 15 tháng Chạp, hàng mã phục vụ Tết ông Công, ông Táo đã tràn ngập các chợ, đường phố Hà Nội. Một bộ đồ cúng gồm 3 chiếc mũ, 3 bộ quần áo, 3 đôi giày loại lớn tại chợ Cầu Giấy có giá 45.000- 50.000 đồng, tăng khoảng 10% so với năm Kỷ Sửu; bộ vừa và nhỏ được bán với giá 25.000-35.000 đồng. Tại chợ Hà Đông, giá các mặt hàng này thấp hơn khoảng 5.000 đồng/bộ so với các chợ nội thành.

Các cửa hiệu bán đồ thờ cúng ở các phố Hàng Mã, Lương Văn Can, Hàng Lược, Hàng Đào cũng vào mùa vụ từ cả tháng nay. Chị Nguyễn Thị Hà, cửa hàng số 55, phố Hàng Mã cho hay: Khách đến mua đồ thờ cúng từ đầu tháng Chạp nhưng phải đến 22 tháng Chạp mới là ngày cao điểm. Năm nay, khách sắm lễ cúng ông Công, ông Táo không chỉ có những mặt hàng như vàng, hương, ô tô, xe máy, cá chép mà còn có cả biệt thự, máy bay. Người mua ít hết khoảng 100.000 đồng, người mua nhiều tới hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, khách sắm đồ lễ ở những phố có "thương hiệu" này có thể bị đắt gấp 2-3 lần so với các cửa hàng nhỏ lẻ hoặc những gánh hàng rong. Tại hầu hết các cửa hàng, bộ mũ giày cỡ đại được phát giá tới 100.000 đồng. Một bộ cá chép 3 con nhỏ có giá từ 10 đến 15.000 đồng, nếu nhỉnh hơn chút là 30 nghìn đồng. Cá chép Nhật vảy ánh bạc giá lên tới 80.000-100.000 đồng/con.

Có thể khẳng định, cúng ông Công, ông Táo là một phong tục lâu đời của người Việt. Dân gian cho rằng đó là ngày vua bếp lên chầu Ngọc Hoàng để tâu việc thiện, ác của nhân gian. Tục lệ cúng ông Công, ông Táo xuất phát từ truyền thống người Việt luôn coi trọng các vị thần quanh năm lo toan cai quản, duy trì nếp sinh hoạt của mỗi gia đình. Vì thế, lễ vật cúng ông Công, ông Táo cốt yếu là thể hiện sự thành kính, thành tâm, thế nhưng nhiều gia đình hiện nay tốn hàng triệu đồng, thậm chí hàng chục triệu đồng mua lễ vật chỉ vì mong muốn rất ảo là để ông Táo nhà mình lên trời thật sang. Nếu tính trung bình mỗi gia đình sắm hàng mã hết từ 50.000-100.000 đồng rồi hóa để tiễn ông Công, ông Táo, đem nhân lên với con số hàng triệu hộ thì tiền tỷ của nhân dân đã theo ông Táo "lên trời". Trong khi đó, ngôi chùa Liên Hoa ở phường 8, quận 11, TP Hồ Chí Minh hiện đang được hoan nghênh bởi việc không sử dụng vàng mã trong chùa. Trong chùa có treo biển ghi rõ không đốt vàng mã và đề nghị khách thập phương dành số tiền lẽ ra mua vàng mã để làm từ thiện. Số tiền quyên góp từ hoạt động tiết kiệm này đã lên tới hàng tỷ đồng, xây dựng được hàng chục ngôi nhà tình thương và giúp đỡ rất nhiều bà con bị thiên tai… Đây là việc làm rất tích cực, cần được nhân rộng ở khắp nơi, vừa tránh lãng phí, vừa có ích cho cộng đồng và chắc cũng sẽ thêm vui lòng ông Công, ông Táo.

Ngoài ra còn một hành vi chưa văn hóa nữa là sau khi cúng ông Công, ông Táo, các gia đình mang cá chép ra sông, hồ để phóng sinh, tiện tay xả rác luôn ra sông, hồ. Nhiều nơi sau ngày 23 tháng Chạp, túi ni lông nổi lềnh bềnh kín cả một góc sông, hồ khiến nhân viên vệ sinh môi trường rất vất vả mới vớt hết lượng túi ni lông này. Anh Trần Văn Hải, công nhân Công ty Môi trường đô thị Hà Nội cho biết: Tết ông Công, ông Táo năm nào anh và đồng nghiệp cũng phải trực sẵn ở các ao, hồ để vớt rác. Riêng ở hồ Giảng Võ, lượng rác vớt được trong ngày Táo quân về trời năm Mậu Tý lên tới hàng tấn.

Đó là một việc làm chưa đẹp, ảnh hưởng tới cảnh quan đô thị, tới môi trường sống của chúng ta, nhất là khi chính quyền và nhân dân Thủ đô đang ra sức xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp để đón Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.


Thái Hà -HNM0


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất