Mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo đáp ứng được nhu cầu sẽ được nâng
lên 50 triệu đồng/hộ thay vì 30 triệu đồng/hộ như hiện nay.
Trong những năm gần đây, việc nâng cấp, thành lập mới các trường ĐH, CĐ tăng nhanh chóng về số lượng nhưng chất lượng đào tạo không được như yêu cầu đề ra. Điều này đã dẫn đến tình trạng hàng chục nghìn sinh viên tốt nghiệp không xin được việc làm, chất lượng nguồn nhân lực không đáp ứng được nhu cầu xã hội.
Để tìm hiểu rõ hơn về thực trạng cũng như giải pháp khắc phục, phóng viên Báo Điện tử VOV đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT).
PV: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa công bố số liệu làm nhiều người lo lắng, hoang mang. Đó là có tới 72.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Nhiều người cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do chất lượng đào tạo ở các trường ĐH, CĐ không đáp ứng nhu cầu xã hội. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?
PGS.TS Bùi Anh Tuấn: Thực tế cho thấy, trong thời gian vừa qua, số sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ không tìm được việc làm khá lớn và đang có xu hướng gia tăng. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như: nền kinh tế thế giới và trong nước chưa khởi sắc, nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất hoặc bị phá sản. Điều này dẫn đến việc thu hẹp cung và cầu trên thị trường lao động.
Đối với lĩnh vực đào tạo, một số lĩnh vực, nghành nghề có năng lực đào tạo vượt quá sức hấp thụ, nhu cầu của thị trường lao động. Chất lượng giảng dạy tại nhiều trường ĐH, CĐ không đảm bảo dẫn đến nguồn nhân lực cung cấp cho xã hội và doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu.
PV: Trong những năm gần đây, Bộ GD-ĐT đã thực hiện nâng cấp nhiều trường Trung cấp lên CĐ, CĐ lên ĐH. Tuy nhiên, gần đây, Bộ lại thông báo dừng tiếp nhận hồ sơ nâng cấp và thành lập mới các trường ĐH, CĐ. Việc làm này có phải vì nhiều trường đã được nâng cấp không đáp ứng được yêu cầuđào tạo hay vì lý do nào khác, thưa ông?
PGS.TS Bùi Anh Tuấn: Từ năm 2007-2013, chúng ta đã nâng cấp, thành lập mới 133 trường ĐH, CĐ. Trong đó, số trường Trung cấp được nâng cấp lên CĐ là 59 trường, số trường CĐ được nâng cấp lên ĐH là 49 trường.
|
Thời gian qua, việc nâng cấp ồ ạt các trường trung cấp, CĐ lên ĐH nhưng không đảm bảo chất lượng đã ảnh hưởng lớn đến nguồn nhân lực quốc gia (ảnh minh họa) |
Kết quả kiểm tra cam kết thành lập trường theo Nghị quyết 50/2010/QH12 của Quốc hội cho thấy, trong thời gian qua, việc nâng cấp các trường Trung cấp lên CĐ, CĐ lên ĐH tăng nhanh về số lượng nhưng những điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên chưa được đảm bảo về chất lượng, đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Trước thực trạng hàng chục nghìn sinh viên, thạc sĩ thất nghiệp và cũng là thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục theo, Bộ GD-ĐT nhận thấy đã đến thời điểm cần phải tập trung rà soát hệ thống các trường ĐH, CĐ; tập trung nâng cao điều kiện đảm bảo chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên. Vì vậy, Bộ GD-ĐT vừa có công văn số 1352 ngày 19/3/2014 về triển khai rà soát, điều chỉnh mạng lưới các trường ĐH, CĐ. Trong đó nhấn mạnh đến việc dừng tiếp nhận hồ sơ nâng cấp và thành lập mới các trường ĐH, CĐ.
Công văn trên cũng là thực hiện theo Quyết định 37 của Thủ tướng Chính phủ ngày 26/6/2013 về điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006-2020. Theo đó, Bộ GD-ĐT có nhiệm vụ rà soát lại mạng lưới các trường ĐH, CĐ đang hoạt động, trường đã có quyết định thành lập, những dự án đã có chủ trương thành lập. Việc rà soát này nhằm đảm bảo cân đối quy hoạch đã được điều chỉnh mạng lưới trường ĐH, CĐ của Thủ tướng Chính phủ; tập trung củng cố, tăng cường các điều kiện để đảm bảo chất lượng và triển khai hiệu quả các đề án thành lập trường.
PV: Quá trình điều chỉnh, tạm dừng nâng cấp và thành lập mới các trường ĐH, CĐ sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?
PGS.TS Bùi Anh Tuấn: Trước tiên, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương cùng chia sẻ trách nhiệm trong quản lý, giám sát tiến độ thực hiện các trường đã có quyết định thành lập; hỗ trợ các trường củng cố, đảm bảo các điều kiện hoạt động theo cam kết trong đề án thành lập trường.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng sẽ xem xét, rà soát những đề án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý nâng cấp, thành lập trường. Đồng thời, Bộ cũng báo cáo với Thủ tướng Chính phủ thu hồi quyết định đối với các trường đã thành lập nhưng quá hạn, không triển khai cam kết đưa ra hoặc không có giải pháp khắc phục những yếu kém trong đào tạo.
Bộ GD-ĐT cũng quy hoạch, điều chỉnh lại mạng lưới, cơ cấu ngành nghề đào tạo để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu xã hội; nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển dịch lao động của đất nước.
Thực hiện Nghị quyết 50/2010/QH12 của Quốc hội, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra và xử lý những trường ĐH, CĐ không đảm bảo chất lượng.
Đối với những trường đã được thành lập, nâng cấp nhưng không triển khai những yêu cầu theo như cam kết hoặc không đưa ra những giải pháp khắc phục khó khăn thì Bộ GD-ĐT cũng sẽ báo cáo với Thủ tướng Chính phủ thu hồi quyết định nâng cấp, thành lập mới các trường này theo đúng quy định của pháp luật.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Theo VOV online