Thứ Ba, 24/9/2024
Diễn đàn
Thứ Bảy, 26/3/2011 14:0'(GMT+7)

Dùng người không biết nịnh

 “Vỗ mông ngựa” là một ngữ động từ quen thuộc trong Lộc Đỉnh ký của nhà văn Kim Dung. Ông dùng ba chữ này để nói đến thói nịnh trong chốn quan trường dưới thời vua Khang Hy nhà Thanh. Từ lâu, thói nịnh đã là một quán tính, một não trạng chung của quan lại dưới nhiều triều đại vua khác. Thói nịnh trở thành kỹ năng trong nghệ thuật làm quan. Nó quan trọng đến nỗi nếu thiếu nó thì không hình thành được yếu tính của nền quân chủ phong kiến Trung Quốc.

Tác giả xây dựng nhân vật siêu nịnh xuất thần nhập hóa Vi Tiểu Bảo. Hắn không có chữ nghĩa, nhưng may mắn lập được một số công lao và đắc thủ được những bài học vỗ mông ngựa của các bậc tiền bối. Họ từng nịnh hắn: “Vi công công tuổi trẻ tài cao”, “Vi tước gia liệu việc như thần”, “Vi đại soái nhìn xa trông rộng”… Hắn tiến xa hơn, sáng tạo ra cách nịnh bợ khá mới mẻ. Lời hắn nói ra có thể làm người nghe vui lòng mát dạ, quên mất chuyện mình đang bị hắn cho uống nước đường.

Mở miệng ra, hắn ít khi nói: “Hoàng thượng thánh minh”. Câu này  tầm thường, bề tôi nào cũng có thể nói được. Hắn khôn ngoan dùng các câu khác rồi giả vờ quên hoặc không biết một vài chữ. Hắn nói lên với giọng ngắc ngứ, cà lăm khiến vua Khang Hy tưởng hắn không biết thật, phải nhắc cho hắn. Thí dụ kể lại chuyện một nhân vật ca ngợi Khang Hy, hắn nói: “Rồi y nói: Hoàng thượng ngồi trong cái gì… mà quyết đoán ra cái gì…”. Vua Khang Hy nhắc: “Ngồi trong trướng mà quyết đoán ra ngàn dặm”.

Như vậy, nhà vua đã vào tròng rồi. Hắn giả vờ kinh dị, vỗ đùi nói: “Ô hay, lúc đó hoàng thượng cũng ở đó sao?”. Tất nhiên là Khang Hy không có mặt. Hắn nói thêm: “Hoàng thượng cái gì cũng biết, quả thật là bậc thánh minh”. Nhà vua đã uống nhiều ly nước đường như vậy nhưng vẫn không biết mình bị gã thái giám giả mạo này cho uống nước đường.

Bốn chữ Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang là tên của bốn vị minh quân trong cổ sử Trung Quốc. Vi Tiểu Bảo cố ý giả vờ không bao giờ đọc đúng âm vị của bốn chữ này. Hắn gọi khi là Điểu, Sân, Ủy, Thang; khi là Ngu, Thuận, Ngũ, Thang. Hắn nói với nhà vua: “Dân chúng đều ca ngợi hoàng thượng cái gì là Điểu, Sân, Ủy, Thang khiến vi thần không biết”. Nghe bốn chữ tầm bậy đó, nhà vua còn hớn hở hơn cả nghe người khác ca ngợi đúng bốn chữ Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang. Bởi nhà vua tin hắn nói thật. Cái đó mới là chết mẹ!

Tuy vỗ mông ngựa giỏi như vậy nhưng Vi Tiểu Bảo phải thầm phục Minh Châu - Thượng thư Bộ Binh. Một lần, Khang Hy triệu tập quần thần để nghe họ có ý kiến nên đánh Ngô Tam Quế hay không. Người nói nên, người nói không nên. Minh Châu tâu: “Thánh thiên tử là sao Tử vi trên trời giáng thế cho nên bọn phàm phu tục tử như đám nô tài làm sao bằng được. Cho nên nô tài nghĩ rằng hoàng thượng sai bảo thì nhất định là đúng, cho dù bọn nô tài nhất thời chưa thông hiểu nhưng hết lòng làm theo thì cuối cùng cũng hiểu ra thôi”. Vi Tiểu Bảo phải công nhận là lão Minh Châu này nịnh giỏi hơn mình nhiều. Theo hắn, trình độ nịnh của hắn chỉ cỡ cử nhân thì Thượng thư Minh Châu đã là... tiến sĩ.

“Ngàn dặm làm quan chỉ bởi tiền” - giới quan lại Trung Quốc có câu như thế. Nịnh là một kỹ năng để thăng quan tiến chức, mưu cầu danh lợi. Tuy nhiên, có những câu nịnh có mục đích cao hơn, tốt đẹp hơn. Thí dụ trong Thiên Long bát bộ, chàng thư sinh có học Đoàn Dự phải nịnh Nhạc Thương Long để lão đừng giết cô bạn Mộc Uyển Thanh.

Nhạc Thương Long đứng thứ ba trong hàng tứ ác nhưng lão vẫn tự xưng là Nhạc lão nhị, ý muốn lên hàng thứ hai, tức là độc ác ngang người thứ hai. Trước tiên, Đoàn Dự mắng lão: “Ngươi là anh hùng hảo hán, không hiếp đáp một cô gái đang trọng thương... Nếu ngươi thay đổi thì ngươi là quân rùa đen, đồ đê tiện”. Tất nhiên Nhạc Thương Long rất sợ người khác gọi lão là quân rùa đen, đồ đê tiện. Sau đó, Đoàn Dự nịnh: “Ngươi ác độc không ai sánh bằng, người đời thường kêu là Nhạc lão nhị nhưng theo ta thì ngươi phải là lão đại mới đúng”. Nhạc Thương Long sướng tê cả người.

Thế nhưng, bởi có học Nho giáo nên Đoàn Dự vẫn cảm thấy tự thẹn, thầm mắng mình: “Đoàn Dự ơi là Đoàn Dự! Ngươi muốn cứu một cô nương mà ăn nói vô sỉ, mở miệng bợ đít người ta thật chẳng có chút khí cốt nào. Ngươi đọc sách thánh hiền làm chi?”. Cái đó kêu bằng là vì hoàn cảnh mà phải nịnh!

Anh em “giang hồ hào sĩ” của chúng ta ngày nay cũng có kỹ năng nịnh khá tốt. Cấp dưới nịnh bề trên, thường ghi nhớ những ngày quan trọng (sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới, đám kỵ, mừng nhà mới, rửa ghế) tự động mang quà cáp đến dù không được “lệnh”. Nịnh ông không bằng nịnh bà, họ thận trọng ghi nhận những sở thích của bà để có những món quà hợp ý bà nhất.

Họ nói những câu rất phải phép nhưng nhiều khi khép nép, rón rén quá thành thử không ra cái hồn vía con người. Thí dụ một chuyện nhỏ như hạt mè, họ cũng nói câu “Mong anh chỉ đạo cho em cách xử lý”. Mà lạ thay trong nhiều cơ quan bây giờ, cấp dưới thường xưng “em” với cấp trên. Không hiểu làm sao mà họ quên mất chữ “tôi” - một danh xưng đại từ ngôi thứ nhất thể hiện tính bình đẳng.

Một lần trên Thanh Niên tuần san, tôi đã nói với các bạn là tôi  ghét hai từ “chỉ đạo”. Chỉ đạo là đưa ngón tay ra mà chỉ đường đi. Một cấp dưới cứ đợi cấp trên chỉ đạo rồi mới làm theo thì tính sáng tạo, tính tự chủ dám nghĩ dám làm ở đâu? Một cấp trên mà dành quyền chỉ đạo tất tần tật thì vô tình biến cấp dưới thành ra những robot thừa hành công vụ qua remote cả. Đó là chưa nói đến những người trình độ kém, kinh nghiệm non, chỉ đạo trật lất!

Điều đáng tiếc là trong nhiều cơ quan nhà nước vẫn còn nhiều người nhờ nịnh mà thăng tiến lia lịa. Tình hình đó tạo ra tính bè phái, tính phe nhóm trong cơ quan. Tôn trọng lãnh đạo cơ quan là một nguyên tắc cần có nhưng nói những lời vô bổ và vô sỉ để mua chuộc cảm tình riêng, tạo ra sự thiên ái cho mình là điều mà người tự trọng không nên làm. Nên tránh những câu “Điều gì có anh chỉ dạy là xong ngay” hoặc “Anh đúng là một người nhìn xa trông rộng”. Nghe gớm ghiếc lắm.

Bậc lãnh đạo cơ quan hãy tự kiềm chế mình, đừng nghe những người nịnh cho uống nước đường. Trong Lộc Đỉnh ký, Kim Dung thuật một đoạn khá hay. Vi Tiểu Bảo là một gã siêu nịnh nhưng từ con người của mình, hắn hiểu ra một điều là kẻ nào nịnh hắn, ca ngợi hắn thì kẻ ấy bất tài vô tướng. Cho nên, hắn lại dùng những người không biết nịnh.

Trong một lần cần người tài năng phụ tá mình để đánh núi Vương Ốc, hắn nhớ ra một viên võ quan râu quai nón từng gặp ở Thiên Tân. Nguyên khi hắn đi công cán Thiên Tân, các quan từ Thủy sư tổng binh Hoàng Phố đến các võ quan khác đều xúm vào bợ đỡ hắn. Duy nhất chỉ có một võ quan râu quai nón chẳng những không thèm đến vấn an mà lại dám... bĩu môi nhìn hắn, một câu vỗ mông ngựa cũng không nói. Hắn cho rằng đây là một kẻ có thực tài. Hắn nghĩ nên triệu gã võ quan này về Bắc Kinh trợ lý cho hắn, ngặt nỗi hắn không biết gã đó tên gì.

Hắn bèn nhờ Thượng thư Minh Châu viết một lệnh triệu tập tất cả võ quan có râu quai nón ở Thiên Tân về Bắc Kinh. Tổng binh Thiên Tân nhận công văn khẩn cấp sáu trăm dặm, bèn điều tất cả võ quan râu quai nón về Bắc Kinh trình diện Bá tước Đô thống Vi Tiểu Bảo. Hai chục võ quan râu quai nón ngựa không dừng vó, chạy một mạch về dinh bá tước. Hắn tươi cười đón đoàn râu quai nón, trong đó hắn nhận ra người từng dám bĩu môi nhìn hắn, tỏ vẻ bực bội.

Hắn nói thật: “Ta mà có bản lĩnh chân thực rắm chó gì. Ta làm quan rất xấu hổ, sao bằng được đại ca một đao một thương, công lao khó nhọc, hoàn toàn dựa vào bản lĩnh chân thật mà làm quan”. Tên của viên võ quan này là Triệu Lương Đống. Lương Đống có nghĩa là rường cột. Cái tên đúng như con người của y. Y là người có thực tài nhưng không biết nịnh bợ cấp trên nên vẫn lẹt đẹt với quan hàm phó tướng nhỏ xíu. Vi Tiểu Bảo tâu thật với Khang Hy. Khang Hy phong cho Triệu Lương Đống chức tổng binh, đi theo phục vụ Vi Tiểu Bảo.

Theo Vũ Đức Sao Biển/Thanhnien.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất