Thứ Hai, 14/10/2024
Thế giới
Thứ Sáu, 27/5/2011 21:59'(GMT+7)

Đừng thấy đỏ mà tưởng chín

“Hiệu ứng hoa nhài” cho thấy...

Dù chưa bàn tới những mặt được hay mất của các cuộc “cách mạng hoa nhài” thời gian qua tại các nước Bắc Phi và Trung Đông, cũng đã có thể khẳng định rằng các cuộc cách mạng đó đẩy khu vực này vào một thời kỳ đầy biến động, tạo nên những tác động rất sâu sắc không chỉ riêng tại khu vực này mà cả trên phạm vi toàn cầu.

Theo các nhà phân tích, Bắc Phi và Trung Đông từ lâu đã là quả bom nổ chậm về kinh tế - xã hội. “Cơn sóng thần” trong khu vực đã hội tụ các nhân tố: khủng hoảng kinh tế, bạo lực nhà nước và sự lan truyền của các trang mạng xã hội, đặc biệt là trong giới thanh niên. Tại đây, tỷ lệ thất nghiệp rất cao, đa số dân chúng sống dưới mức nghèo khổ, trong khi giá hàng hóa và sự giảm sút về mức sống của nhân dân không ngừng tăng. Các nhân tố này kết hợp với việc thiếu các dịch vụ cơ bản và nhà ở, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn đã thổi bùng cơn phẫn nộ của dân chúng.

Sau khi chính quyền của Tổng thống Tuy-ni-di Ben A-li và Tổng thống Ai Cập Hô-xni Mu-ba-rắc sụp đổ, hai nước này hiện đang trải qua giai đoạn chuyển đổi sang nền dân chủ và bầu cử tự do. Nhưng thời kỳ quá độ này còn gặp rất nhiều khó khăn, cộng với nhiều nguy cơ về kinh tế, chính trị và an ninh, bắt nguồn từ chính cuộc cách mạng, càng làm cho chế độ mới ở Tuy-ni-di và Ai Cập gia tăng thách thức. Bên cạnh những nguy cơ về an ninh, các nước này còn phải đối mặt với nền kinh tế bị tàn phá nặng nề, cùng với các hệ lụy về an sinh xã hội. Những khó khăn về kinh tế, đặc biệt là lạm phát và thất nghiệp, vốn là những nguyên nhân dẫn đến các cuộc nổi dậy, chắc chắn là không thể bị triệt tiêu cùng với sự “thành công” của các cuộc nổi dậy ấy. Điều này đang trở thành một thực tế ở Tuy-ni-di cũng như ở Ai Cập. Và nếu cách mạng ở Li-bi có thành công, thì mục tiêu mà “cách mạng hoa nhài” hướng tới cũng không thể là món quà tự trên trời rơi xuống. Cả hai chính phủ mới ở Ai Cập và Tuy-ni-di đều đã đổ lỗi cho chế độ cũ về hiện trạng tồi tệ của nền kinh tế quốc gia và mở các cuộc điều tra để tịch thu nguồn tài sản khổng lồ của các nhà độc tài vừa bị hạ bệ. Tuy nhiên, việc làm đó không phải là giải pháp giải quyết tận gốc vấn đề. Có chăng, nó chỉ thu lại phần nào số tài sản khổng lồ bị thất thoát (vào tay các cá nhân), chứ không thể giúp vực dậy nền kinh tế đất nước. Đó là chưa kể sự thay đổi chế độ, sự tụt hậu về an ninh chính trị, cũng như những bất ổn xã hội lại biến khu vực này thành những môi trường không như cũ, gây nghi ngại cho các nhà đầu tư quốc tế.

Rút kinh nghiệm từ các nước láng giềng, để tránh một hiệu ứng dây chuyền dẫn đến sự sụp đổ của các thể chế trong khu vực, nhiều chính phủ của các nước A-rập như Ma-rốc, An-giê-ri, Gioóc-đa-ni, Y-ê-men, A-rập Xê-út, Ô-man, Cô-oét, Ba-ranh đã lập tức cam kết cải cách chính trị, cải thiện mức sống cho người dân cũng như tạo thêm nhiều công ăn việc làm... Nhiều tỷ đô-la, nhiều gói tài chính lớn đã được chính phủ các nước này hứa hẹn chi, giúp làm dịu cơn phẫn nộ của dân chúng. Song nhiều nước nghèo trong khu vực này không đủ nguồn lực tài chính để xoa dịu cơn phẫn nộ của dân chúng. Quả thật, những cam kết hay các gói tài chính nói trên được đưa ra quá muộn màng, và do vậy, người dân thay vì tiếp tục chờ đợi đã liên tục xuống đường. Và máu đã đổ khi chính phủ một số quốc gia, đặc biệt là tại Li-bi, đã thực hiện các biện pháp ngăn chặn hoặc đàn áp biểu tình.

Có thể không dự báo được khi nào làn sóng biểu tình đang dâng lên trong thế giới A-rập sẽ dịu đi, và trong môi trường đầy nguy cơ này chế độ nào có thể đứng vững một khi chính biến nổ ra, song có một điều chắc chắn là những hệ lụy về kinh tế, an sinh xã hội, an toàn, trật tự xã hội... sẽ phức tạp hơn, trong khi môi trường kinh doanh cũng khác trước, biến thế giới A-rập hiện nay không còn là thế giới A-rập của những năm tháng trước.

...Cách mạng không phải bao giờ cũng là phép màu

Không phải cuộc cách mạng nào cũng mang lại đời sống hạnh phúc hay một trật tự mới mà người làm cách mạng mong ước. Điều đó được kiểm chứng rõ nét nhất tại nhiều quốc gia Đông Âu, Trung Âu, Trung Á... Tại hầu hết những nơi từng diễn ra các sự kiện được gọi là cuộc “cách mạng màu sắc”, ít nhiều đều dẫn tới những lộn xộn trong xã hội và thậm chí là sự thay đổi cả một thể chế chính trị.

Có thể thấy, trong những năm đầu thế kỷ này, các cuộc “cách mạng màu sắc” chỉ xảy ra tại một số khu vực, một số quốc gia nhất định, cho dù nó có thể được gọi bằng những cái tên khác nhau như: cách mạng cam, cách mạng hoa hồng, cách mạng hoa tuy-líp, cách mạng hoa cúc, cách mạng hạt dẻ, cách mạng nhung... Dù là “cách mạng màu sắc” hay gần đây là “cách mạng hoa nhài” ở Bắc Phi và Trung Đông, thì ở đâu cũng lấp ló phía sau nó những âm mưu đen tối, những thế lực và toan tính nhất định. Nghiên cứu các sự kiện chính trị xảy ra ở một số nước khu vực Trung Á và Đông Âu những năm qua, người ta nhận thấy, các thế lực bên ngoài trợ giúp việc tiến hành “cách mạng màu sắc” là nhằm lật đổ chính quyền ở các nước mà họ cho là “không thân thiện”, đồng thời tạo dựng một chính quyền có thể dễ bề thao túng. Vì vậy, các thế lực bên ngoài mới là người vừa trực tiếp xây dựng “kịch bản lật đổ”, vừa “đạo diễn” các cuộc “cách mạng màu sắc”. Và chính bởi cách mạng nhiều khi bắt nguồn từ các thế lực bên ngoài, được che đậy dưới những “vỏ bọc lý do” hết sức tinh vi mà bản thân người trong cuộc -  những người dân - ngày nào còn nô nức xuống đường biểu tình, làm cách mạng, thì rồi lại có một ngày, họ sẽ là những người trước tiên phải trả giá cho cuộc cách mạng ấy. Ở đây, cái giá phải trả là cuộc sống bị đảo lộn, nền an ninh, thể chế chính trị quốc gia bị khủng hoảng; tiếp đến là những hệ lụy kéo theo: nền kinh tế sa sút, cùng hàng loạt các thảm họa nhân đạo, khiến không ít người dân phải bỏ xứ ra đi...

Dù ít hay nhiều, các nhà lãnh đạo Bắc Phi và Trung Đông cũng như người dân nơi đây phải tự mình rút ra những bài học quan trọng từ những cuộc “cách mạng màu sắc” trước đó. Trước hết, dù tình hình “nước sôi lửa bỏng” đến đâu, các nhà lãnh đạo cũng không nên “hứa hẹn quá nhiều”, nhất là những lời hứa “như đinh đóng cột”. Bài học nữa là hãy cẩn thận với các cuộc chống đối. Tranh giành chính trị là điều không thể tránh khỏi trong thời kỳ chuyển giao, và các thế lực phản dân chủ sẽ núp bóng tối và lấy cớ nguy cơ bất ổn chính trị để củng cố quyền lực và tăng cường lực lượng. Bài học cuối cùng, cũng rất dễ nhận thấy, đó là bầu cử hoàn toàn không phải là chìa khóa mở cánh cửa dân chủ. Bài học này, chắc chắn sẽ sớm được kiểm chứng trong thế giới A-rập, cũng như nó đã từng được kiểm chứng tại những nơi  diễn ra các cuộc “cách mạng màu sắc” từ trước đến nay./.

Theo TCCS

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất