Thứ Hai, 23/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 21/5/2010 21:17'(GMT+7)

Đường sắt cao tốc: Cân nhắc kỹ hiệu quả đầu tư

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc.

Nhất trí chủ trương đầu tư

Các ĐB Phạm Thị Loan, ĐB Đặng Văn Khanh (Hà Nội) cho rằng đây là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên rút kinh nghiệm để có phương pháp đầu tư hiệu quả.

ĐB Nguyễn Văn Phát, Hiệu trưởng ĐH Hồng Đức cho rằng, việc xây dựng đường sắt cao tốc là cần thiết, nhưng cũng phải tính đến ảnh hưởng của dự án này với các hệ thống giao thông khác cũng đang được đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, thiết bị như đường bộ, hàng không, đường biển.

“Tôi cho rằng, cần nghiên cứu tính toán ảnh hưởng của dự án này đến hiệu quả của giao thông hàng không khi một loạt các sân bay vừa được đầu tư, đưa vào sử dụng, tránh lãng phí, tốn kém”, ông Phát khuyến nghị.

Các đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa), Trần Đình Long (đại biểu Đăk Lăk), Trần Bá Thiều (đại biểu Hải Phòng) nhất trí với chủ trương này của Chính phủ, đồng thời kiến nghị cần tiến hành thực hiện thí điểm từng tuyến ngắn khoảng 300km để xác định hiệu quả cũng như các vấn đề khác một cách khách quan nhất.

ĐB Đặng Văn Khanh đề xuất nên đầu tư trước hai tuyến TP. HCM-Nha Trang, Hà Nội-Vinh. Những đoạn còn lại hầu như cũng không quá bức xúc và đều đã có đường hàng không.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển kiến nghị việc chọn phân kỳ đầu tư hợp lý. Cụ thể, từ nay đến 2020, đầu tư triển khai tuyến từ TPHCM – Nha Trang, giai đoạn 2 Hà Nội – Huế (năm 2030 hoặc 2035) sau đó giai đoạn 3 nối tuyến.

ĐB Nguyễn Ngọc Đào (đại biểu Hà Nội) nêu quan điểm: Quốc hội chỉ nên thông qua về chủ trương đầu tư và giao Chính phủ thực hiện. Vốn vay có thể lớn, nhưng chúng ta có nhiều cách làm, cứ nói vay là gánh nặng thì sẽ không làm được gì.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lương Phan Cừ (đại biểu Đăk Nông) nhất trí chủ trương giao Chính phủ đầu tư dự án đường sắt cao tốc và cho rằng, muốn kinh tế phát triển, giao thông cực kỳ quan trọng. Vay vốn để thúc đẩy kinh tế phát triển là cần thiết.

Cần làm rõ hiệu quả dự án

Dự án Đường sắt cao tốc Hà Nội – TP. HCM:

- Tốc độ khai thác 300 km/h (vận tốc thiết kế 350 km/h).

- Tổng mức đầu tư sơ bộ 55,853 tỷ USD (khoảng 35,6 triệu USD/km).

- Dự kiến bắt đầu thiết kế xây dựng vào năm 2012. Hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2020, giai đoạn 2 năm 2030 và toàn tuyến là năm 2035. 

“Đến năm 2020, dự án cần 8 tỷ USD vậy có đáp ứng được không? Hiệu quả dự án ra sao? Suất đầu tư thế nào?”, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Hà Văn Hiền băn khoăn.

Ông Hà Văn Hiền cũng lưu ý vấn đề khi đường bộ đã khá hoàn thiện, từ TP. HCM ra Hà Nội có 8 sân bay, giá vé máy bay và vé đường sắt ngang nhau thì liệu có thu hút được khách.

Ông cũng đề nghị, Chính phủ cần làm báo cáo khả thi để trình Quốc hội xem xét trong trường hợp thông qua chủ trương đầu tư dự án.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước dự án này cho biết, Chính phủ trình Quốc hội xin chủ trương đầu tư dự án, sau đó mới cùng với tư vấn nước ngoài tính toán đến từng hạng mục cụ thể và làm báo cáo khả thi lên Quốc hội.

Vẫn theo ông Phúc, nếu vốn lớn thì từng đoạn tuyến một như Hà Nội-Vinh, TP. HCM-Nha Trang có thể vẫn phải trình Quốc hội cho ý kiến cụ thể. Phía Nhật Bản cũng khuyến nghị chúng ta thận trọng để có được phương án đầu tư xây dựng hiệu quả nhất.

Giải đáp phần nào những băn khoăn của các đại biểu, Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng (đại biểu Đăk Nông) cho hay, báo cáo đã tính khá kỹ hiệu quả KT-XH và hiệu quả tài chính.

Vấn đề an toàn, theo Bộ trưởng Dũng gần như phải bố trí hầm và cầu cạn, tách khỏi khu dân cư, chỗ không có cầu cạn phải bố trí rào cách ly theo tiêu chuẩn đường cao tốc.

Đường cao tốc có làm tăng nợ quốc gia

Nguồn vốn dự án đường sắt cao tốc quá lớn, gần 56 tỷ USD đã khiến nhiều đại biểu cảm thấy bất an. Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Nguyễn Văn Thuận phân tích, GDP năm 2009 mới đạt 90 tỷ USD, trong khi đó nguồn vốn dự án này chiếm tới 2/3 GDP. Với trượt giá, 30 năm nữa con số đầu tư sẽ không dừng lại ở 56 tỷ USD.

Trăn trở với câu hỏi tiền đâu để đầu tư dự án khổng lồ này, Chủ nhiệm Thuận lập luận: "Nợ Chính phủ đã lên đến 42% rồi, giờ gánh thêm dự án đường sắt cao tốc nữa thì tiền đâu? Chúng ta đã tính đến bài học của Hy Lạp đang khủng hoảng vì nợ công, cả châu Âu phải cứu giúp chưa? Chúng ta không thể quyết dự án này được để rồi con cháu nai lưng ra trả nợ".

Ông Thuận cũng nêu thực tế các dự án nghe báo cáo thì rất hay, ví dụ đường Hồ Chí Minh, song khi hoàn thành thì công suất sử dụng chỉ 1/4-1/3 so với thiết kế. Hay như việc triển khai các dự án thủy điện, lúc báo cáo dự án, chủ đầu tư khẳng định sẽ đảm bảo cấp điện, chống úng trong mùa mưa, cấp nước trong mùa hạn, nhưng vừa qua trời ít mưa thì lại đặt vấn đề, một chấp nhận thiếu điện, hai là mất mùa.

"Đề án này hơi xa xỉ, tôi sẽ không bấm nút thông qua chủ trương đầu tư. Để 10-20 năm nữa, lúc đó con cháu ta thông minh hơn, giỏi hơn ta sẽ quyết định. Còn giờ quyết thì tôi thấy có lỗi với thế hệ mai sau", Chủ nhiệm Thuận khẳng khái.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Nguyễn Minh Thuyết mở đầu bài phát biểu bằng một câu thơ hóm hỉnh: "Rằng hay thì thật là hay. Nghe rồi mới biết rất gay về tiền". Ông Thuyết ví von việc làm dự án đường sắt cao tốc giống như việc hai vợ chồng công chức nghèo, có con nhỏ, tiền ăn còn khó khăn, nhưng thấy hàng xóm có ôtô cũng đi vay tiền mua ôtô.

Đại biểu Thuyết cũng lo ngại lấy đâu ra 56 tỷ USD và đây không phải con số cuối cùng, trong khi đang có rất nhiều dự án quốc gia cần nhiều tiền, như nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

"Chúng ta hy vọng có đường sắt cao tốc, ăn sáng ở TP HCM, ăn trưa ở Đà Nẵng và ăn tối ở Hà Nội. Người TP HCM có thể đi làm ở Hà Nội và về trong ngày. Nhưng thử hỏi có mấy ai đủ tiền để đi kiểu đó, bởi giá vé tàu cao tốc bằng 50-70% giá vé máy bay. Mà nếu không có khách đi thì làm sao thu hồi vốn?", ông Thuyết nói.

Ủng hộ quan điểm trên, đại biểu Lê Văn Tâm cho rằng ý tưởng xây dựng đường sắt cao tốc là "xài sang", đại biểu Ngô Văn Minh thì nói là "quá lãng mạn", còn ông Phương Hữu Việt bảo đó là sự "ngẫu hứng chính trị, vượt quá tầm của chúng ta". Hai nhà làm luật Hà Thanh Toàn và Ngô Văn Minh lại trăn trở một nước giàu như Mỹ, đi từ đông sang tây tới 6.000 km, từ bắc xuống nam tới 4.000 km, nhưng tại sao không đầu tư đường sắt cao tốc, trong khi nghèo như Việt Nam lại muốn đầu tư một dự án quá quá lớn.

"Việt Nam là nước nghèo, đại bộ phận dân sống ở nông thôn, đời sống khó khăn, đường sá, thủy lợi... đều thiếu trong khi đó ta lại đi làm đường sắt cao tốc. Đó quả là xài sang và không công bằng", ông Lê Văn Tâm nói. Đại biểu này cũng cho rằng với giá vé tàu bằng 75% vé máy bay sẽ chẳng ai đi, nguồn thu từ bán vé chưa chắc đủ đề duy tu, bảo dưỡng đường sắt cao tốc, chứ chưa nói đến khả năng dành trả nợ.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh lại không lo về vốn đầu tư vì thế giới đang thừa tiền, vay thì sẽ trả. Thu hồi vốn chậm cũng phải chấp nhận, song bù lại sẽ kích thích kinh tế phát triển. "Cái tôi lo nhất là phương án làm. Chúng ta định làm toàn tuyến hơn 1.570 km, nhưng chỉ 364 km đi trên mặt đất, còn lại đi hầm và cầu cạn, trong khi địa chất chúng ta phức tạp, chỉ cần có sự cố thì khắc phục rất khó, rất lâu", ông Thanh nói.

Đại biểu này cũng cho rằng cả thế giới không ai làm đường sắt cao tốc toàn tuyến đến 1.570 km vì chỉ cần một sơ suất sẽ phải trả giá đắt. "Tôi chỉ mong đường sắt cao tốc đạt vận tốc 200 km/h là phúc rồi, đừng lãng mạn ý tưởng vận tốc 300km/h hay làm tuyến đường sắt cao tốc dài nhất thế giới", ông Thanh nói.

Chung nỗi lo về an toàn toàn chạy tàu, đại biểu Nguyễn Tấn Trịnh nói: "Đường sắt hiện nay vẫn chưa giải quyết được bài toán ném đá lên tàu, vậy đường sắt cao tốc thì sao? Trong tờ trình của Chính phủ và cả báo cáo thẩm tra đều chưa đề cập đến phương án bảo vệ đường sắt cao tốc". Đại biểu Phương Hữu Việt cũng lo vấn đề an toàn giao thông khi chạy tàu với tốc độ 300 km/h, trong khi ý thức người dân còn thấp.

Ngoài ra, nhiều đại biểu còn băn khoăn việc sử dụng công nghệ động lực phân tán - EMU (đoàn tàu Shinkansen của Nhật Bản) thì liệu 25 năm nữa, khi hoàn thành toàn tuyến đường sắt cao tốc liệu có lạc hậu? "Dự án này cũng làm tác động đến dòng chảy tự nhiên, nhất là đoạn chạy qua miền Trung với nhiều đồi núi dốc, từ đó làm thay đổi môi trường sinh thái", nữ đại biểu Vũ Thị Phương Anh nêu vấn đề.

Từ những trăn trở nêu trên, phần đông đại biểu đề nghị chưa nên thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc trong thời điểm này, vì chưa thật sự cần thiết. "Để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách trong thời gian tới, tốt nhất nên nâng cấp, hoàn thiện hệ thống đường bộ và đường sắt hiện có. Vận chuyển hàng hóa thì nên đầu tư cho đường thủy vì kinh tế hơn", đại biểu Hà Thanh Toàn kiến nghị.

Dự án đường sắt cao tốc sẽ tiếp tục được thảo luận tại hội trường vào ngày 8/6


TH


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất