Với tổng mức đầu tư khoảng 550 triệu USD, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông (Hà Nội) là dự án trọng điểm có ý nghĩa quan trọng với Thủ đô, theo dự kiến, tuyến đường này sẽ được chạy thử vào quý 1/2015.
Tuy nhiên, sau gần 1 năm thi công, tiến độ triển khai của nhà thầu là Công ty trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc đã chậm gần 1 quý so với kế hoạch.
Nguyên nhân làm chậm tiến độ triển khai dự án là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và tiến độ thẩm tra, phê duyệt thiết kế thi công kỹ thuật chậm (tổng thầu EPC không có cán bộ có thẩm quyền quyết định trực tiếp tại Việt Nam).
Mặt khác, nhà thầu Trung Quốc cũng chưa hoàn thiện hợp đồng với các nhà thầu phụ, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhà thầu thi công tại nhiều điểm thi công đã có giấy phép. Theo kế hoạch, sẽ có 14 mũi thi công, nhưng hiện mới chỉ có 7 mũi.
Theo Ban Quản lý dự án đường sắt - Cục Đường sắt Việt Nam, đến nay, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông mới hoàn thành 90% công tác khảo sát địa chất toàn bộ địa hình. Quy hoạch tổng thể mặt bằng và phương án kiến trúc 11 nhà ga đã được chấp thuận, trừ ga Cát Linh dự kiến sẽ được xây dựng thành tổ hợp văn phòng kết hợp nhà ga. 116 trụ cầu và thiết kế bản vẽ thi công 73 trụ cũng đã được cơ quan chức năng phê duyệt.
Theo thiết kế, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông được xây dựng với chiều dài 13km, gồm 12 nhà ga, có năng lực vận chuyển tối đa 28.000 khách/giờ/hướng, được coi là trục giao thông xương sống góp phần giải quyết căn bản bài toán giao thông từ nội đô ra cụm đô thị vệ tinh ở khu vực phía Đông Hà Nội.
Để dự án này hoàn thành đúng theo kế hoạch, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của thành phố Hà Nội và tổng thầu EPC tháo gỡ những vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện./.
Tuyết Mai (TTXVN)