Thứ Sáu, 22/11/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Ba, 5/2/2019 5:0'(GMT+7)

Sức vóc quốc gia và thế cuộc toàn cầu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các quốc gia thành viên ASEAN, các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản tại Hội nghị cấp cao ASEAN+3 tại Singapore ngày 15/11/2018. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các quốc gia thành viên ASEAN, các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản tại Hội nghị cấp cao ASEAN+3 tại Singapore ngày 15/11/2018. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

CẠNH TRANH CHIẾN LƯỢC TOÀN CẦU

Có một thực tế đang xuất hiện như một nghịch lý: dòng thác toàn cầu hóa càng mạnh, thế giới càng hội nhập sâu thì chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, cực đoan càng phát lộ. Tiếng gào thét của lợi ích đang cuốn nhiều quốc gia, dân tộc vào một cuộc đua tranh ngày càng quyết liệt. Không thể không nhắc tới những quyết định gây tranh cãi về cách thức lãnh đạo nước Mỹ như “một giám đốc điều hành” thời gian qua của ông Donald Trump: Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran; chuyển Ðại sứ quán Mỹ tại Israel tới Jerusalem, rút toàn bộ binh sĩ khỏi Syria và Apganixtan, gây lo ngại về sự trỗi dậy của IS và Taliban; và trong ngày cuối cùng của năm 2018, Mỹ đã rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) theo phương châm “không hiệu quả thì không đầu tư”.... Trước đó, Mỹ rút khỏi Hiệp định Ðối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Hiệp ước toàn cầu về di trú (GCM).

Cách đây hơn một năm, khi công bố bản chiến lược an ninh quốc gia, Tổng thống Mỹ Donald Trump thẳng thừng tuyên bố rằng Nga và Trung Quốc là đối thủ chiến lược của Mỹ, có ý đồ thách thức sức mạnh, an ninh và thịnh vượng của Mỹ, rằng Trung Quốc và Nga muốn định hình một thế giới đối chọi với các giá trị và lợi ích của Mỹ. Chiến lược này của Tổng thống Donald Trump phản ánh những ưu tiên trong chủ thuyết “Nước Mỹ trên hết”, đó là kiểm soát chặt các đường biên giới, tái thiết quân đội, và đặc biệt là theo đuổi các chính sách thương mại có lợi hơn cho Mỹ.

Khi siêu cường Mỹ gặp những rắc rối cả về đối nội và đối ngoại, khiến tiếng kèn điều binh nhiều khi cứ ngập ngừng tiến lui không rõ thì Trung Quốc, quốc gia gần 1,4 tỷ người, trỗi dậy với một tốc lực đáng kinh ngạc và một khát vọng cháy bỏng thật sự đáng ngại. Trong những thập kỷ gần đây, không có một nước nào thực hiện chiến lược bứt phá mà đạt được những bước tiến lớn như Trung Quốc, vươn lên trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới và muốn vượt Mỹ để trở thành cường quốc số một trong tương lai không xa. Các sáng kiến như Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á và đặc biệt là sáng kiến Vành đai Con đường... do ông Tập Cận Bình - người đứng đầu ban lãnh đạo thế hệ thứ năm của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa khởi xướng cho thấy rõ hơn những bước đi trên cấp độ mới của một chiến lược đầy tham vọng. Ứng xử với quốc gia phương Đông khổng lồ và  khó lường này đang là bài toán chiến lược hóc búa nhất của Mỹ và nhiều quốc gia khác.

Nước Nga, dưới bàn tay chèo lái của Tổng thống V. Putin đang vươn dậy để tìm lại bóng dáng của mình, tiếp tục khẳng định vị thế một cường quốc thế giới. Mặc dù bị phương Tây kéo dài lệnh cấm vận do Nga thu hồi bán đảo Crimea và vấn đề Ukraine, nhưng nền kinh tế Nga vẫn trụ vững và đạt mức tăng trưởng 1,7% trong năm 2018. Đặc biệt, vị thế quốc tế của Nga đã tăng lên rất nhiều do Nga góp phần quan trọng đánh bại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), không để vấn đề Syria bị trượt vào kịch bản của Mỹ. IS sau hơn ba năm xuất hiện như một thứ quái thai của lịch sử, đã bị đánh sập, thành trì cuối cùng của chúng tại Syria và Iraq đã được giải phóng. Tất nhiên, thế giới vẫn chưa thể thở phào nhẹ nhõm do IS sẽ thay đổi phương thức hoạt động theo kiểu “những con sói cô độc” tiến hành các vụ khủng bố tại nhiều nước, nhất là sau khi Mỹ quyết định rút quân khỏi Syria và Afganistan.

Việc ông V. Putin trúng cử Tổng thống Nga nhiệm kỳ thứ tư như một đòi hỏi tất yếu cho thấy nước Nga sẽ vẫn tiếp tục đi theo đường hướng hiện nay, quốc gia này vẫn rất cần Putin như một thủ lĩnh chính trị của nhân dân Nga. Với một sự năng hoạt và quyết đoán đáng khâm phục, ông đã biết chớp lấy các cơ hội để từng bước giành lại vị thế quốc tế xứng đáng cho đất nước mình.

 

Một cục diện quốc tế mới đang manh nha, hay đây là một thời kỳ “hỗn mang” được bao phủ bởi một màn sương mù khó xác định? Bất ngờ thú vị nhất là ba hội nghị cấp cao liên Triều, cùng cuộc gặp lịch sử Mỹ - Triều Tiên, tạo bước đột phá khác thường thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân và xu thế hòa giải trên bán đảo Triều Tiên. Bài toán an ninh trên bán đảo Triều Tiên vẫn chứa nhiều ẩn số, liên quan trực tiếp đến tam giác chiến lược Trung - Mỹ - Nga. Những năm tới, cặp Nga - Trung vẫn phát triển ổn định, tiếp tục dựa vào  nhau, tạo cho hai cường quốc Phương Đông này vị thế cần thiết để đương đầu với sức ép từ Mỹ và một số nước phương Tây. Trong khi đó, cặp Nga - Mỹ, cặp Trung - Mỹ sẽ còn gặp nhiều trắc trở, bấp bênh và vẫn còn nguy cơ gặp khủng hoảng do mâu thuẫn về lợi ích chiến lược, cũng như do tranh chấp về một số vấn đề cụ thể cả về chính trị, quân sự, ngoại giao và kinh tế.

Trong cuộc đua tranh quyền lực toàn cầu, cũng không thể không nói tới một châu Âu nhiều năm liền chìm đắm và rối bời trong cuộc khủng hoảng nợ công, mãi tới gần đây mới hoàn hồn với sự phục hồi chập chờn, yếu ớt. Đúng lúc hai thảm cảnh nợ công và người tị nạn đang làm cho châu Âu điêu đứng thì nước Anh quyết định rời bỏ EU sau 44 năm là thành viên. Cuộc thoái lui tai hại này của nước Anh đã giáng một đòn nặng nề vào những nỗ lực đưa con tàu EU ra khỏi bão tố vào thời điểm gay go nhất. Tuy Vương quốc Anh và Liên hiệp châu Âu (EU) cuối năm 2018 đã đạt thỏa thuận sơ bộ về việc Anh rời EU (Brexit), song tiến trình Brexit có thể sẽ còn nặng nhọc và rắc rối. Từ nhiều năm nay, bên trong cánh cửa của “ngôi nhà chung”, châu Âu vẫn chưa ra khỏi cuộc tranh cãi triền miên về những vấn đề nội bộ của mình - thể chế, trách nhiệm và bước đi “nhất thể hóa”. Và rồi, không chỉ nước Pháp mà cả châu Âu đang rúng động vì phong trào “Áo vàng”, bùng lên giữa tháng 11- 2018, nhanh chóng trở thành cuộc nổi dậy có tính bạo động chống chính phủ kéo dài nhiều tuần giữa Paris, sau đó lan rộng ra nhiều nước châu Âu như Italia, Áo… Cuộc phản kháng này cho thấy những mâu thuẫn xã hội đang dồn nén không chỉ tại Pháp mà còn ở một số các nước tư bản phát triển khác.

Là siêu cường duy nhất, với sức mạnh kinh tế và quân sự vượt trội, Mỹ có một ảnh hưởng toàn cầu có tính bao trùm. Cho dù Trung Quốc đang trỗi dậy với một tốc lực đáng gờm, Nga đang vươn dậy với khát vọng cháy bỏng tìm lại bóng dáng siêu cường đã mất, nhưng ít nhất trong khoảng 10 năm tới, Mỹ vẫn nắm giữ sức mạnh điều tiết và khống chế thế giới. Trong cuộc cạnh tranh quyền lực toàn cầu, sẽ là thiếu sót khi không nhắc tới Nhật Bản, nền kinh tế thứ hai châu Á đang bắt đầu tăng trưởng trở lại và một đất nước Ấn Độ với số dân hơn 1 tỷ người đang bước ra từ không gian truyền thống cổ xưa của nền văn minh sông Hằng để vươn tới một chân trời phát triển mới trong thời đại truyền thông số.

Thế giới đang đối mặt với nhiều nguy cơ, trong đó nóng bỏng nhất vẫn là an ninh và môi trường. Hợp tác và cạnh tranh đan xen một cách phức tạp, các tập hợp lực lượng với những hình thức và sắc thái mới đặt ra nhiều thách thức.

Vũ đài quốc tế hôm nay là cuộc đua tranh quyền lực rất quyết liệt vì lợi ích của các quốc gia. Tiếng gọi của lợi ích đang ngày càng riết nóng. Thế giằng kéo quyền lực đang đan cài hết sức phức tạp. 

Nhưng đấu trường này không thể là một cái nồi cao áp bị bịt kín, nhiệt độ cứ tăng mãi, tăng mãi do sự va chạm, cọ xát của các cuộc tranh chấp. Dung hòa lợi ích ở những thời điểm cần thiết chính là cái van xì hơi để tránh cho chiếc nồi khỏi bị lật tung. Đó là sự mách bảo khôn ngoan trong cuộc đua tranh quyền lực của các quốc gia, nhất là của các cường quốc trong thời đại toàn cầu hóa khi mà lợi ích của các quốc gia ngày càng tùy thuộc lẫn nhau. Cuộc tranh chấp thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang, khó có thể trả lời liệu có hay không sẽ bị đẩy vọt lên thành cuộc chiến tranh thương mại khốc liệt giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới. Với những màn áp thuế đáp trả nhau lên tới hàng trăm tỷ USD và những lời công kích quyết liệt, cuộc tranh chấp hiện thời có thể được coi là cuộc “giáp trận” kinh động nhất kể từ khi hai nước ký Thông cáo Thượng Hải năm 1972. Tuy vậy, màn “hưu chiến” 90 ngày cho đến tháng 3-2019 cho thấy mặc dù quan hệ Trung - Mỹ luôn trục trặc và tranh chấp trên nhiều vấn đề, nhưng vì lợi ích, quan hệ này cơ bản vẫn được duy trì theo kiểu lúc tiến lúc lùi trong mâu thuẫn để không bị đổ vỡ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Bắc Kinh năm 2017. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Bắc Kinh năm 2017. Ảnh: Reuters.

 

“XỨ SỞ CỦA BÌNH YÊN” VÀ SỨC HẤP DẪN MỚI

Trong lúc tranh chấp và xung đột vẫn là nỗi ám ảnh nặng nề ở nhiều góc trời thế giới, nhiều quốc gia rơi vào những cơn binh lửa thì Việt Nam lại được coi là “xứ sở của bình yên”. Một quốc gia, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, luật pháp chưa hoàn chỉnh, lại từng phải chịu đựng mấy cuộc chiến tranh lớn, nay được đánh giá là nơi đầu tư an toàn bậc nhất châu Á thì quả là một điều rất đáng khích lệ.

Trong bối cảnh đó, mặt trận đối ngoại đã được Đảng và Nhà nước ta triển khai một cách chủ động, tích cực, quyết liệt, nâng tầm cả về song phương và đa phương. Năm qua, Việt Nam đã triển khai nhịp nhàng các hướng quan hệ quốc tế nhằm tạo cho đất nước một môi trường hòa bình, hợp tác vừa rộng mở vừa có chiều sâu. Những thành công trên mặt trận đối ngoại đang tạo thêm động lực kiến tạo cho đất nước, tác động tương hỗ với nội lực, tạo cho đất nước ta một vị thế mới.

Năm 2018, với mức tăng trưởng GDP đạt 7,08%, mức cao nhất trong 10 năm qua, Việt Nam thuộc nhóm 10 nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân dưới 4%, dự trữ ngoại hối nhà nước đạt kỷ lục 63,5 tỷ USD; vốn FDI đạt 18 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay; quy mô nền kinh tế đạt 245 tỷ USD; GDP bình quân đầu người đạt 2.580 USD, tăng hơn 200 USD so với năm 2017; xuất khẩu đạt 244,72 tỷ USD, xuất siêu đạt kỷ lục 7,2 tỷ USD, riêng xuất khẩu nông nghiệp đạt 41 tỷ USD… Những con số đó đã thể hiện được bức tranh sống động của một nền kinh tế vừa biết tranh thủ những cơ hội lớn đang mở ra, vừa phải đương đầu và nỗ lực vượt qua những khó khăn thách thức rất gay gắt.

Một sự kiện rất quan trọng là Việt Nam và 10 quốc gia thành viên đã ký Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực sau khi được Việt Nam cùng 6 thành viên thông qua, trở thành Thỏa thuận thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đầu tiên đi vào thực tế. CPTPP sẽ tạo cơ hội lớn cho nền kinh tế nước ta hội nhập vào một khu vực tự do thương mại với thị trường lên tới 500 triệu dân, với GDP khoảng 10.000 tỷ USD, chiếm 13,5% GDP toàn cầu và chiếm 15% thương mại toàn cầu.


 Một làn sóng đầu tư mới đang chuyển động khi một số nhà đầu tư quốc tế có tầm cỡ đang dự định tiến vào thị trường Việt Nam. Việt Nam đã gây tiếng vang lớn khi đăng cai và tổ chức thành công Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) với sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo các nước và hơn 1.200 doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp hàng đầu thế giới và nhiều sự kiện hợp tác lớn của khu vực. Ông Klaus Schwab, Chủ tịch điều hành WEF đã khẳng định: “Hội nghị WEF ASEAN 2018 tại Việt Nam là hội nghị thành công nhất trong 27 năm tổ chức WEF ASEAN”. Vị thế và uy tín của Việt Nam càng sáng rõ khi tại cuộc bầu cử trong khuôn khổ Khóa họp 73 của Đại hội đồng Liên hợp quốc sáng 18-12- 2018, với số phiếu 157/193, Việt Nam đã trúng cử làm thành viên Ủy ban Luật Thương mại quốc tế của Liên hợp quốc (UNCITRAL) nhiệm kỳ 2019-2025. Tiếp theo việc trúng cử vào Ủy ban luật pháp quốc tế của Liên hợp quốc (năm 2016), việc Việt Nam trở thành thành viên UNCITRAL đánh dấu bước tiến tiếp theo trong việc chủ động, tích cực hội nhập pháp lý đa phương, chủ động tham gia xây dựng, định hình luật chơi ở cấp độ quốc tế, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc.

Chưa thể bằng lòng với những gì đang đạt được. Con đường phía trước còn dài, đất nước còn nhiều tiềm năng nhưng vẫn còn thiếu những điều cốt yếu. Tính tự chủ của nền kinh tế từng bước được nâng lên nhưng khả năng chống chịu trước những biến động bên ngoài còn hạn chế. Kinh tế tư nhân, tuy đã được khởi động với một cảm hứng và sinh khí mới nhưng cũng chỉ mới chiếm 8% tỷ trọng nền kinh tế. Một số công trình, dự án chậm tiến độ, chất lượng rất kém, vừa làm xong đã xuống cấp. Năng lực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, kỹ năng còn thấp. Các nguồn lực chưa được giải phóng tối đa, việc cơ cấu lại nhiều ngành, lĩnh vực còn chậm, lúng túng; công nghiệp hỗ trợ phát triển chưa tương xứng; chưa tham gia nhiều vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Môi trường đầu tư kinh doanh vẫn còn những bất cập, thủ tục hành chính có lĩnh vực còn rườm rà; kỷ luật kỷ cương nhiều nơi chưa nghiêm; vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Còn nhiều vấn đề xã hội bức xúc như: bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, suy thoái đạo đức lối sống… Đặc biệt, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tuy đã có những bước chuyển biến tích cực nhưng sẽ còn gặp nhiều khó khăn trở ngại, tiếp tục đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của toàn Đảng, toàn dân.

Tất cả những yếu kém và bất cập này đang đòi hỏi một nỗ lực cao hơn nữa, một tâm thế vào cuộc quyết liệt hơn nữa, tạo những đột phá mạnh hơn nữa với một hệ thống giải pháp đồng bộ hơn nữa. Phải dứt khoát gạt bỏ những cản trở, vướng mắc làm trì hoãn, tước đi những cơ hội phát triển của đất nước, đồng thời tạo ra những động lực kiến tạo mới.

 Một trong những mấu chốt quan trọng bậc nhất là Việt Nam phải xây dựng và vận hành được một thể chế quản trị quốc gia tốt hơn nữa với những cơ chế có thể giải phóng sức lao động sáng tạo sung mãn của người Việt Nam, phát huy tiềm năng và thế mạnh của đất nước. 

Từ một cách nhìn tổng thể về sức vóc quốc gia và thế cuộc khu vực, toàn cầu, càng thấy rõ những vấn đề trên con đường phát triển của đất nước. Một trong những mấu chốt quan trọng bậc nhất là Việt Nam phải xây dựng và vận hành được một thể chế quản trị quốc gia tốt hơn nữa với những cơ chế có thể giải phóng sức lao động sáng tạo sung mãn của người Việt Nam, phát huy tiềm năng và thế mạnh của đất nước.

Một cảm hứng dựng xây tươi mới đang bừng khởi trên khắp đất nước. Tinh thần khởi nghiệp mang theo khát vọng và hoài bão lớn, biến thành một nguồn năng lượng kiến tạo mạnh mẽ. Đất nước đang chuyển mình với một tâm thế mới. Niềm tin và khát vọng vươn tới đang làm phấn chấn hàng triệu đôi chân Việt trên con đường đi tới tương lai! 

 

Hồ Quang Lợi

 

_______________________________________

 

Bài đăng Tạp chí Tuyên giáo số 2/2019

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất