Thứ Năm, 26/9/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 20/9/2008 18:17'(GMT+7)

Duy trì tăng trưởng hợp lý khoảng 7%

 

Ngày 20/9, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc Tọa đàm đánh giá thực trạng nền kinh tế Việt Nam, triển vọng những tháng cuối năm nay và năm 2009 giữa Thường trực Chính phủ với các tổ chức, chuyên gia quốc tế.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh các tổ chức, chuyên gia quốc tế tham dự buổi tọa đàm này đồng thời nêu bật những giải pháp mà Chính phủ Việt Nam đang triển khai nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và duy trì tăng trưởng hợp lý khoảng 7%.

Thủ tướng cho biết, trước diễn biến nền kinh tế thế giới suy thoái, giá cả và lạm phát lan rộng toàn cầu, đầu tháng 4/2008, Chính phủ Việt Nam chuyển ưu tiên tăng trưởng cao sang ưu tiên kiềm chế lạm phát, trong đó giảm chỉ tiêu tăng trưởng từ 8-8,5% xuống 7% và thực hiện đồng bộ 8 nhóm giải pháp. Đến nay, các giải pháp đã phát huy tác dụng và có những kết quả chuyển biến tích cực bước đầu. Nổi bật là lạm phát giảm dần, riêng tháng 9 chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 0,18% (9 tháng tăng 21%) và các chỉ số kinh tế vĩ mô đã dẫn đi vào ổn định, xuất khẩu 9 tháng tăng 39%, nhập siêu giảm, đầu tư nước ngoài tăng, an sinh xã hội được đảm bảo....

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, đây mới chỉ là kết quả bước đầu, Chính phủ nghiêm túc nhìn nhận nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức và tồn tại yếu kém để chỉ đạo quyết liệt hơn nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra. Trên tinh thần này, Thủ tướng đề nghị các chuyên gia quốc tế thảo luận và đóng góp ý kiến, trong đó tập trung vào 3 chủ đề là nhận định diễn biến nền kinh tế thế giới và tác động đến nền kinh tế Việt Nam, thực trạng và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm nay và năm 2009, hành động của Việt Nam trong thời gian tới ngoài các giải pháp đang triển khai.

Tại tọa đàm, 16 tổ chức quốc tế bao gồm nhiều chuyên gia kinh tế như ông Benedict Bingham - Đại diện thường trú cao cấp IMF tại Việt Nam, ông John Hendra - Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, chuyên gia kinh tế của GTZ và các ngân hàng WB, ADB, HSBC... đã đưa ra nhiều giải pháp trong kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, điều hành chính sách tiền tệ, nhất là vấn đề tỷ giá và lãi suất.../.

TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất