Theo Đài BBC, nghiên cứu do Bộ phận phân tích thông tin kinh tế (EIU)
thuộc Tạp chí Nhà kinh tế (Anh) công bố ngày 20/1 nhận định châu Âu có
thể phải đối mặt với các cơn địa chấn chính trị trong năm 2015.
Nghiên cứu này cho rằng các đảng theo xu hướng dân túy đang ngày càng
được ưa chuộng nên có thể thắng cử và các đảng lớn chính thống có thể
buộc phải hình thành những liên minh mà trước kia không thể tưởng tượng
được.
Theo EIU, "khủng hoảng dân chủ" ở châu Âu chính là ở khoảng cách giữa cử
tri và tầng lớp lãnh đạo. Nghiên cứu nói thêm rằng có một "lỗ hổng lớn
ngay giữa trung tâm nền chính trị châu Âu, nơi cần có các ý tưởng lớn."
Những yếu tố chính của hiện tượng này là tình trạng người tham gia bầu
cử ngày càng ít và các đảng phái truyền thống ngày càng có ít đảng viên.
Trong số các nước châu Âu, Anh sẽ có cuộc bầu cử vào tháng 5 tới và theo
nghiên cứu của EIU, nước này có thể sẽ bước vào một thời kỳ bất ổn
chính trị kéo dài. Tuy nhiên, thách thức chính trị lớn nhất sẽ là ở Hy
Lạp, quốc gia được xem là minh chứng cho thấy chủ nghĩa dân túy dẫn đến
thắng lợi trong bầu cử như thế nào.
Hy Lạp sẽ tiến hành bầu cử trước thời hạn vào ngày 25/1 sau khi Quốc
hội không bầu ra được tổng thổng mới hồi tháng 12 năm ngoái.
Ngoài ra, các nước khác chuẩn bị có bầu cử với kết quả khó đoán định là
Đan Mạch, Phần Lan, Tây Ban Nha, Pháp, Thụy Điển, Đức và Ireland.
Theo EIU, "tâm lý chống chính phủ hiện đang dâng cao trong khu vực sử
dụng đồng euro cũng như Liên minh châu Âu và nguy cơ xảy ra bất ổn chính
trị hay khủng hoảng là rất cao"./.
Theo TTXVN