Thí sinh tham dự kỳ thi THTP quốc gia cụm thi do ĐH An Giang chủ trì
Như cảnh chợ chiều
Trước khi còn thi “3 chung”, các trường ĐH địa phương luôn lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT, thậm chí còn được hưởng chính sách đặc thù 3 Tây (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ), lấy điểm sàn thấp hơn điểm sàn của bộ 1 điểm. Tuy nhiên, kết quả tuyển sinh vẫn khó khăn. Từ năm 2015 đến nay, các trường được sử dụng triệt để xét học bạ THPT, xét điểm thi THPT quốc gia, kết hợp các phương thức xét tuyển khác... nhưng thực tế vẫn không sáng sủa.
Trường ĐH Bạc Liêu thành lập từ năm 2006, đến nay vẫn không thể khởi sắc. Nguồn thu hàng năm của trường hiện chỉ hơn 44,7 tỷ đồng và đội ngũ giảng viên chỉ có 265 người (trong đó, trình độ tiến sĩ là 14 người, thạc sĩ là 142, ĐH là 109). Từ năm 2017 đến năm 2018, ngành Tài chính ngân hàng có chỉ tiêu 100, nhưng chỉ có 67 thí sinh trúng tuyển; ngành Khoa học môi trường chỉ tiêu cũng 100 nhưng có 43 thí sinh trúng tuyển; đặc biệt, ngành Bảo vệ thực vật và Chăn nuôi không có thí sinh nào trúng tuyển. Năm 2019, tình cảnh tương tự cũng diễn ra với Trường ĐH Bạc Liêu.
Trường ĐH Đồng Tháp thành lập từ năm 2003, nhưng đến nay nhiều ngành tuyển sinh vẫn rất ảm đạm. Năm 2018, hàng loạt ngành không có thí sinh trúng tuyển như Sư phạm (SP) Vật lý, SP Tin học, SP Sinh học, SP Mỹ thuật. Những ngành khác như SP Địa lý, SP Hóa học, SP Âm nhạc, SP Lịch sử, dù chỉ tiêu mỗi ngành là 20 nhưng chỉ có 5,7 thí sinh trúng tuyển mỗi ngành.
Trong năm 2019, nhiều ngành không tuyển được vẫn tiếp tục đăng ký tuyển sinh và kết quả cũng không khá hơn. Tương tự, năm 2018, dù nhiều ngành không có thí sinh nào trúng tuyển, nhưng năm 2019, Trường ĐH Đồng Nai vẫn tiếp tục tuyển sinh và tiếp tục ôm… “trái đắng”. Cụ thể như các ngành: SP Sinh học, Lịch sử, Tin học, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mỹ thuật không có thí sinh trúng tuyển.
Đâu là nguyên nhân
Câu chuyện tuyển sinh khó khăn của các trường ĐH địa phương là kết quả tất yếu của rất nhiều nguyên nhân. Trước hết, đó là tình trạng đua nhau thành lập, nâng cấp trường. Theo báo cáo của Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện từ năm 2010, giai đoạn 1998 - 2009 có đến 312 trường CĐ, ĐH được nâng cấp, thành lập mới.
Đây được xem là giai đoạn bùng phát số lượng trường ĐH, CĐ của cả nước. Thế nhưng, trong khi quy mô đào tạo ở các bậc học và hệ đào tạo tăng nhanh thì các điều kiện cơ bản như cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, giáo trình… lại không theo kịp, hoặc chắp vá, dẫn đến không đảm bảo chất lượng đào tạo.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), phân tích, nhân sự và tài chính là 2 vấn đề quyết định sự thành bại của trường ĐH. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại hạn chế về lãnh đạo và quản lý giáo dục ĐH. “Tâm lý ganh đua mở trường mà không dựa vào nhu cầu thực tế về nhân lực có kỹ năng, điều kiện phát triển bền vững không đủ, duy ý chí, nên bây giờ phải nhận trái đắng là tất yếu”, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh lý giải. |
Theo tìm hiểu, hiện nay tại nhiều tỉnh/thành phố, hàng loạt trường ĐH được nâng cấp đang gặp rất nhiều khó khăn như: địa phương không thể choàng gánh ngân sách, rất ít thí sinh trúng tuyển và theo học...
Câu chuyện của Trường ĐH An Giang là một ví dụ điển hình nhất của cả nước. Trường được nâng cấp từ Trường CĐ Sư phạm từ năm 1999 và là một trong những trường ĐH tỉnh được đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất hoành tráng nhất cả nước.
Tuy nhiên, trường hiện cũng gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi năm, nguồn thu của trường chỉ đáp ứng 30% nhu cầu hoạt động, ngân sách tỉnh phải bù đắp phần còn lại (do trường thuộc tỉnh). Tình trạng này kéo dài nhiều năm, do ngân sách khó khăn nên An Giang từng đề nghị chuyển giao trường về Bộ GD-ĐT nhưng không được.
Hiện nay, chi phí hoạt động của trường khoảng 70 - 80 tỷ đồng/năm. Trường có 858 cán bộ nhân viên, trong đó cán bộ giảng dạy gần 600, tỷ lệ cán bộ có trình độ thạc sĩ trở lên gần 70%. Trước thực trạng này, trường đã xin chuyển và trở thành trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM với mong muốn nâng cao chất lượng đào tạo…
Thực tế cho thấy, các trường ĐH tỉnh nâng cấp hiện nay sống dựa vào nguồn ngân sách địa phương nên khó có thể đáp ứng đủ nhu cầu hoạt động của trường. Một khi kinh phí eo hẹp thì không thể chiêu mộ, thu hút được người giỏi, lại càng khó để đầu tư cơ sở vật chất tốt nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Từ đó dẫn đến hệ lụy thí sinh không ngó ngàng. Chính cái vòng lẩn quẩn này đã khiến các trường ĐH địa phương khó thoát khỏi khó khăn trong tuyển sinh.
Nói về thực trạng sống thoi thóp của nhiều trường ĐH tỉnh, một chuyên gia giáo dục tại TPHCM cho rằng, phải chấm dứt tình trạng trường ĐH đào tạo không có chất lượng, khuyến khích các trường ĐH tỉnh tự chủ (Trường ĐH Trà Vinh là trường thuộc tỉnh đầu tiên vừa được Thủ tướng cho thí điểm tự chủ) để cạnh tranh, nâng cao chất lượng. Nếu trường nào không đạt chất lượng thì dừng tuyển sinh. Song song đó, khuyến khích phát triển các trường tư thục nhưng phải đảm bảo đúng các điều kiện thành lập trường, đội ngũ giảng dạy, cơ sở vật chất.
THANH HÙNG/SGGP