Thứ Bảy, 12/10/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 3/7/2010 15:34'(GMT+7)

FDI tăng – Mừng và lo

Việc thực hiện các cam kết đầu tư cùng với việc đổi mới, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách đầu tư nước ngoài trong thời gian qua đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Gia nhập WTO- gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài

Sau khi gia nhập WTO, với mức tăng trưởng cao về vốn thực hiện, tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực đầu tư nước ngoài so với tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã tăng từ 16,2% năm 2006 lên gần 31% năm 2008. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, tỷ trọng này sang năm 2009 giảm xuống còn 25,5%. Việc gia nhập WTO cũng góp phần tích cực cho việc huy động vốn đầu tư vào nền kinh tế. Theo tỷ lệ so với GDP, tổng vốn đầu tư toàn xã hội sau khi nước ta gia nhập WTO cũng đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Năm 2007, tổng vốn đầu tư toàn xã hội bằng 46,5%, năm 2008, đạt 41,5% và sang năm 2009, con số này là gần 43% GDP.

Ba năm sau khi gia nhập WTO, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước ta có sự tăng trưởng đột biến. Năm 2006 là năm nước ta mới hoàn tất việc đàm phán gia nhập WTO thì luồng vốn FDI đổ vào nước ta đạt 12 tỷ USD. Năm 2007, con số này tiếp tục lập kỷ lực mới với hơn 21 tỷ USD. Năm 2008, vốn FDI đã tăng gấp 3 lần năm trước, với mức gần 72 tỷ USD. Năm 2009, mặc dù bị tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế nhưng vốn FDI vào Việt Nam cũng nhiều hơn năm 2007. Điều này cho thấy niềm tin vào sự phát triển kinh tế nước ta của các nhà đầu tư nước ngoài.

Không chỉ riêng việc thu hút đầu tư mà việc giải ngân vốn đầu tư nước ngoài cũng là điểm sáng. 5 tháng đầu năm nay, vốn FDI đăng ký mới đạt 7,5 tỷ USD, trong khi lượng vốn giải ngân đạt tới 4,5 tỷ USD. Xu hướng phục hồi tiếp tục thể hiện trong các con số về thu hút, xuất khẩu và tình hình hoạt động của các doanh nghiệp. Tức là bình quân từ đầu năm đến nay, giải ngân vốn FDI của Việt Nam đạt khoảng 900 triệu USD/tháng.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài là liệu nguồn lực này có tạo ra năng lực ngoại tệ cũng như quan hệ thương mại tốt giữa Việt Nam với các nước hay không?

PGS – TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phân tích: “Cách nhìn của chúng tôi bắt đầu từ chỗ đánh giá lại mô hình tăng trưởng của Việt Nam. Mô hình giúp chúng ta gặt hái được nhiều thành công là mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, không cần nỗ lực theo nghĩa hiệu quả, chất lượng cạnh tranh và khi hội nhập nó cho thấy rằng điều đó đúng là như vậy. Tại sao cơ hội nhiều, FDI vào nhiều, cơ hội mở ra, một nền kinh tế nghèo, thiếu vốn mà lại bội thực vốn đầu tư? Đấy là câu chuyện chúng ta phải tính đến, đó là năng lực tiếp nhận được vốn. Chúng ta mở cửa, bùng nổ tăng trưởng xuất khẩu, bùng nổ tăng trưởng nhập khẩu nhưng kết quả về mặt cơ cấu là nhập siêu tăng lên dữ dội”.

Mừng và lo

Vấn đề đối với nước ta hiện nay là đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nhiều chưa hẳn đã là mừng mà lo nhiều hơn. Có thể nói điều này vì có rất nhiều dự án khổng lồ cam kết vào Việt Nam sẽ gây ra những xáo trộn không nhỏ đối với môi trường kinh doanh nước ta. Hơn nữa, liệu chúng ta có chuẩn bị đầy đủ nguồn lực để tiếp nhận được những “siêu” dự án này hay không. Những chuẩn bị của nước ta đối với những dự án khổng lồ này không đơn thuần về mặt cơ sở hạ tầng, mà còn là về đội ngũ quản trị, lãnh đạo địa phương. Nếu không chuẩn bị tốt, doanh nghiệp FDI sẽ “bê” hết bộ máy của họ vào, chỉ tận dụng nguồn đất ưu đãi của nước ta.

Tiến sĩ Đinh Văn Ân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định: “Tác động của WTO đối với FDI tại Việt Nam là rất lớn, tuy nhiên cũng có những vấn đề đáng lưu ý khi thu hút FDI với những thuận lợi do WTO đem lại. Thực tế là Việt Nam trước mắt vẫn dựa quá nhiều vào FDI để tăng trưởng; thứ hai, bộc lộ khả năng hấp thụ vốn chưa cao của nền kinh tế. Chúng ta không biết xử lý, không hấp thu được thì không những không tranh thủ được thời cơ, mà không cẩn thận thì thời cơ lại biến thành thách thức.”

Từ năm 2000, nước ta đã tiến hành cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Với việc trở thành thành viên của WTO và trước áp lực cạnh tranh ngày càng tăng, những biện pháp được thực thi ngày càng thể hiện tính hiệu quả trong cuộc sống. Khi nước ta tham gia nhiều hơn vào quá trình toàn cầu hóa, nền kinh tế sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ các biến cố của kinh tế thế giới. Bên cạnh đó, dòng vốn FDI tăng đột biến cho thấy những yếu kém về thể chế cũng như khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn kém. Đây là một trong những nút thắt của nền kinh tế đã được nhìn nhận và đang được tháo gỡ.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nêu ý kiến: “Đây là lúc chúng ta thực sự cần rà soát lại, những dự án nào sau một năm không thực hiện được thì cắt bỏ không thương tiếc. Thứ hai, những dự án mang lại hậu quả xấu về lâu dài, không tạo giá trị gia tăng cho người Việt Nam, rất nên xem xét lại”.

Mặc dù vốn FDI đăng ký khá lớn nhưng còn nhiều vấn đề cần được nhìn nhận một cách xác thực hơn để Việt Nam có được những chính sách và biện pháp phù hợp để vốn FDI phát huy hiệu quả cho sự phát triển kinh tế đất nước./.

Thái Hà - VOVnews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất