Thứ Năm, 26/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Sáu, 1/5/2015 10:28'(GMT+7)

Festival Nghề truyền thống Huế 2015: Nơi hội tụ tinh hoa các nghề truyền thống nước ta

Đúng với chủ đề "Tinh hoa Nghề Việt", Festival Nghề truyền thống Huế 2015 thực sự là nơi hội tụ tinh hoa nghề truyền thống nước ta nói chung và thành phố Huế nói riêng, là sự tiếp nối kết quả đã đạt được qua các kỳ Festival, là sự kiện văn hóa và kinh tế lớn có ý nghĩa quan trọng nhằm khẳng định và tôn vinh những giá trị tinh hoa của di sản ngành nghề truyền thống, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. 

Diễn ra từ 28/4 - 2/5, không gian tôn vinh nghệ nhân và các làng nghề thu hút 150 nghệ nhân, phần lớn là nghệ nhân bàn tay vàng, nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú đến từ 34 làng nghề truyền thống tiêu biểu, nổi tiếng, trong cả nước, nhằm trưng bày kinh doanh sản phẩm, giới thiệu kỹ thuật và các công đoạn, quy trình sản xuất độc đáo của các nghề và làng nghề... Tại Festival Nghề truyền thống Huế năm 2015, một số nghề, làng nghề truyền thống tiêu biểu của Thừa Thiên - Huế được giới thiệu như: May, thêu, giấy; giới thiệu các nghề có sản phẩm độc đáo gắn với du lịch Huế như: pháp lam, kim hoàn, chạm, khảm, mỹ nghệ đồng, gốm... và ẩm thực Huế (bún bò, cơm hến, bánh bèo, bánh khoái...); cùng với một số làng nghề truyền thống đặc sắc của các địa phương khác như: Gốm Bát Tràng, dệt lụa, thêu, may, mỹ nghệ cũng tham gia với thành phố Huế. 

Festival Nghề truyền thống Huế 2015 diễn ra tại nhiều điểm của khu vực trung tâm thành phố Huế, gồm: Phu Văn Lâu, Bảo tàng Văn hóa Huế, đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, công viên Tứ Tượng, Công viên Thương Bạc... Đáng chú ý, không gian tôn vinh nghệ nhân và các làng nghề được tổ chức tại phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, Công viên Tứ Tượng và Bảo tàng Văn hóa Huế . Nghệ nhân và các làng nghề được tôn vinh trong không gian trữ tình, thoáng đãng bên bờ sông Hương, với hệ thống nhà rường truyền thống và cảnh sắc đậm đà nét Huế. 

Ông Nguyễn Đăng Thạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố, Phó trưởng Ban Tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế 2015 cho biết: Năm nay, quy mô tổ chức, số lượng nghề, làng nghề và nghệ nhân tham gia tại Festival Nghề truyền thống Huế nhiều và phong phú. Các nghệ nhân thủ công tài hoa và thợ thủ công các làng nghề đã mang đến cho Festival những sắc thái đặc biệt, sự đoàn kết gắn bó cùng gìn giữ và phát huy giá trị tinh hoa của các làng nghề Việt. Đây cũng là cơ hội để các cơ sở sản xuất kinh doanh gặp gỡ, giao lưu và trao đổi mua bán các sản phẩm làm ra.

Ở công viên Tứ Tượng và dọc phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu bên bờ sông Hương, không gian trưng bày và quãng diễn các làng nghề sôi động hơn; nhất là các công đoạn và kỹ thuật làm nghề của các nghệ nhân, thợ thủ công các làng nghề tiêu biểu như gốm sứ Bát Tràng, Bình Dương và Phước Tích; đất nung Quảng Nam, Bầu Trúc Ninh Thuận; sơn mài tương Bình Hiệp, thổ cẩm lanh Lùng Tiên (Hà Giang); mây tre Chuyên Mỹ. Thành phố Huế có thêu Đức Thành và Thuận Lộc, nón lá Phú Cam, diều Huế, Kim hoàn Duy Mong, nghề làm mõ, làm hương trầm... luôn thu hút đông đảo công chúng và khách du lịch. tham gia festival. 

Anh Trần Đức Nam đến từ Đồng Hới, Quảng Bình ấn tượng với gian trưng bày nghề nuôi tằm, kéo kén, ươm tơ, dệt lụa của làng lụa Hội An, Quảng Nam; hoặc xem thao diễn nghề dệt zèng ở A Lưới; trình diễn các công đoạn dệt lanh Lùng Tám đến từ Hà Giang; nghệ thuật làm gốm của làng nghề Bàu Trúc, Ninh Thuận. Tất cả tạo nên sự hấp dẫn, thú vị cho không gian tôn vinh nghệ nhân và làng nghề, bởi những câu chuyện làm nghề và giữ nghề truyền thống. Ấn tượng nhất vẫn là không gian tôn vinh nghệ nhân, dệt zèng của người Tà Ôi ở A Lưới, mọi người rất thú vị trước cách dệt rất đơn giản của các nghệ nhân. Năm nay, sản phẩm nghề dệt zèng A Lưới còn được nâng tầm, trang phục với những hoa văn mới lạ, hấp dẫn được đưa lên sân khấu, tham gia trình diễn tại lễ khai mạc Festival nghề truyền thống Huế. 

Tại gian trưng bày nghề thổ cẩm lanh truyền thống của người Mông đem đến từ xã Lùng Tám (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang), khách tham quan hết sức thích thú được xem các nghệ nhân ngồi xe sợi, quay lanh và cắm cúi dệt trên khung cửi cổ truyền... Ðiều được nhiều người chú ý chính là công đoạn vẽ sáp lên nền vải trước khi cho vào nhuộm. Ðây được xem là tuyệt kỹ của thổ cẩm Tây Bắc. Những chỗ vải có sáp dính vào sẽ không thấm màu qua khâu nhuộm, do đó đã tạo ra các sắc thái hoa văn rất đặc biệt. Theo nghệ nhân Vàng Thị Mai, để hoàn tất một tấm thổ cẩm, các nghệ nhân và người thợ phải trải qua trên 40 công đoạn. Tất cả đều làm bằng sợi lanh và màu sắc được lấy từ các cây trái trong rừng. Nghề lanh thổ cẩm dân tộc Mông có từ rất lâu, với đặc tính ưu việt của sợi lanh mùa đông thì ấm, mùa hè lại mát nên đây là sản phẩm truyền thống rất được ưa chuộng của người Mông. 

Thợ thủ công truyền thống Huế còn mang đến lễ hội không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm đúc đồng Huế. Nổi bật là sản phẩm truyền thống của làng nghề, từ vật dụng thờ cúng như chuông, tượng đến những vật dụng gia đình, hàng lưu niệm, mỹ nghệ... Người xem đặc biệt chú ý các sản phẩm như cặp đèn với hoạ tiết Long, Lân, Quy, Phụng được đúc nổi tinh xảo; nhóm tượng chân dung nghệ thuật về Bác Hồ, Đại hồng chung của nghệ nhân Nguyễn Văn Đệ; trống đồng của nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Sính; cửu đỉnh của nghệ nhân Nguyễn Văn Tuệ... Đây là nghề đúc đồng có nguồn gốc từ thời chúa Nguyễn, khoảng đầu thế kỷ 17 ở Huế. Rất nhiều sản phẩm của người thợ đúc đồng Phường Đúc khi xưa đã trở thành những kiệt tác di sản trong kho tàng văn hóa vật thể kinh thành Huế. Qua không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm đúc đồng lần này nhằm tôn vinh nghề và nghệ nhân làng nghề đúc đồng Huế đến người dân và du khách gần xa, từ đó góp phần cho công tác bảo tồn và phát triển làng nghề. 

Ở một nghề thủ công truyền thống khác của Huế là sự góp mặt của nghệ nhân thêu Lê Văn Kinh. Ông đã đồng hành với lễ hội suốt từ năm 2005 đến nay. Lần này, nghệ nhân Lê Văn Kinh mang đến Festival "Tinh hoa nghề Việt" với hàng chục tư liệu quý và trên 80 tác phẩm thêu nghệ thuật đặc sắc, độc đáo, trong đó có ba bộ tranh thêu đạt kỷ lục quốc gia. Danh tiếng và uy tín của ông Lê Văn Kinh đã được hãng Okuyama (hãng thêu áo Kimono) ở cố đô Kyoto, Nhật Bản biết đến. Đến nay, xưởng thêu Kimono thuộc Công ty UNIMEX Huế có 50 nghệ nhân thêu đang làm việc liên tục, hàng năm cung ứng 2.000 sản phẩm do công ty Shuei, Kyoto (Nhật Bản) đặt hàng. Ông là nghệ nhân dân gian đầu tiên của Huế được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian năm 2003. Mười năm sau, năm 2013, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. 

Tinh hoa nghề Việt tại Festival Nghề truyền thống Huế 2015 còn có sự góp mặt nghề truyền thống Hàn Quốc - Nhật Bản cùng hội tụ. Đáng chú ý là có không gian trưng bày các sản phẩm nghề thủ công truyền thống thành phố Gyeongju (Hàn Quốc), thành phố Saijo và trang phục Kimono (Nhật Bản), cùng nhiều tác phẩm nghệ thuật, ứng dụng đặc sắc. Thành phố Gyeongju - Hàn Quốc giới thiệu với lễ hội một tổ hợp các không gian làng nghề như: nghệ thuật làm tóc truyền thống và nghề gốm; trong khi thành phố Saijo - Nhật Bản, ngoài trang phục Kimono là tranh ảnh giới thiệu văn hóa và nghề làm giấy truyền thống... 

Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND thành phố Huế khẳng định: Đến giờ phút này có thể nói, Festival nghề truyền thống Huế đã góp phần giữ gìn và nâng cao vị thế của Cố đô Huế - Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, thành phố bền vững về môi trường và thành phố văn hóa của cộng đồng ASEAN. Sự kiện này còn có ý nghĩa tăng cường mối quan hệ liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư trên mọi lĩnh vực, gắn các sản phẩm nghề truyền thống với du lịch, với thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế, kết quả đạt được như mục đích đã đặt ra./. 

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất