Chủ Nhật, 17/11/2024
Thế giới
Thứ Năm, 9/7/2009 19:28'(GMT+7)

G-8 - Lực bất tòng tâm

8 nhà lãnh đạo G-8 (trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo châu Âu (EU và EC)

8 nhà lãnh đạo G-8 (trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo châu Âu (EU và EC)

Những ngày này, thành phố L'Aquila xinh đẹp và thơ mộng ở miền Trung Italia bỗng trở nên nhộn nhịp khác thường do sự có mặt của các nhà lãnh đạo nhiều nước trên thế giới. Họ tới đây để tham dự Hội nghị thượng đỉnh thường niên Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-8) và Diễn đàn các nền kinh tế lớn (MEF), diễn ra trong 3 ngày từ 8-10/7 nhằm thảo luận các chủ đề như sự ổn định của kinh tế thế giới, quy tắc tài chính quốc tế, biến đổi khí hậu, thương mại, an ninh lương thực và viện trợ.

Những kết quả làm việc đầu tiên

Ngay ngày làm việc đầu tiên 8/7, lãnh đạo các nước G-8 nhận định rằng nền kinh tế thế giới đang có những dấu hiệu ổn định, song vẫn phải đối mặt với rất nhiều "nguy cơ đáng kể". Trong dự thảo tuyên bố chung dự kiến được đưa ra vào cuối hội nghị, G-8 cho rằng đã có những dấu hiệu ổn định ở các nền kinh tế thành viên, trong đó có sự phục hồi đáng kể của các thị trường chứng khoán, nhưng tình hình vẫn chưa chắc chắn và đang tiềm ẩn những rủi ro. Các nước G-8 cam kết tiếp tục thực hiện những biện pháp cần thiết để đưa nền kinh tế toàn cầu trở lại quỹ đạo tăng trưởng mạnh, ổn định và bền vững. G-8 cho rằng để đảm bảo sự phục hồi lâu dài, các nước cần phát triển những "chiến lược thoát hiểm" riêng để vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Tuy nhiên, vấn đề được Trung Quốc quan tâm nhất là thúc đẩy việc tìm kiếm một đồng tiền khác để thay thế đồng USD trong hệ thống thanh toán quốc tế, đã không được đề cập trong dự thảo tuyên bố chung. Thay vào đó, văn kiện chỉ nhắc đến tình trạng "mất cân bằng" toàn cầu với nội dung chung chung: "Để có sự tăng trưởng lâu dài một cách ổn định và bền vững, thế giới cần giảm dần sự mất cân bằng hiện nay trong các tài khoản vãng lai".

Ngoài vấn đề kinh tế, lãnh đạo các nước G-8 còn thảo luận một loạt vấn đề quốc tế "nóng" hiện nay như vấn đề CHDCND Triều Tiên, tình hình Iran sau bầu cử và chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran. Tuy nhiên, theo nhận định của giới quan sát, các kết luận của G-8 chưa thể dẫn đến bất kỳ hành động ngay lập tức nào. Vấn đề Triều Tiên thử tên lửa, Hội nghị G-8 sẽ chỉ đưa ra một "thông điệp lên án mạnh mẽ".

Ngày 9/7, Hội nghị thượng đỉnh G-8 được mở rộng thành Diễn đàn các nền kinh tế lớn (MEF - G8+5)) với sự tham dự của đại diện 5 nền kinh tế mới nổi (gồm Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico và Nam Phi), cùng Ai Cập (đại diện Trung Đông) và một số nước châu Phi. Lĩnh vực nhiều khả năng đạt bước đột phá nhất tại hội nghị này là thương mại. Dự thảo tuyên bố chung cho thấy Nhóm "G8+5" sẽ nhất trí hoàn tất vòng đàm phán tự do thương mại Doha vào năm 2010.

Tuy nhiên, vấn đề chống biến đổi khí hậu, vốn là một chủ đề chính của hội nghị và từng rất được kỳ vọng, có thể sẽ không có được những cam kết lớn về cắt giảm khí thải. Vào phút chót của cuộc họp bộ trưởng trù bị cho hội nghị MEF, khối các nước phát triển (đại diện là Mỹ và EU) và các nước đang phát triển (như Trung Quốc và Ấn Độ) đã không thống nhất được mục tiêu chung cuối cùng về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2050. Các nước công nghiệp đã từ bỏ cam kết giảm 50% lượng khí thải vào năm 2050. Dự thảo tuyên bố chung không đề cập cam kết cụ thể nào trong lĩnh vực này, thay vì vậy chỉ đưa ra sự nhất trí về việc cần thiết phải hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu xuống 2 độ C kể từ thời tiền công nghiệp.

G-8 đã già cỗi

Dù là hội nghị của những nền kinh tế “hoành tráng” nhất thế giới hiện nay, song trong bối cảnh kinh tế thế giới đang khủng hoảng và chưa thể tìm được lối thoát nhanh chóng và hợp lý, . Dư luận nhìn chung ít người ta chợt nhận ra “Câu lạc bộ nhà giàu” G-8 đã không còn nhiều quyền năng và vai trò của tổ chức này ngày càng mờ nhạthy vọng vào kết quả hội nghị lần này, bởi cơ cấu của G-8 dường như không còn phù hợp với tình hình thế giới hiện nay.

Các cường quốc kinh tế G-8 có trách nhiệm phải ổn định thị trường tài chính, quản lý và điều tiết kinh tế toàn cầu, tránh không để thị trường tự do bị lợi dụng. Thế nhưng, G-8 đã không hoàn thành trách nhiệm này khi lần lượt từng nước thành viên G-8 rơi vào suy thoái kinh tế. “Lực bất tòng tâm”, không thể giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính thế giới, G-8 đang dần đánh mất tầm quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu và hiện phải đối mặt với những lời kêu gọi giải tán. Trong khi đó vị thế chính trị - kinh tế của các nước đang phát triển mới trỗi dậy như Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi… lại không ngừng được nâng cao. Nhóm G-8 - gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Nga và Mỹ - hầu như chỉ làm được một việc là đưa ra những tuyên bố chung chung kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu từ tháng 9 năm ngoái. Gánh nặng giải quyết khủng hoảng được chuyển sang nhóm G-20 - gồm các nước G-8 và một số thị trường mới nổi như Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi. Ngay cả một số nhà lãnh đạo Đức và Pháp, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel, cũng phải thừa nhận rằng thể chế của G-8 đã "già cỗi", không còn "xứng tầm" để giải quyết hiệu quả các vấn đề quốc tế lớn, do đó cần phải được mở rộng với sự tham gia của một số nền kinh tế mới nổi.

G-8 sẽ không còn đáp ứng được những yêu cầu của thời đại. Đứng trước những vấn đề mang tính toàn cầu, G-8 cần phối hợp với các nước đang phát triển để tìm kiếm đối sách hữu hiệu. Điều đó không chỉ có lợi đối với việc giải quyết một số vấn đề cấp bách hiện nay, mà còn có lợi cho việc thúc đẩy quan hệ đối tác Nam-Bắc một cách bình đẳng, mang lại cơ hội mới cho thế giới nói chung và từng nước nói riêng. Richard Portes, một nhà nghiên cứu tại Trường Kinh tế London, cho rằng G-8 hiện “không còn thích hợp với hầu hết các vấn đề quan trọng” bởi vì “G-8 không thể tự đối phó với các vấn đề về môi trường, thương mại, tài chính quốc tế nếu thiếu sự đóng góp của Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil hay Nam Phi”. Nhà phân tích Barry Echengreen của trường Đại học California cũng cho rằng thật là ngờ nghệch nếu tưởng tượng ra một cuộc cải cách thể chế tài chính quốc tế có tính lâu bền khi thiếu sự tham gia của nước có lượng dự trữ ngoại tệ lớn nhất - Trung Quốc.

Hội nghị năm nay thiếu đi sức hấp dẫn vì các nền kinh tế G-8 đều đang chìm trong khủng hoảng. G-8 đang rất cần sự hợp tác từ các nước khác nên sự có mặt của 14 nền kinh tế mới nổi tại L'Aquila cho thấy G-8 không thể bỏ qua vai trò ngày càng tăng của các nước đang phát triển. Do vậy, phần lớn các nhà ngoại giao quốc tế tin rằng ngày tàn của G-8 đang điểm. Lịch sử quả đã minh chứng rằng đứng trước một số thách thức mang tính toàn cầu, cần có sự hợp tác của các nước phát triển và các nước đang phát triển. Và sự hợp tác này sẽ mang lại cơ hội mới cho thế giới nói chung và các nước nói riêng./.

Lan Hà

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất