Tại cuộc họp ngày 8/7, lãnh đạo các nước nhóm G8 đã công bố một bản tuyên bố chung về tình hình kinh tế, trong đó khẳng định, nền kinh tế thế giới mới đây đã ở trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Mặc dù hiện đã có những dấu hiệu ổn định, tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới vẫn còn bất trắc và những nguy cơ tiếp tục đe doạ sự ổn định về kinh tế - tài chính toàn cầu, đặc biệt là tình trạng thâm hụt ngân sách ngày càng cao của các quốc gia.
Các nhà lãnh đạo nhóm G8 sẽ áp dụng các biện pháp mang tính quốc gia và tập thể cần thiết để đưa nền kinh tế thế giới trở lại con đường tăng trưởng mạnh và ổn định. Lãnh đạo các nước G8 cũng cho rằng, đã đến lúc phải chuẩn bị các chiến lược hỗ trợ kinh tế với sự giúp đỡ của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).
Đối với các hình thức lừa đảo mới trong nền kinh tế toàn cầu hoá, Thủ tướng Thụy Điển Fredrik Reinfeldt - nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu EU cho rằng: “Chúng ta cần các thị trường tài chính toàn cầu. Đó là khía cạnh tích cực của toàn cầu hoá. Tuy nhiên, các thị trường này đôi khi bất ổn và tạo cơ hội cho nhiều hình thức lừa đảo. Để ngăn chặn tình trạng này, cần có sự giám sát chặt chẽ không chỉ ở quy mô quốc gia, mà phải có sự phối hợp lẫn nhau trên toàn cầu”.
Ngoài vấn đề kinh tế, các nhà lãnh đạo G8 cũng thảo luận về vấn đề chống biến đổi khí hậu. Đại diện các nước đã đạt được thoả thuận về mục tiêu ngăn chặn nhiệt độ trái đất ấm lên 20C bằng việc giảm ít nhất 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên thế giới từ nay tới năm 2050.
Các cuộc thảo luận sẽ tiếp tục được mở rộng trong ngày 9/7 tới 17 quốc gia có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất thế giới, trong đó có các nước mới nổi như Trung Quốc, Brazil, Indonesia. Những nước này hiện nay không đồng tình với việc giảm 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ nay tới năm 2050./.
TG (theo VOV)