Thứ Năm, 28/11/2024
Y tế - Dân số
Thứ Sáu, 28/11/2014 16:29'(GMT+7)

Gần 40.000 người đã đăng ký hiến tặng giác mạc trên toàn quốc

Bác sỹ Bệnh viện Mắt Trung ương khám mắt cho bệnh nhân. (Ảnh: TTXVN)

Bác sỹ Bệnh viện Mắt Trung ương khám mắt cho bệnh nhân. (Ảnh: TTXVN)

Tại buổi lễ tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của người hiến giác mạc năm 2014 và lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Ngân hàng mắt (2009-2014), do Bệnh viện Mắt Trung ương tổ chức sáng 28/11, Phó giáo sư Đỗ Như Hơn cho hay, đến nay Ngân hàng mắt đã thu nhận được 461 giác mạc của 235 người hiến tặng giác mạc sau khi qua đời.

Phó giáo sư Đỗ Như Hơn đánh giá, đây không chỉ là thành tựu của Bệnh viện Mắt Trung ương, của ngành mắt Việt Nam mà còn là thành quả của các tổ chức, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân quan tâm, hướng tới và thực hiện nghĩa cử cao đẹp và nhân văn. Bởi một người hiến tặng giác mạc sau khi qua đời, mang lại ánh sáng cho hai người mù.

Tại buổi lễ, Giám đốc Ngân hàng mắt Nguyễn Hữu Hoàng cho biết, theo ước tính, Việt Nam hiện có trên 30.000 người mù do bệnh lý giác mạc cần được thực hiện phẫu thuật ghép giác mạc để tìm lại ánh sáng. Đặc biệt, mỗi năm số người mù do bệnh lý giác mạc lại tăng thêm 15.000 người.

Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, danh sách người đăng ký chờ ghép giác mạc lên tới hàng nghìn người.

Ông Nguyễn Hữu Hoàng cho hay, hiện nay phẫu thuật ghép giác mạc ở Việt Nam đạt trình độ tiên tiến, hiện đại, đội ngũ phẫu thuật viên ngày càng đông. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn nhiều khó khăn do nguồn giác mạc vô cùng khan hiếm, lượng hiến tặng giác mạc thời gian qua mới chỉ đáp ứng được số lượng rất nhỏ so với nhu cầu thực tế. Vì vậy có hàng trăm nghìn bệnh nhân đang phải chấp nhận sống trong cảnh mù lòa, chờ đợi vào nguồn giác mạc duy nhất từ người hiến sau khi qua đời.

Cũng tại buổi lễ, Bệnh viện Mắt Trung ương đã tổ chức tôn vinh 37 người và gia đình đã hiến tặng giác mạc trong năm 2014; khen thưởng 33 tổ chức, cá nhân tiêu biểu có đóng góp lớn cho Ngân hàng mắt và hoạt động vận động hiến giác mạc thời gian qua.

Năm 2006, Luật Hiến ghép mô và bộ phận cơ thể người, hiến và lấy xác đã chính thức được Quốc hội thông qua.

Tháng 5/2009, Ngân hàng mắt đầu tiên ở Việt Nam chính thức được thành lập và đi vào hoạt động. Đây là một đơn vị phi lợi nhuận với nhiệm vụ và chức năng chính là tuyên truyền, vận động người dân hiến giác mạc, thu nhận, bảo quản, điều phối giác mạc./.

Giác mạc là lớp màng trong suốt nằm ngoài cùng nhãn cầu, phía trước tròng đen, cho ánh sáng đi qua và hội tụ ở đáy mắt giúp nhìn thấy mọi vật.

Những người có thể hiến tặng giác mạc:

Bất cứ ai cũng có thể hiến tặng giác mạc sau khi qua đời, không phụ thuộc vào tuổi tác, giới tính.

Những người có thị lực kém và ngay cả những người mắc các bệnh nan y như ung thư hay đái tháo đường… vẫn có thể hiến tặng giác mạc.

Giác mạc chỉ được thu nhận sau khi người hiến tặng đã qua đời. 

Thùy Giang (Vietnam+)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất