(TG) - Một hệ thống cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh kinh doanh vì lợi
nhuận không phải là một hệ thống cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh vừa rẻ,
vừa có chất lượng như người ta đã từng kỳ vọng vào nó. Mặt khác, cung
ứng dịch vụ khám chữa bệnh kinh doanh vì lợi nhuận còn có những tác động
xấu tới hệ thống chăm sóc sức khỏe nói chung.
Kinh nghiệm từ thực
tiễn thế giới, đặc biệt là kinh nghiệm từ chính các nước có nền kinh tế
thị trường phát triển, cho ta thấy một sự thật hoàn toàn trái ngược về
tính hiệu quả của hệ thống cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh tư nhân kinh
doanh vì lợi nhuận.
Phần trình bày dưới đây cung cấp những bằng chứng
chứng tỏ rằng hệ thống cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh tư nhân kinh
doanh vì lợi nhuận không đáp ứng được mục tiêu xây dựng một hệ thống y
tế theo định hướng công bằng và hiệu quả:
Chi phí ở y tế tư nhân vì lợi nhuận đắt hơn
Các nghiên cứu so sánh chi phí y tế đều cho kết luận
giống nhau: chi phí điều trị tại các cơ sở y tế kinh doanh vì lợi nhuận
đắt hơn so với các cơ sở y tế hoạt động phi lợi nhuận. Một nghiên cứu
tổng quan về chi phí điều trị của 350.000 bệnh nhân năm 2004 ở 324 bệnh
viên tại Mỹ cho thấy chi phí điều trị tại các cơ sở y tế tư nhân vì lợi
nhuận cao hơn 19% so với chi phí điều trị khu vực y tế không vì lợi
nhuận (1). Một nghiên cứu khác (2), đăng trên tạp chí British Medical
Journal cho thấy chi phí phẫu thuật mạch vành (coronary bypass) tại các
bệnh viện tư ở Anh cao hơn các bệnh viện công tới 91%. Bộ Y tế của Anh
cũng khẳng định rằng các thủ thuật thực hiện tại y tế tư nhân vì lợi
nhuận cao hơn bình quân 11,2% so với y tế công (3).
Nghiên cứu của Woolhandler và Himmelstein kết luận
các bệnh viện tư nhân kinh doanh vì lợi nhuận tại Mỹ có chi phí bình
quân một đợt điều trị nội trú là 8115 USD so với 6507 USD tại bệnh viện
công (Tạp chí New England Journal of Medicine (4). Một nghiên cứu khác
của E.M Siverman và cộng sự so sánh chi phí y tế mà quỹ BHYT Medicare
chi trả giữa hai khu vực, khu vực chỉ có các nhà cung ứng dịch vụ khám
chữa bệnh tư nhân kinh doanh vì lợi nhuận và khu vực chỉ có các nhà cung
ứng dịch vụ khám chữa bệnh phi lợi nhuận phục vụ cũng cho kết quả tương
tự.
Số liệu thống kê y tế của tổ chức OECD cũng cho thấy
các nước có tỷ lệ giường bệnh tư nhân vì lợi nhuận cao hơn thì cũng có
chi phí y tế bình quân đầu người cao hơn. Tổng chi phí y tế bình quân
đầu người tại Mỹ năm 2006 là 6714 USD tính theo sức mua tương đương
(PPP), lớn gấp đôi chi phí y tế bình quân đầu người của đa số các nước
thuộc tổ chức OECD còn lại.
Chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh ở khu vực tư nhân vì lợi nhuận kém hơn khu vực y tế công
Mặc dù chi phí của khu vực y tế tư nhân kinh doanh vì
lợi nhuận cao hơn, nhưng chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh không cao
hơn. Một nghiên cứu tổng quan năm 2003 so sánh khả năng tiếp
cận, chất lượng dịch vụ và chi phí hiệu quả giữa khu vực y tế công, y tế
tư nhân vì lợi nhuận và y tế tư nhân phi lợi nhuận, được lấy từ 149
công trình nghiên cứu với số liệu 20 năm qua. Trong số 149 công trình
nghiên cứu, có 88 nghiên cứu kết luận khu vực y tế phi lợi nhuận phục vụ
tốt hơn; 43 nghiên cứu không tìm thấy sự khác biệt. Chỉ có 18 nghiên
cứu cho rằng các trung tâm y tế kinh doanh vì lợi nhuận phục vụ tốt
hơn (5).
Một nghiên cứu theo dõi 500.000 bệnh nhân chạy thận
nhân tạo chu kỳ trong 1 năm đã chỉ ra rằng bệnh nhân chạy thận nhân tạo ở
các cơ sở y tế tư nhân kinh doanh vì lợi nhuận có xác suất tử vong cao
hơn khu vực phi lợi nhuận. Tỷ lệ tử vong ở các trung tâm thận nhân tạo
kinh doanh vì lợi nhuận lớn hơn 8% so với các trung tâm thận nhân tạo
hoạt động phi lợi nhuận. Nghiên cứu này khẳng định mỗi năm tại các trung
tâm thận nhân tạo kinh doanh vì lợi nhuận tại Mỹ có 2.500 ca tử vong
sớm hơn bình thường (6). Bệnh nhân tại các trung tâm này cũng ít có cơ
hội được giới thiệu chuyển đi ghép thận ở các sở y tế khác.
Ngoài ra, vấn đề lạm dụng chỉ định các dịch vụ khám
chữa bệnh không cần thiết và các dịch vụ khám chữa bệnh có tác dụng phụ
cũng nhiều hơn ở khu vực y tế tư nhân vì lợi nhuận. Một nghiên cứu đăng
tải trên tạp chí New England Journal of Medicine đưa ra bằng chứng về
việc bệnh nhân ở y tế tư nhân vì lợi nhuận chịu liều phóng xạ do chụp CT
cao hơn so với khu vực y tế công (7). Khi các bác sĩ có lợi ích tài
chính từ các cơ sở y tế hoạt động kinh doanh vì lợi nhuận thì việc chỉ
định sử dụng dịch vụ cao hơn rõ rệt. Các hình thức “bật tường”
(kickbacks) và tự chuyển bệnh nhân về cơ sở y tế của mình
(self-referrals) ở khu vực y tế tư nhân vì lợi nhuận đang là những vấn
đề nhức nhối tại Mỹ, dẫn tới việc chuyển viện không cần thiết và đẩy chi
phí y tế tăng thêm (8).
Phần trình bày ở trên cho thấy rõ ràng một hệ thống
cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh kinh doanh vì lợi nhuận không phải là
một hệ thống cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh vừa rẻ, vừa có chất lượng
như người ta đã từng kỳ vọng vào nó. Mặt khác, cung ứng dịch vụ khám
chữa bệnh kinh doanh vì lợi nhuận còn có những tác động xấu tới hệ thống
chăm sóc sức khỏe nói chung. Kinh nghiệm từ thực tiễn những nước có nền
kinh tế thị trường phát triển đã chứng minh cho kết luận trên.
Từ những kết quả phân tích nêu trên có thể khẳng định
rằng, giải pháp quan trọng nhất để phòng tránh xu hướng thương mại hóa
nền y tế trên thế giới là không đưa hệ thống cung ứng dịch vụ công thành
một hệ thống cung ứng dịch vụ kinh doanh vì lợi nhuận, không đưa cơ chế
thị trường vào hoạt động cung ứng dịch vụ của hệ thống cung ứng dịch vụ
khám chữa bệnh công./.
——————-
(1) Devereaux, P.J. et al. (2004). Payments for care
at private for-profit and private not-for-profit hospitals: a systematic
review and meta-analysis. Canadian Medical Association Journal
2004;170(12):1817-24.
(2) Dyer, O. (2004). NHS overcharged for private surgery. British Medical Journal 2004;328:1158 (15 May).
(3) House of Commons written answer, 20 September
2006, Ivan Lewis MP, cited in UNISON (2007). In the Interests of
Patients? The impact of the creation of a commercial market in the
provision of NHS Care. Revised edition – January 2007.
(4) Woolhandler S and Himmelstein DU. 1997. “.” New England Journal of Medicine; 336(11): 769-774
(5) Vaillancourt Rosenau P and Linder SH. 2003. “Two
decades of research comparing for-profit and nonprofit health provider
performance in the United States.” Social Science Quarterly; 84(2):
219-241.
(6) Devereaux PJ et al. 2002. “Comparison of
mortality between private for-profit and private not-for-profit
hemodialysis centers: a systematic review and meta-analysis.” Journal of
the American Medical Association; 288(19): 2449-2457.
(7) Brenner, D.J. and E.J. Hall (2007). Computed
Technology – An Increasing Source of Radiation Exposure. The New England
Journal of Medicine 357(22): 2277-2284.
(8) Choudhry, S., Choudhry, N.K., and Brown, A.D.
(2004). Unregulated private markets for health care in Canada? Rules of
professional misconduct, physician kickbacks and physician
self-referral. Canadian Medical Association Journal 170(7): 1115-1118.
PGS. TS. Đào Văn Dũng
Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương