Dịch sốt xuất huyết phân bố tại 30 quận, huyện và 307/584 xã phường,
chiếm 52%. Các quận ghi nhận nhiều bệnh nhân nhất là Hoàng Mai, Thanh
Trì, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Đống Đa. Đáng lưu ý, số ca mắc sốt xuất
huyết tăng cao từ đầu tháng Tám với tổng số mắc trong 2 tháng Tám và
Chín là 2.379 ca.
Hiện tại, toàn thành phố còn 103 ổ dịch tại 84 xã, phường của 19 quận,
huyện và khoảng 250 ca bệnh còn đang phải điều trị tại bệnh viện và tại
cộng đồng.
Trước tình hình dịch sốt xuất huyết, ngành y tế Hà Nội đã đẩy mạnh giám
sát tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng để phát hiện sớm ca bệnh và xử
lý triệt để khu vực có bệnh nhân và ổ dịch.
Ngoài ra, ngành y tế Hà Nội còn điều tra khoanh vùng, xử lý khu vực có
bệnh nhân và ổ dịch; tổ chức 745 chiến dịch diệt bọ gậy và 74 chiến dịch
phun hóa chất tại các xã, phường có nhiều bệnh nhân và ổ dịch.
Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, ngành
y tế đã tập trung thực hiện các biện pháp để khống chế dịch sốt xuất
huyết nhưng bên cạnh đó rất cần sự chủ động phòng chống của người dân.
Khó khăn trong công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết hiện nay là
người dân vẫn chưa chủ động khai báo khi gia đình có người bị nghi mắc
sốt xuất huyết.
Tỷ lệ hưởng ứng của người dân trong công tác xử lý ổ dịch gồm vệ sinh
môi trường và phun hóa chất đã tăng nhưng tỷ lệ hộ đi vắng vẫn còn cao.
Ngoài ra, việc diệt bọ gậy tại các hộ gia đình không được thực hiện
thường xuyên. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc
kéo dài của một số ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố.
Dự báo dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn vẫn có thể tiếp tục gia
tăng tại nhiều xã, phường và có thể xuất hiện mới có thể kéo dài đến hết
tháng 11 và sang cả tháng 12 nếu không quyết liệt triển khai các biện
pháp phòng, chống dịch.
Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố khuyến cáo, hiện tại bệnh sốt xuất
huyết chưa có vắcxin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Do đó, cách duy nhất để phòng bệnh là diệt muỗi vằn và bọ gậy của muỗi
vằn. Vì vậy, mỗi người dân và các cơ quan, xí nghiệp, trường học cần
thực hiện nghiêm túc việc diệt bọ gậy; thả cá vào các dụng cụ chứa nước
sinh hoạt và nước ăn của gia đình không cho muỗi có chỗ sinh sản.
Khi có người bị sốt cao liên tục trên 2 ngày, đau đầu, đau mỏi người
hoặc phát hiện người bị như trên đề nghị ra báo ngay cho nhân viên trực
tại trạm y tế xã phường hoặc cho số điện thoại đường dây nóng của các
trạm y tế để được khám và tư vấn ngay tránh trường hợp muộn dẫn đến tử
vong.
Đặc biệt, các gia đình cần hợp tác với các đoàn y tế, chính quyền địa
phương trong khi đi dập dịch để sớm ngăn chặn dịch sốt xuất huyết trên
địa bàn./.
Theo TTXVN