Tại hội thảo, tiến sỹ Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống
HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, trong nhiều năm qua, công tác phòng, chống
HIV/AIDS của Việt Nam đã đạt được những kết quả khả quan.
Trong giai đoạn 2006-2007, mỗi năm cả nước phát hiện thêm 30.000 người
nhiễm HIV mới, đến nay số người nhiễm mới còn khoảng 12.000 người, giảm
hơn 50%.
Trong những năm qua, mặc dù đã được triển khai bằng nhiều phương pháp và
hình thức khác nhau, nhưng hiện nay sự kỳ thị và phân biệt đối xử với
người nhiễm HIV vẫn còn tồn tại trong gia đình, xã hội, tại nơi làm việc
và môi trường y tế, đó là rào cản rất lớn cho công tác phòng chống
HIV/AIDS.
Theo thạc sỹ-bác sỹ Đỗ Hữu Thủy (Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế), sự
kỳ thị và phân biệt đối xử của xã hội, cộng đồng và gia đình sẽ gây khó
khăn cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, làm tăng tình trạng lây
nhiễm, đồng thời làm hạn chế một số quyền cơ bản của công dân.
Ngoài ra, việc quản lý, chăm sóc, điều trị và tư vấn người nhiễm HIV/AIDS của gia đình và cộng đồng cũng bị giảm đáng kể.
“Việt Nam rất khó đạt được mục tiêu xóa bỏ đại dịch AIDS vào năm 2030
nếu vẫn còn tình trạng phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, bởi nếu còn
kỳ thị và phân biệt đối xử, những người nghi nhiễm, người có nguy cơ
cao không dám đi xét nghiệm, không dám thừa nhận để điều trị bằng ARV và
sẽ vô tình làm lây nhiễm sang người khác,” bác sỹ Đỗ Hữu Thủy cho biết.
Tại hội thảo, đại diện Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) đã giới thiệu
về nội dung và nguyên tắc phối hợp trong hoạt động phòng, chống
HIV/AIDS, hỗ trợ và trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV, trong đó nhấn
mạnh đến vai trò của Sở Y tế và Sở Tư pháp các địa phương.
Việc triển khai Quy chế phối hợp trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS
tại các địa phương không chỉ tăng cường khả năng tiếp cận của người
nhiễm HIV với dịch vụ trợ giúp pháp lý, mà còn nâng cao nhận thức của
đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành y tế trực tiếp làm công tác phòng, chống
HIV/AIDS và đội ngũ người thực hiện công tác trợ giúp pháp lý./.
Theo TTXVN