Trong điều kiện Đảng cầm quyền thì phương thức lãnh đạo của Đảng có tác động trực tiếp đến hoạt động của hệ thống chính trị, đặc biệt là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội; phát huy dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân...
Đại hội lần thứ XII của Đảng đã thành công tốt đẹp. Thành công của Đại hội XII tạo khí thế mới thúc đẩy toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng. Nghị quyết Đại hội XII khẳng định: Một trong những nguyên nhân để đất nước đạt được những thành tựu quan trọng có tính lịch sử là Đảng ta luôn xác định phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt. Trên tinh thần ấy, tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên có quan điểm, lập trường tư tưởng vững vàng, giữ vững phẩm chất đạo đức, vai trò tiên phong, gương mẫu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ; trở thành trung tâm tập hợp nhân dân và hệ thống chính trị tham gia công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình cho biết: "Nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt, là vấn đề then chốt trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, ngay khi quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Tỉnh ủy Ninh Bình tập trung quán triệt, nghiên cứu, lãnh đạo, tổ chức thực hiện 10 nhóm giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm được Đảng đề ra trong nhiệm kỳ 2015-2020. Trong đó, chúng tôi đặc biệt coi trọng nhiệm vụ thứ 10 là "đổi mới phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền của Đảng". Chúng tôi cho rằng: Đây là nhiệm vụ có vai trò, vị trí, ý nghĩa rất lớn, quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng; sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới".
Nói về vị trí, vai trò trong việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng: Năng lực lãnh đạo của Đảng là sự kết tinh bởi nội dung lãnh đạo và phương thức lãnh đạo. Phương thức lãnh đạo tốt sẽ tạo động lực cho các tổ chức trong hệ thống chính trị phát huy vai trò, vị trí của mình và ngược lại. Vì thế, đổi mới phương thức lãnh đạo luôn là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta. Phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc, phong cách công tác là vấn đề hết sức quan trọng, liên quan đến hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo và ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác. Phương thức lãnh đạo của Đảng có nội hàm rất rộng, bao gồm các lĩnh vực hoạt động của Đảng để lãnh đạo xã hội, trọng tâm là phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị. 86 năm qua, Đảng ta luôn chủ động cải tiến, đổi mới phương thức lãnh đạo phù hợp với yêu cầu phát triển của tình hình thực tiễn, khẳng định vai trò, vị trí quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng; đồng thời không ngừng trưởng thành và tích lũy được những kinh nghiệm quý báu trên các lĩnh vực hoạt động.
Chặng đường 5 năm tới và những năm tiếp theo, đứng trước những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức mới, đòi hỏi tất yếu phải tăng cường xây dựng Đảng ta vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, giữ vững vai trò lãnh đạo để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Từ những kết quả và kinh nghiệm thực tiễn, toàn Đảng, từ Trung ương tới cơ sở phải đặc biệt quan tâm thực hiện tốt việc đổi mới phương thức lãnh đạo, trước hết phải khắc phục cho được những hạn chế, yếu kém mà Đảng đã chỉ ra trong nhiệm kỳ qua. Cần tiếp tục tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về đảng cầm quyền, bảo đảm lý luận đi trước, soi đường, làm sáng rõ hơn các nội dung căn cốt trong điều kiện Đảng cầm quyền, như: Mục đích cầm quyền, phương thức cầm quyền, nội dung cầm quyền, điều kiện cầm quyền; vấn đề phát huy dân chủ... Đây là vấn đề cốt lõi, có ý nghĩa quyết định để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng Đảng, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng.
Theo đó, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng phải bắt đầu từ nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành nghị quyết của Đảng và đổi mới tư duy cán bộ. Vì vậy, nghị quyết khi ban hành phải thiết thực, ngắn gọn, khả thi; phải tính đến cân đối các nguồn lực và điều kiện bảo đảm triển khai thực hiện có hiệu quả; phân công rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân, thời hạn hoàn thành các nhiệm vụ và giải pháp được ghi trong nghị quyết. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kiên quyết, dứt điểm việc cụ thể hóa, thể chế hóa, tổ chức thực hiện nghị quyết; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc; đổi mới cách thức quán triệt, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng, bảo đảm tính hiệu quả. Đẩy mạnh cải cách hành chính trong Đảng, khắc phục những thủ tục rườm rà, bất hợp lý, giảm bớt giấy tờ, giảm mạnh hội họp.
Đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh: Để xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch vững mạnh, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, đặc biệt là với Nhà nước. Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng chủ trương, chính sách; lãnh đạo thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật; lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất và năng lực; lãnh đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách và hệ thống pháp luật... Để phát huy tốt vai trò lãnh đạo của mình, các tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở và đội ngũ đảng viên phải gương mẫu tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; phải không ngừng học tập, rèn luyện, tu dưỡng nâng cao trình độ, kiến thức toàn diện đáp ứng yêu cầu sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới.
Vấn đề cụ thể hóa phương thức lãnh đạo của Đảng đã được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Theo đó, ở tất cả các cấp, phương thức lãnh đạo của Đảng được thể hiện thông qua những quy chế, quy định, quy trình cụ thể. Tuy nhiên, việc phát huy vai trò của nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng là hết sức quan trọng. Vì vậy, trong bài phát biểu bế mạc Đại hội XII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh đến việc tin dân, gần dân và trọng dân. Đó chính là vấn đề cốt lõi về phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện hiện nay. Bài học lấy dân làm gốc từ khi Đảng ra đời vẫn còn nguyên giá trị. Đảng là của nhân dân, của dân tộc. Đảng từ nhân dân mà ra. Lợi ích của Đảng cũng là lợi ích của nhân dân, của dân tộc. Lịch sử 86 năm ra đời, phát triển của Đảng đã chứng minh điều đó. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, cần quy định rõ hơn Đảng phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình; về quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu và mối quan hệ giữa tập thể cấp ủy, tổ chức đảng với người đứng đầu, bảo đảm thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, đi đôi với phát huy vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của người đứng đầu và cơ chế xử lý đối với người đứng đầu khi vi phạm. Quy định rõ hơn thẩm quyền và trách nhiệm của cấp ủy và ban thường vụ cấp ủy các cấp. Đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền; có cơ chế để các địa phương phát huy quyền chủ động, sáng tạo, gắn với đề cao trách nhiệm, đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo, quản lý thống nhất của Trung ương.
Một vấn đề cần quan tâm, đó là coi trọng xây dựng văn hóa trong các tổ chức đảng, cơ quan Nhà nước, trong hệ thống chính trị mà nội dung quan trọng là tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo trong hệ thống tổ chức của Đảng từ Trung ương tới cơ sở, xây dựng phong cách làm việc khoa học, tập thể, dân chủ, gần dân, trọng dân, vì dân, bám sát thực tiễn, nói đi đôi với làm thông qua những hoạt động thiết thực, cụ thể.
Bên cạnh việc lãnh đạo thực hiện tốt những nhiệm vụ nêu trên, Đảng ta nói chung và mỗi cấp ủy, tổ chức đảng nói riêng phải luôn khắc cốt ghi tâm thực hiện thật tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu: Chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm phải hai mươi; việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm; việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh. Đó vừa là phương thức lãnh đạo của Đảng, vừa là mục tiêu cao nhất mà Đảng phấn đấu và hướng tới./.
Trịnh Văn Dũng (QĐND)